Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: Lấp lánh những 'vầng trăng khuyết'

(PLVN) - Tối nay (18/4) chung kết liên hoan “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2019 sẽ diễn ra với sự tham gia của 9 cô gái xinh xắn, xuất sắc đã vượt qua 76 ứng viên toàn quốc. Họ là những cô gái không cam chịu số phận nghiệt ngã để vượt qua chính mình…
Phan Thị Kim Vân (Quảng Nam)

Nước mắt và nụ cười trên những chuyến xe buýt 

Là người khuyết tật (NKT) vận động nhưng Bùi Thị Phương (Vĩnh Phúc) chưa bao giờ nghĩ mình là người “có vấn đề về hình thể”. Sau cơn sốt cao lúc ba tháng tuổi đã khiến chân phải của Phương teo đi. Và rồi, chân phát triển không lành lặn bình thường, khiến dáng đi của Phương khập khiễng.

Những ngày tháng đó, Phương sợ nhất là mùa đông bởi mỗi đợt giá rét, một bên chân lạnh cóng, tê dại run run, cả chân thâm tím vì lạnh tới mức không giữ nổi đôi dép trên chân khiến ai nấy nhìn thấy cũng xót xa.

Mỗi người một tài năng khác biệt

Với thông điệp “Mỗi con người một tài năng khác biệt”, chung kết Liên hoan gồm ba phần thi: Trang phục, Tài năng và Vấn đáp. “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam vào năm 2013, thu hút sự quan tâm của cộng đồng với NKT và vì NKT.

Năm nay, lần đầu tiên “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” sẽ có sự đồng hành của Hoa hậu Nhân ái thế giới 2017 Đỗ Mỹ Linh với vai trò Đại sứ và thành viên Ban Giám khảo của Liên hoan. 9 cô gái đã xuất sắc vượt qua 76 ứng viên từ các tỉnh, TP trên cả nước, với khả năng sáng tạo, phản biện các định kiến, bất bình đẳng về khuyết tật và phụ nữ, cùng nghị lực phi thường nhằm khẳng định các giá trị tốt đẹp và những đóng góp tích cực cho xã hội.

Đây đều là những đại diện tiêu biểu cho các nữ thanh niên sống chung với nhiều dạng tật khác nhau, bao gồm khuyết tật vận động, xương thủy tinh, khiếm thị...

Thế nên, cô đã sung sướng đến rơi nước mắt và vỡ òa trong hạnh phúc khi lần đầu tiên Phương biết đi xe đạp vì chân đã khỏe hơn so với lúc chưa phẫu thuật chỉnh hình. Cố gắng mỗi ngày trên chiếc xe, đóng các cánh cửa lại để tập xe trong nhà, để nếu đổ sẽ có tường và cửa đỡ. Không biết bao nhiêu lần, cánh tay cô xước chảy dài vệt máu nhưng Phương không bỏ cuộc.

Chính dấu mốc đó khiến Phương vững tin đi học, đến trường cùng các bạn. Sau khi tốt nghiệp, Phương theo học Trung cấp Dược Vĩnh Phúc và học liên thông lên trình độ Cao đẳng. Hiện công việc của Phương là dược sỹ bán hàng thuốc và có thể kiếm tiền nuôi sống bản thân khiến gia đình rất tự hào về cô con gái nhỏ… 

Còn Phan Thị Kim Vân (Quảng Nam), một cô gái lạc quan cũng hài lòng bày tỏ: “Nếu cuộc đời bất công và có cho Vân được chọn lại, Vân vẫn muốn Vân của hiện tại. Đó đâu phải là khó khăn, đó là thử thách mà mỗi người chọn cách vượt qua. Hai năm trước, nếu Vân chọn cách từ bỏ không đi xe buýt vì người ta không muốn đón NKT, vì mình là NKT, vì NKT không thể nào tiếp cận được các phương tiện công cộng thì những năm đại học của Vân sẽ đi tới đâu?

