Ngày linh thiêng

(PLO) - Hôm nay, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017). Không giống như bất cứ một ngày kỷ niệm thông thường nào khác, Ngày Thương binh - Liệt sỹ đã từ lâu là một dịp đặc biệt để cả đất nước tỏ lòng tri ân và vinh danh những người con đã ngã xuống hoặc hiến dâng một phần xương máu cho nền độc lập của Tổ quốc.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỷ niệm ngày này, dù là ở một địa phương nhỏ bé hay được tổ chức mang tầm cỡ quốc gia, dù là một cuộc gặp gỡ chân tình hay là buổi mít tinh hoành tráng thì đều có một không khí như nhau là khúc tráng ca bất diệt xen lẫn sự bi tráng khắc khoải lòng người, là nỗi rưng rưng tưởng niệm lan tỏa những cảm xúc thiêng liêng.

Nét đặc trưng trong kỷ niệm ngày này là không chỉ các cấp chính quyền, đoàn thể đứng ra tổ chức mà cả những cơ sở tôn giáo, các nhóm thiện nguyện, các cộng đồng dân cư nhỏ lẻ hoặc chỉ là những người bạn bè, trong gia đình... cũng đều tập hợp và làm một cái gì đó ý nghĩa để tri ân, tưởng nhớ.

Và, đặc biệt, không chỉ một ngày kỷ niệm mà trước đó, các hoạt động hướng tới Ngày 27/7 đã mở ra, sôi động và thiết thực, không chủ đích nhưng tháng Bảy đã trở thành tháng hành động vì các gia đình thương binh, liệt sỹ. Những hoạt động này không chỉ đơn thuần là làm nghĩa vụ hay trách nhiệm mà xuất phát bởi chính sự biết ơn, trân trọng quá khứ mất mát, mang cả ý nghĩa tâm linh và thực sự thể hiện việc “đền ơn, đáp nghĩa”. Hành động, không phải chỉ làm theo chính sách, để lập thành tích mà từ trong tâm khảm của mình mong muốn thực hiện đạo lý truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”.

Vì thế, những hành vi phản cảm, đi ngược với đạo lý, lợi dụng chính sách tốt đẹp để mưu cầu lợi ích riêng tư không những bị pháp luật trừng phạt, dư luận lên án mà còn bị “quả báo nhãn tiền”. Điều này rất linh ứng qua các trường hợp làm hồ sơ thương binh giả, lập mộ giả, tìm hài cốt liệt sỹ giả, ăn bớt tiền chính sách,... đều bị nhận các hình phạt thích đáng, theo cách này hoặc cách khác.

Đã hơn 70 năm trôi qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn Ngày Thương binh - Liệt sỹ và nghĩa cử của Bác khi cởi chiếc áo rét của mình đang mặc gửi cho cuộc vận động Mùa đông chiến sỹ (năm 1946) và chiếc áo lụa, một tháng lương, một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch (năm 1947) cho thương binh cho đến hôm nay nghĩa cử đó nhân rộng ra khắp đất nước, dài theo năm tháng và mãi mãi là biểu tượng bất diệt cho tinh thần đạo lý biết ơn, trả nghĩa của dân tộc ta!