Mah Thanh bảo: “Giờ được lý giải nhiều mới hiểu, là đàn ông mà chỉ biết dùng nắm đấm là không tốt. Phong trào giữ lửa hạnh phúc; Chiến dịch nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống…như ngọn gió mát lành thổi vào ngõ ngách của hàng trăm buôn làng, tạo nên luồng sinh khí mới, đời sống đổi thay theo”.
Hết tảo hôn, không còn bạo lực gia đình
Từ những ngày dồn nén tâm tư, tích tụ ám ảnh bởi những cơn say ly bì của chồng, chị Rơ Chăm H’Mai (xã Ia H’Lốp) hiểu rõ giá trị của sự êm ấm. Nhắc lại ngày cũ, H’Mai tâm tình: Ở các ngôi làng của người Ba Nar, Giarai…trước đây, hễ cứ sểnh ra là đàn ông vất vưởng trong men rượu. Trẻ con đua nhau sinh đẻ, đời sống có lúc tưởng như ngột ngạt không lối thoát.
Trong vòng luẩn quẩn đó, những mâu thuẫn gia đình phát sinh hàng ngày, hạnh phúc ngọt ngào như một thứ xa vời. Nhưng rồi, cuộc “cách mạng ý nghĩ” đã làm nên những đổi thay kỳ diệu. Phụ nữ xã, già làng và những người có uy tín trong cộng đồng gõ cửa từng nhà vận động đàn ông từ giã bạo lực, các cặp vợ chồng cam kết không không cho con tảo hôn. Trải qua tuổi thơ với những ngày lăn lóc trên nương rẫy, Rơ Mah Hiếu cùng nhiều thiếu niên khác ở xã H’Bông (Chư Sê) đã vội vã lập gia đình, gồng gánh những âu lo.
Mấy đứa con ra đời, cuộc sống càng bí bách hơn nhưng vẫn muốn đẻ thật nhiều cho bằng bạn cùng trang lứa. Mah Hiếu thổ lộ: Nào đã biết chăm con thế nào đâu. Tất cả cứ theo sở thích và thói quen tự nhiên thôi. Mấy đứa trẻ chào đời cứ ốm o và khóc ngằn ngặt nên mình cũng sinh nóng nảy, gia đình lục đục. Có hôm chẳng muốn về nhà. Hàng trăm gia đình trẻ ở các làng khác cũng vậy.
Mãi đến khi được gia nhập “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ nói không với tảo hôn”, thu nhận vào mình nhiều kiến thức bổ ích về chăm sóc gia đình, xây dựng đời sống mới, Mah Hiếu và các cặp vợ chồng tảo hôn khác vỡ lẽ ra, xây tổ ấm, nuôi con khỏe mạnh cũng phải học, nhất là hạn chế đẻ nhiều, đẻ tại nhà, ruộng rẫy.
Thấy rõ hiệu quả từ các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, bà Rơ Chăm H’Hồng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai cho biết: Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung tình trạng tảo hôn còn xảy ra nhiều. Đây cũng là nguyên nhân chất lượng đời sống, hạnh phúc gia đình giảm. Vậy nên, phải nhân rộng các Câu lạc bộ này ra. Riêng tại Gia Lai, đã có trên 50 mô hình “Câu lạc bộ Nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, “Câu lạc bộ phụ nữ hạnh phúc”… với hơn 1.600 thành viên tham gia.
Hầu hết các địa phương trong tỉnh, đều có mô hình hay. Các thành viên ở các Câu lạc bộ luân phiên nhau chuyển tải các kiến thức bổ ích xây dựng đời sống gia đình. Dùng chính sự chân thành, cảm thông để hòa giải các mâu thuẫn, xung đột. Nhiều địa bàn trọng điểm như huyện Chư Sê có đến gần 20 Câu lạc bộ, Krông Pa có hàng trăm gia đình cũng háo hức tham gia. Tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giảm hẳn. Từ đó, tình trạng trẻ con sinh trẻ con cũng giảm đáng kể, chấm dứt bạo lực gia đình.
Bước vào tuổi 19, sơn nữ Rơ Mah H’Đê (làng Gram, xã Ia H’Lốp) tự tin khoe: Được cán bộ và các già làng vận động, lại tận mắt chứng kiến các tình cảnh ngặt nghèo của nhiều cặp vợ chồng trẻ con, đánh chửi nhau chí chóe nên chúng em quyết định khi nào trưởng thành hẳn mới lập gia đình, không tảo hôn như lớp đi trước nữa. Đích thân dẫn vợ là H’Nham đi giao lưu cùng nhiều “Câu lạc bộ phụ nữ hạnh phúc”, “Câu lạc bộ giữ lửa hôn nhân”, anh Nay Trung (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) phấn khởi như thấy cuộc sống của mình đã lật sang một trang mới, tươi sáng hơn. Nay Trung thổ lộ rằng: Mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ hạnh phúc” của xã mình đã hay rồi, đi giao lưu biết thêm nhiều nơi khác cũng hay không kém.
Được hơn 30 thành viên trong “Câu lạc bộ phụ nữ hạnh phúc” miệt mài truyền đạt Luật Phòng chống bạo lực gia đình, luật bình đẳng giới, cách tránh xa tệ nạn, chăm sóc sức khỏe sinh sản…nhiều nam giới là người dân tộc thiểu số ở xã Ia Kdăm đã thay đổi hẳn nhận thức. Già làng Nay Thanh thở phào: Vậy là bao đêm lăn lộn tuyên truyền đã có kết quả. Trước ngày nào cũng phải đi khuyên nhủ cánh nam nhi không đánh vợ, có ngày hòa giải 3- 4 cặp. Giờ thì hiếm lắm, ai cũng hiểu ra, xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm là mục tiêu văn minh cần hướng đến.
