Ngày đất nước thống nhất qua cảm nhận của phóng viên chiến trường

(PLVN) - Nhà văn Phạm Việt Long (SN 1946), quê gốc Ninh Bình, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Ông từng là phóng viên chiến trường và là nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng. Nhân ngày đất nước thống nhất, nhà văn Phạm Việt Long có những chia sẻ về ngày này năm 1975, cũng như có những suy tư về văn hóa, về nghề báo, về thời cuộc.
Nhà văn Phạm Việt Long

*Xin chào nhà văn Phạm Việt Long! Được biết, ông từng là phóng viên chiến trường, vậy ông có thể cho biết, điểm khác nhau và giống nhau giữa phóng viên chiến trường và phóng viên hiện nay trong thời bình?

Nhà văn Phạm Việt Long viết nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại, trong đó nổi tiếng với tác phẩm viết về chiến tranh “Bê trọc” đã được dựng thành phim cùng nhiều tác phẩm viết về đời sống gai góc. 

Tôi cho rằng sự giống nhau ở chỗ cùng là phóng viên của một chế độ xã hội, phấn đấu theo lý tưởng của Đảng, Nhà nước, cùng hoạt động nghiệp vụ theo những cơ sở lý luận, nghiệp vụ báo chí cách mạng, mong muốn góp sức bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

Khác nhau: Ở thời chiến, nhiệm vụ chính là bảo vệ đất nước, giành độc lập dân tộc. Phóng viên, tuy không cầm súng trực tiếp, nhưng vẫn phải “tham chiến” bằng ngòi bút, chiếc máy ảnh, vẫn phải lao vào nơi gian khó, hiểm nguy để làm nghiệp vụ. Khó khăn, gian khổ nguy hiểm hơn nhiều. Kẻ thù được hiển hiện ở phía trận tuyến bên kia, dễ nhận diện hơn để đấu tranh.

Ở thời bình, nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước. Điều kiện hoạt động thuận lợi hơn, hiện đại hơn. Tuy vậy, đất nước vẫn có kẻ thù, “thù trong giặc ngoài”, việc nhận diện “thù trong” rất nan giải, phải tinh tường, khôn khéo. Nếu yếu kém, có thể bị “hi sinh” khi “chiến đấu” với “thù trong” – những kẻ thoái hóa, biến chất, tham ô, lợi ích nhóm…

*Được biết, ông tham gia chiến trường khi tuổi còn rất trẻ, vậy điều gì thôi thúc ông và lúc mới ra trận, ông có cảm giác gì về ngày toàn thắng của dân tộc?

Tôi “ra trận” khi 22 tuổi. Lúc ấy, sau chiến thắng Mậu Thân 1968, cả nước bừng bừng khí thế tấn công, nổi dậy để giải phóng miền Nam. Lớp người như chúng tôi hồi đó được giáo dục về tình yêu và trách nhiệm với đất nước rất sâu sắc, cho nên tự nguyện và nhiệt tình dâng hiến. Ngay từ khi còn học phổ thông, chúng tôi đã viết đơn xin đi bộ đội.

Khi làm phóng viên, tôi xin đi vào tuyến lửa khu bốn nhưng lại được phân công ở nơi không ác liệt là Hải Dương, rồi Sơn La. Cho nên, đến khi tình hình cách mạng phát triển mạnh, tôi muốn được trực tiếp tham gia ở tuyến đầu để làm nghiệp vụ, nói như nhà thơ Tố Hữu là “phải đứng trên bốn phương thành Huế mà viết tin, chụp ảnh”, khi ông tới thăm Việt Nam Thông tấn xã (nay là TTX VN).

Khi mới ra trận và trong suốt quá trình tham gia kháng chiến, tôi luôn luôn tin vào ngày thắng lợi của dân tộc. Nếu đọc trong Bê trọc, các bạn sẽ thấy rõ điều đó, những từ như “tới ngày thắng lợi”, “khi chiến thắng”… luôn luôn xuất hiện trên trang giấy.

Đặc biệt, khi công tác tại Bình Định, được sống trong lòng dân, được tiếp thu sự chỉ đạo của tỉnh ủy Bình Định, tôi thấy rõ sức mạnh của nhân dân do Đảng lãnh đạo, sức mạnh ấy tất yếu đem đến thắng lợi, khiến tôi càng tin tưởng hơn vào ngày toàn thắng của dân tộc.

*Được biết, mới đây «Bê trọc» viết trong chiến tranh của ông một lần nữa được “tái bản”, nhưng nó lại nằm trong bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, vậy tại sao lúc đó, ông lại có ý định ghi chép cẩn thận như vậy? Hoặc là, sao ông không sử dụng một thể loại khác?

