Náo nức chuẩn bị
Sau khi giành được độc lập, ngày 18/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh quy định ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Để từ đó, vào ngày 1/5/1946 lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động được tổ chức đầy đủ và trọng thể ở nước ta.
Ở Hà Nội, công việc sửa soạn đã được bắt đầu từ hơn nửa tháng trước. Nhiều sáng kiến hay được ban tổ chức đem ra bàn như: căng biểu ngữ, dán áp phích, cổ động bằng máy truyền thanh, trên mặt báo để tất cả các tầng lớp dân chúng đều nô nức dự vào ngày hội lớn; công nhân hỏa xa làm một cái đầu máy xe lửa lớn bằng cót để đi diễu hành; lịch sử Ngày Quốc tế lao động được in thành tài liệu phát cho mọi người… Buổi lễ được chuẩn bị thật kỹ càng, kỳ công, biểu lộ rõ tâm trạng háo hức của công nhân và nhân dân ta trong ngày “Tết Lao động” đầu tiên sau khi nước nhà độc lập.
Kỳ đài ở Việt Nam Học xá ngày 1-6-1946 – Ảnh chụp từ Báo Cứu Quốc |
Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách Khoa Hà Nội) được chọn là nơi sẽ tổ chức ngày hội. Trên sân học xá từ mười hôm trước công việc sửa soạn đã tấp nập. Ban tổ chức quyết định dựng một kỳ đài cao mười lăm thước để có thể nhìn bao quát cả một khu vực rộng lớn sẽ diễn ra mít tinh…
Góp phần vào việc tổ chức, họa sĩ Nguyễn Huyến - một trong những họa sĩ sáng lập Hội Mĩ thuật Việt Nam - đã thức suốt ngày đêm để vẽ hai mươi bức tranh cổ động cho Ngày Quốc tế Lao động. Những bức tranh đặc sắc này đã được mô tả chi tiết trên báo Cứu Quốc năm 1946 là một trong ba tờ báo (bao gồm Sự thật, Cứu Quốc và Độc lập) phát hành số đặc biệt kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động
Lễ mít tinh lịch sử
Đây là lần đầu tiên được kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động nên toàn thể đồng bào nhất là đồng bào thành phố Hà Nội nô nức trong bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt chưa từng thấy.
Và rồi ngày mong chờ cũng đến. 1/5/1946 Ngày Quốc tế Lao động đầu tiên sau độc lập diễn ra thật trang nghiêm. Từ 6h sáng, từng đoàn người nô nức đổ về Việt Nam học xá. Tại đây, hàng vạn người dân đã có mặt đông đủ dưới cờ đỏ sao vàng và những khẩu hiệu rợp trời: Lao động chân tay và lao động trí thức kiến quốc! Ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh!...
Đúng 9 giờ, đoàn đại biểu Chính phủ và các đoàn thể tới. Hồ Chủ tịch được bầu làm chủ tịch danh dự cuộc lễ. Đến dự lễ còn có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Đặng Phúc Thông, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ Nguyễn Xiển… Bên cạnh đó, có nhiều nhà báo, phóng viên quốc tế cùng theo dõi buổi mít tinh…
Thủ đô Hà Nội ngày 1-5-1946 – Ảnh chụp từ Báo Cứu Quốc |
Sau đó, cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành. Các đoàn thể lần lượt diễu qua khán đài. Đoàn công nhân gọn ghẽ trong bộ quần áo xanh, mũ đính sao vàng; Vệ Quốc đoàn; đoàn bình dân học vụ; đoàn Phụ nữ; đoàn Nhi đồng; các giới khác… Hơn mười vạn người tưng bừng trong cuộc mít tinh vĩ đại của dân tộc
Từ khu Việt Nam học xá, đoàn biểu tình đi qua các phố Duy Tân, Tràng Tiền. Những tiếng hô: “Hồ Chủ tịch muôn năm!” kéo dài mãi không dứt. Đến gần 12 giờ, cuộc biểu tình mới giải tán trước Bắc Bộ phủ.
Có thể nói ngày 1/5/1946 đã là một dấu son đỏ chói trong lịch sử, viết tiếp bản hùng ca tranh đấu của công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, để tinh thần Ngày Quốc tế Lao Động 1/5 mãi mãi bất diệt đến tận hôm nay.