Xây dựng nếp sống mới gắn với giá trị truyền thống
Ở nhiều xã, thuộc các huyện biên giới ở Tây Nguyên, khi thay đổi được nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc thì nhiều buôn còn hướng đến xây dựng nơi chôn nhau, cắt rốn của mình thành làng kiểu mẫu với các tiêu chí: Đẻ ít, học nhiều, yêu thương và văn minh dần. Đặc biệt, trong những buôn kiểu mẫu ấy, cộng đồng dùng chính các “đặc sản” văn hóa truyền thống làm chất xúc tác.
Sinh ra và lớn lên ở làng Jun (xã Yang Bắc, huyện biên giới Đắk Pơ, Gia Lai), ông Đinh Yao- Trưởng thôn khẳng định: Làng mình giờ đã thành làng phụ nữ kiểu mẫu rồi, không còn hủ tục và đói khát như xưa. Mà, chính “đặc sản” cà kheo góp phần xây nên hạnh phúc và vinh quang đấy. Môn cà kheo này đã vang danh khắp nước.
Nghệ nhân A Đoàn chsu trọng việc lồng ghép hình ảnh các sản phẩm văn hóa vào tuyên truyền, hiệu quả cao |
Xưa, cà kheo để lên rẫy, phòng vệ thì ngày nay cà kheo thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe và vươn ra tham dự các hội thi thể dục thể thao ở nhiều nơi trong nước và quốc tế. Và, chính những đêm trăng luyện cà kheo dưới tán rừng, quanh nhà văn hóa làng đã thắt chặt hơn tình cảm của cộng đồng người Ba Nar ở làng Jun với nhau. Làng có mấy trăm hộ dân và đều thương nhau như họ hàng cũng một phần nhờ cà kheo đấy. Không ai giận nhau quá một ngày được. Cứ giận buổi sáng, buổi tối tập cà kheo cùng nhau là hết giận ngay.
Nhiều cặp đôi còn yêu nhau từ những lần tập cà kheo. Nhiều thanh niên làng Jun khẳng định: Trước đây chúng em thích chơi đủ trò chơi trên điện thoại, ra cả thị trấn chơi điện tử trên máy tính rồi uống rượu ly bì. Sau đó được trưởng thôn, già làng vận động tham gia đội cà kheo của làng. Càng miệt mài luyện càng thấy thích thú. Từ đó bỏ hẳn các trò chơi và sở thích vô bổ. Dốc đam mê vào cà kheo vừa khỏe người còn được đi biểu diễn cho khách nước ngoài ở Festival cồng chiêng Tây Nguyên, các Hội thao ở Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Định...
Luyện tập đi cà kheo để rèn luyện sức khỏe |
Nhiều năm nay, nghệ nhân A Đoàn và những người uy tín ở xã Đắk Hà (Tu Mơ Rông, Kon Tum) cũng luôn đau đáu với việc dùng chính các sản phẩm văn hóa đặc trưng lồng ghép vào các cuộc tuyên truyền xây dựng gia đình mới. Nỗi trăn trở của A Đoàn chẳng phải ngẫu nhiên. Sẫm tối, đi quanh xã, nhìn những căn nhà lặng lẽ dưới các tán cây, mắt A Đoàn cụp xuống trầm tư.
Ông thổn thức tâm sự: Mình mê nghề tạc tượng từ nhỏ. Đây cũng là một trong những nét văn hóa đặc sản của Tây Nguyên. Mỗi bức tượng được tạc ra đều mang thông điệp cả, thông điệp cho hiện tại, cho tương lai. Thực tế khó phủ nhận là vẻ đầm ấm trong các hình mẫu xưa tuột dần. Vậy nên, khi đã hình thành nên các Câu lạc bộ nói không với bạo lực, Câu lạc bộ giữ lửa gia đình rồi thì những ngày hội, ngày nông nhàn chúng tôi vẫn phải bền bỉ lý giải về ý nghĩa của các bức tượng cho mọi người hiểu và đối chiếu với cuộc sống của mình.
Chỉ tay vào bức tượng “Người đàn bà chịu khó”, A Đoàn chia sẻ: Nét đẹp thánh thiện và đáng kính nhất của phụ nữ Tây Nguyên đó là cần cù và chịu khó. Lớp trẻ giờ ham chơi lắm còn học đòi nhiều thói hư. Bức tượng này như lời nhắc nhở họ hãy quay về vẻ đẹp giản dị của mình. Đó là cái gốc bền của hạnh phúc gia đình.
Nói về chuyện được thức tỉnh nhờ tượng, A Linh ở xã Đắk Sao (Tu Mơ Rông) là một điển hình. Ba năm trước A Linh khá lười làm, chỉ quậy phá, uống rượu. Khi được A Đoàn truyền nghề tạc tượng, kể chi tiết về ý nghĩa những bức tượng hay những người đàn ông trách nhiệm, người đàn ông của buôn, cũng như tâm sự về lẽ sống… anh đã từng bước nhận ra cái đẹp, sự nhân nghĩa, giá trị lao động và đối xử tốt với cộng đồng. Ngay sau đó, chính A Linh cũng là người năng nổ tham dự các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc trên địa bàn huyện.