Một lần, hai, ba lần đứng nhìn xe lướt qua mà bản thân bất lực với hai hàng nước mắt. Chưa kể nhiều lúc lên được xe, chưa hết mừng Vân phải nghe những lời vô cảm của người phục vụ. Nhưng Vân không tin mọi chuyến xe đều bỏ mình, mọi người vô cảm khi nhìn thấy Vân. Vân  không tin là không nhờ được ai giúp trong hoàn cảnh ấy. Đi, tiếp tục đi, kiên trì đi, rồi Vân nhận ra đó là trải nghiệm thú vị.

Và rồi Vân thấy cần làm gì đó giúp những NKT khác trải qua những khó khăn ban đầu. Năm 2016, Vân cùng bạn tham gia thực hiện ý tưởng dự án “Hỗ trợ NKT tham gia giao thông công cộng, cụ thể là xe buýt”. Và giờ đây việc đi xe buýt là niềm vui mỗi ngày với nhiều NKT như  Vân”. 

Khiếm thị không có nghĩa là ngừng học 

Cùng tâm trạng, Lê Hương Giang (Hà Nội) hài hước chia sẻ: “Một chuyên gia người Nhật nào đó khi ghé thăm Việt Nam đã gọi đây là quốc gia dành cho những NKT ưa mạo hiểm”. Tuy là người khiếm thị nhưng Giang không sử dụng gậy dò đường, không phải vì sợ gây sự chú ý hay sợ mất thẩm mĩ mà theo Giang nó không thể hỗ trợ như chức năng vốn có.

Lê Hương Giang ( Hà Nội).

Giang kể: “Anh bạn có thâm niên hơn chục năm đi gậy lâu lâu lại gọi điện “khoe” với tôi đã thêm một em gậy “hi sinh” do bị xe chẹt. Cậu học trò ở một trường bổ túc vừa cười vừa kể mỗi lần đi bộ chẳng may gậy chọc vào cái thúng, cái mẹt của người ta là nhận về ngay câu gắt “Mù thì ra đường để làm gì?”…

Thế rồi, có một bước ngoặt khi năm 9 tuổi, Giang có cơ hội được sang Thụy Điển giao lưu nghệ thuật. Đó cũng là lần đầu tiên Giang biết tới chữ nổi có thể in được lên phím bấm trong thang máy, cột đèn có thể cài chuông để phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường, các tòa nhà đều có đường dốc cho xe lăn… 

Và với Giang, buồn hơn cả khi kết thúc cấp II, cô chia tay những bạn học khá trong lớp phải nghỉ học do phụ huynh không tin vào tương lai tốt đẹp hơn cho những NKT theo con đường học vấn. Đó là những người bạn từng cùng ngồi trên dãy hành lang kể cho nhau nghe về giấc mơ làm giáo viên, luật sư, họa sĩ,… giờ bỏ cuộc do thiếu niềm tin từ gia đình và thiếu niềm tin vào chính mình. Bởi ám ảnh ấy, Giang đã phấn đấu trở thành chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực NKT để mong gạt bỏ những rào cản đó. 

Ngày một mình cầm giấy nhập học trên sân Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Giang không biết bản thân đang vui hay buồn. Bởi đó là một hành trình gian nan với không chỉ người lành lặn, cô nhớ lại: “Việc không có hội đồng thi cho học sinh khiếm thị đã khiến chúng tôi chỉ biết trông chờ vào quyết định của từng trường.

Nếu không giành được giải 3 quốc gia trong Hội thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh THPT Intel ISEF thì có lẽ cánh cổng ước mơ cũng sẽ đóng lại trước mắt tôi như những bạn còn lại. Tôi đã giữ quan niệm NKT Việt Nam là những người khó khăn nhất cho đến khi tham gia cuộc thi “Thử thách Công nghệ Thông tin với thanh niên khuyết tật toàn cầu” tại Hàn Quốc.

Ở đó tôi gặp một bạn bị liệt toàn thân chỉ cử động được đôi bàn tay, những thí sinh đến từ quốc gia xa xôi mà tôi chưa từng nghe tên với cuộc sống đi học bị hạn chế, cơ hội việc làm hạn chế... Tôi mới thấy khiếm thị không phải là điều gì đó quá tồi tệ và là người khiếm thị ở Việt Nam tôi có được nhiều điều hơn tôi nghĩ.