- Làm phóng viên, tư liệu là rất quý, cho nên tôi có thói quen ghi chép rất kỹ. Ngay từ thời gian mới vào nghề, tôi đã ghi chép theo hai cách: Ghi tư liệu khi đi thực tế làm việc và ghi nhật ký. Tư liệu là những tình hình thực tế được nghe, được đọc báo cáo, ghi chép lại, sử dụng để làm nghiệp vụ; đến bây giờ tôi vẫn còn lưu khá nhiều sổ ghi chép như thế.

Còn nhật ký, cũng ghi chép tình hình nhưng theo quan sát trực tiếp của bản thân và những suy nghĩ, xúc cảm của bản thân, thực ra là để làm kỷ niệm cho bản thân. Nhật ký là cách thức ghi chép phù hợp nhất cho cá nhân một phóng viên cho nên tôi chọn cách ghi chép ấy cùng với ghi chép tư liệu. Tất yếu, trong quá trình tham gia kháng chiến, tôi sử dụng tư liệu ấy viết không ít tin, bài cho Thông tấn xã, được đăng lại trên báo chí, phát trên đài Tiếng nói Việt Nam thời ấy.

*Tới đây, kỷ niệm Đất nước thống nhất, là người từng tham chiến, cũng như may mắn được trở về. Vậy trong ngày giải phóng khi ấy, ông đang ở đâu và cảm giác của ông như thế nào?

- Như các bạn biết, chiến dịch Hồ Chí Minh tiến từ Bắc vào Nam, lần lượt giải phóng các tỉnh từ Huế, vào Đà Nẵng, Quảng Nam...  Cho nên, ngay trong những ngày cuối tháng 3 đầu tháng tư năm 1975, tôi đã được sống trong không khí chiến thắng của quân và dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngày 29 tháng 3 tôi đã ở Đà Nẵng giải phóng. Tôi nghe tin giải phóng toàn miền Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi tôi đang ở Đà Nẵng.

*Ông có thể cho biết về cuộc sống của người dân sau ngày đất nước thống nhất?

- Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân được sống trong hòa bình, không còn cảnh chia li, bom đạn. Nhưng, thời hậu chiến, đất nước nào cũng gặp nhiều khó khăn. Nhất là Việt Nam, bị Mỹ cấm  vận, các nguồn viện trợ cũng giảm, ta phải tự lực khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng đất nước. Trong khi đó, lại nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi biên giới phía Bắc. Muôn vàn khó khăn đến với nhân dân ta. Thiếu thốn vô cùng.

Nhưng, nhân dân ta phát huy tinh thần dân tộc, đùm bọc nhau, cùng vượt qua gian khó để vươn lên – “Cái thời quanh năm thiếu đói/ Người ta yêu đến vô cùng” (Đỗ Quý Doãn). Bản thân tôi, lúc đó có vợ và một con, hai vợ chồng đều đi học văn hóa để nâng cao trình độ, chỉ hưởng 75% lương, rất thiếu thốn. Nhưng, biết rằng muốn tiếp tục tồn tại và phát triển trong cuộc sống mới, thì phải học tập, nâng cao trình độ, chúng tôi đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, hoàn thành chương trình học tập.

*Được biết, ngoài viết về chiến tranh, ông còn viết về đời sống gai góc. Ông thấy đề tài nào dễ hơn?- Tôi nghĩ, viết về đề tài nào cũng khó. Nhưng, viết về những vấn đề gai góc thời bình, có cái khó về nhận diện và vạch trần bộ mặt của những kẻ xấu xa ở cùng đội ngũ, khác với nhận diện, vạch trần kẻ địch bên kia chiến tuyến (tất niên cũng có bọn gián điệp, tình báo luồn lách vào bên ta, nhưng không phổ biến). Nhận diện không tinh tường, viết không khéo, lại thành “nói xấu chế độ” thì nguy!

*Ông từng làm trong ngành văn hóa nhiều năm, đi nhiều nơi trên thế giới, lại là tiến sĩ về văn hóa, sống qua thời chiến đến nay, ông có thể cho biết, văn hóa “cốt tủy” của dân tộc phụ thuộc vào lứa tuổi nào, tức là độ tuổi nào sẽ phát triển được văn hóa truyền thống?

- Văn hóa truyền thống muốn được bảo tồn và phát huy, phụ thuộc vào tất cả các thế hệ. Thế hệ đi trước bảo tồn và trao truyền cho thế hệ đi sau. Thế hệ đi sau tiếp nhận, tiếp tục bảo tồn và phát huy, cứ như vậy hết thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Nhưng, nói về hiện tại, thì lớp người trẻ tuổi - lứa tuổi 20 - là quan trọng nhất, vì phải có họ tiếp nhận và phát huy thì văn hóa truyền thống mới có đất để tồn tại và phát triển.

*Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm