1.
Bao đời nay, “về quê ăn Tết” đã trở thành một cuộc hành hương không chỉ trong tâm thức mỗi người Việt về nơi nguồn cội. Đó là nơi nếp nhà thơ ấu, bàn thờ Tổ tiên. Nơi ấy, những kí ức ăm ắp về mẹ cha những năm tháng vất vả, cơm chẳng đủ ăn nhưng lại đẹp đẽ đến kì lạ! Tựa một miền cổ tích, khắc khoải thật nhiều trong tim mỗi người.
Nơi ấy, dù cha mẹ còn hay mất thì những người con xa xứ cũng luôn cố gắng để trở về thắp những nén nhang thơm chiều cuối năm. Với những ai còn mẹ, thì Tết dù đường sá vất vả bao nhiêu, người Nam kẻ Bắc, cũng nhất định về quê ăn Tết với mẹ! Dẫu những người con ấy, rời xa vòng tay mẹ từ năm 18 tuổi, dẫu đã từng bôn ba khắp nơi, thì những ngày giáp Tết cũng rong ruổi cùng gia đình nhỏ của mình trong hành trình về quê sắm Tết, ăn Tết với mẹ già, anh chị em, họ hàng làng xóm.
Và như thế, mỗi năm một lần, chúng ta được sống trong những ngày Tết đoàn viên, sum họp, trong mùi Tết, trong ấm áp, yêu thương! Với nhiều người, nơi nào có mẹ, nơi ấy là nhà… Nơi ấy, họ được trở về, dường như thuở nguyên sơ, trong trẻo, bỏ lại mọi buồn vui, gấp gáp nơi phố thị! Họ sống chậm lại, trong những cảm nhận náo nức, được trở lại với chính mình, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà… Ấy là khi họ được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. Họ được gặp lại những anh em, xóm giềng đã từng thân nhau, ruột thịt từ rất nhiều năm tháng trước…
Tết cũng là ngày đoàn tụ với những người đã mất. Từ bữa cơm cúng ông công, ông Táo trưa 23 Tết, ấy là Tết đã cận kề. Tiếp đó, là những phiên chợ ngày Tết, với lá dong, lá mùi, những tất bật ngày cuối năm - sắm sửa mâm ngũ quả thật đẹp, những món ăn mang hương vị xưa… Tất cả đều là mùi kí ức đang hiện diện trong những ngày chuẩn bị đón Tết. Và rồi, ngày 30 Tết, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về nhà ăn cơm, vui Tết với con cháu.
Bàn thờ gia tiên ngày Tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn tỉ mỉ. Mâm cỗ với nhiều món ngon ngày Tết hay những món ăn quen thuộc của người đã mất. Và từ bữa cơm tất niên cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ, làm nên một mùi Tết riêng có, ấm áp và trầm lắng...
Đón năm mới, nhà cửa đã được dọn dẹp sạch bong. Người lớn cũng như trẻ con ở miền Bắc thường tắm lá mùi già ấm sực để chuẩn bị xúng xính quần áo mới, lì xì người lớn, trẻ nhỏ... Người Việt Nam tin rằng, những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin và hy vọng.
2.
Dù rất nhiều năm tháng qua đi, năm nào cũng thế, sau 360 ngày, Tết vẫn luôn là như thế, gấp gáp chộn rộn để đón một năm mới thanh khiết, tĩnh lặng.
|
Ngày Tết và những dấu yêu, sum họp. |
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Ở làng tôi, con đường ra nghĩa trang của làng bao giờ cũng được dọn dẹp sạch sẽ nhất, nghiêm trang nhất. Mọi người từ người trẻ đến người già đều ăn mặc thật tươm tất để ra mộ, mời người đã khuất về ăn Tết. Hồi bé, chiều 30 Tết, tôi thấy cả làng ra thăm mộ, một cách mơ hồ tôi cảm nhận được sự linh thiêng của tục lệ đó… Giờ chúng tôi không còn cha mẹ, nhưng chúng tôi vẫn về làng, cùng nhau làm các món ăn truyền thống như cha mẹ tôi đã từng làm. Sau một năm làm việc bận rộn, có quá nhiều việc làm ta xao nhãng, dường tất cả những gì đẹp nhất của gia đình, dòng họ, của văn hóa đều được hồi phục lại trong những ngày Tết…
Trong những ngày này, ta nhớ đến những người thân yêu đã vĩnh viễn rời khỏi thế gian và đã tan vào đất đai nồng ấm, thân thuộc và vô tận. Ta nhớ đến những người thân đang ở một chốn xa xôi trên thế gian mênh mông mà chưa về đoàn tụ với ta trong ngôi nhà ông bà, cha mẹ đã dựng lên... Lúc này đây, ta đang lau dọn ban thờ trong ngôi nhà ta. Ta thấy đôi mắt trong di ảnh của những người thân đã mất nhìn ta thương yêu và nhân ái làm sao. Ta lại nhớ đến những lời dạy dỗ của ông bà, cha mẹ ta khi họ còn sống và thấy lòng hổ thẹn vì ta chẳng làm được bao nhiêu điều tốt cho con người. Ta đâu có biết rằng, khi ta đưa bàn tay ra giúp đỡ một người gặp khó khăn hay sa ngã thì hạnh phúc nở trong ta chứ không phải nở trong lòng kẻ được giúp”…
Và năm qua, ca khúc “Đi về nhà” của nghệ sĩ Đen Vâu không chỉ phù hợp với những ngày Tết sum họp nữa: “Lao vào đời mà kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội/ Những thành thị thường lấp lánh, còn đêm thành thị thường trơ trọi/ Như mọi đứa trẻ khác, lớn lên muốn đi xa hoài/ Nhà thì vẫn yên ở đó, đợi những đứa con ra ngoài... Hạnh phúc, đi về nhà/ Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà/ Mông lung, đi về nhà/ Chênh vênh, đi về nhà...”…
Nhà là như thế đó, là thời thơ ấu ăm ắp sự trong trẻo của mỗi người. Là nơi, sau những vấp ngã, những cùng cực, hay hạnh phúc, con người có thể trở về để khóc, để cười. Như đứa trẻ được sà vào lòng mẹ ngày thơ bé…
Dẫu có thế nào, buồn hay vui, thì mỗi chúng ta đều mong những ngày Tết đến - Xuân về! Chẳng phải để mong được ăn ngon, được xúng xính quần áo mới… Mà bởi, năm mới, từ những nếp nhà yêu dấu, trong những yêu thương, mở ra những hy vọng, những mới mẻ…
Có thể nói, hai năm qua, trong dịch giã, chúng ta đã đón một cái Tết rất khác, có thể “ đường về nhà” trở nên khó khăn hơn, con virút vô hình đã chia cắt rất nhiều những ngày Tết sum họp. Nhưng dù có thể về nhà hay không, thì những ruột thịt, yêu thương, những khoảng lặng ngày Tết về cha mẹ, người thân vẫn luôn ở đó, ấm áp trong tim mỗi người. Dịch bệnh đẩy con người xa nhau về địa lý, nhưng cũng kéo con người xích lại gần nhau trong yêu thương, đùm bọc.
Chúng ta có niềm tin và hy vọng vào thiện lương tử tế của con người, hy vọng một ngày không xa, đại dịch thế kỷ sẽ đi qua… Để chúng ta có những cái ôm thật hơn, những bàn tay biết nắm chặt hơn những điều đẹp đẽ còn hiện hữu bên mình…