 Bước chân ra khỏi “vòng tròn” của chính mình, tôi có cơ hội đến nhiều nơi và kết thêm nhiều bạn bè. Ở “Tuần lễ giáo dục cho mọi người” của UNESCO, tôi thấy chị Lan Anh - Giám đốc ACDC, tự di chuyển với chiếc xe lăn của mình, ngồi cùng bàn ăn sáng. Mẹ tôi định giúp chị chuyển từ xe lăn ra ghế ngồi nhưng chị đã làm rất nhanh nhờ đôi tay của mình.

Cũng trong chương trình đó anh Tuấn Linh - Chủ tịch Chi hội người điếc Hà Nội đã trò chuyện với tôi thông qua phần tin nhắn trên di động, ai bảo người khiếm thị và người điếc không thể giao tiếp với nhau? Đêm chung kết cuộc thi The Next MC 2016 một sinh viên khuyết tật vận động năm nhất đòi theo anh chị đi xe buýt đến cổ vũ tôi, trên đường về phải đi tắt qua công viên nhưng bảo vệ không chịu mở cổng gần nhất mà phải đi vòng, rồi đến một thanh niên từ chối bê giúp xe lăn lên xe buýt nhưng cô bé vẫn cười rạng rỡ bảo tôi: “Chị tham gia hoạt động gì thì gọi em đi cùng với chị nhé!”.

Mới năm ngoái, trường đại học của tôi còn chưa có đường đi cho xe lăn nhưng những xây dựng, sửa chữa gần đây đều đã chú trọng đến sự thuận tiện cho NKT. Hai tháng trước thày cô bên Hội Sinh viên khuyến khích tôi dán giấy chữ nổi lên phím bấm trong thang máy khi nhà trường chưa kịp cải thiện để trợ giúp các bạn khiếm thị…

Bùi Thị Phương (Vĩnh Phúc). 

Có thể cuộc sống của NKT ở Việt Nam chưa được lí tưởng nhưng bạn thấy đấy bản thân chúng tôi đang cùng nhau cải thiện nó mỗi ngày. Ngày hôm nay đã tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai những điều tươi sáng hơn sẽ đến. Giờ đây chúng tôi không còn trông chờ vào sự may mắn mà chính NKT cần chủ động vì cuộc sống của chính mình…”. 

Tạo điều kiện để NKT tham gia nhiều hơn vào xã hội

 Ngày 17/4, nhân kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam (18/4), Liên hiệp hội về NKT Việt Nam (VFD), Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC), Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) và Hội NKT TP Hà Nội đồng tổ chức sự kiện chào mừng với chủ đề “Tiếp cận cho mọi người”.

Sự kiện có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành; Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế; các hội, nhóm NKT và đông đảo NKT.

Phát biểu tại sự kiện, Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai - Chủ tịch VFD, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến NKT thông qua Luật và các Nghị định, Thông tư.

Trong đó, quyền được tiếp cận giao thông của NKT được đưa vào một trong các vấn đề ưu tiên hàng đầu. Hiện nay, những NKT đã được tiếp cận hoàn toàn với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, các sân bay trong cả nước mà không phải ký “giấy miễn trừ trách nhiệm” nữa. Người điếc đã được hướng dẫn an toàn bay bằng ngôn ngữ ký hiệu của phiên dịch trên tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines….

Theo Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai, điều này thể hiện sự tiến bộ của nước ta khi thực hiện Công ước của Liên hiệp quốc về quyền của NKT.

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng phát động chiến dịch truyền thông và cuộc thi “Đồng hành cùng D.Map - Go with D.Map”. D.Map là ứng dụng trên điện thoại thông minh được phát triển với sự tài trợ của UNDP và Cơ quan phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cùng với hỗ trợ kỹ thuật ban đầu của Đại học Hoa Sen.

Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng iOS và Android cùng phiên bản web với mong muốn trở thành một kênh thông tin hữu ích giúp NKT có thể tìm kiếm các địa điểm được xây dựng có hạng mục tiếp cận/thuận tiện cho sử dụng; giúp cộng đồng nhận thức về những khó khăn và nhu cầu hoà nhập chính đáng của NKT trong bối cảnh hạ tầng đô thị chưa đáp ứng.  Bảo An

Đọc thêm