Ngây thơ trước cuộc sống, người trẻ có học thức tự “giết” mình?

Sự kiện nữ sinh viên bị cướp đoạt, ép lên xe taxi giữa chốn đông người Thủ đô và bị hiếp dâm mới đây đặt ra câu hỏi rằng phải chăng người trẻ đang tự “giết” mình vì quá thiếu những kỹ năng cần thiết?.

Sự kiện nữ sinh viên bị cướp đoạt, ép lên xe taxi giữa chốn đông người Thủ đô và bị hiếp dâm mới đây đặt ra câu hỏi rằng phải chăng người trẻ đang tự “giết” mình vì quá thiếu những kỹ năng cần thiết?.

Không thể hiểu nổi

Ngày 20/8, Công an Hà Nội ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Đỗ Văn Hưng (24 tuổi, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) để điều tra về hành vi hiếp dâm, cướp tài sản. Nạn nhân là Thi, nữ sinh một trường đại học ở Hà Nội.

Thiếu nữ này cho biết, chiều cùng ngày, khi đang ngồi gần quán nước đón xe buýt ở khu vực bến xe Mỹ Đình thì một thanh niên tóc húi cua tới ngồi cạnh làm quen. Biết Thi đang chờ xe về chỗ trọ, gã ngỏ ý muốn đi cùng. Thi rút tiền trả cho chủ quán nước nhưng gã này giằng lấy nhét vào người rồi gọi taxi đưa cô gái đi.

Hoảng sợ, Thi theo lên xe nhưng gã không đưa cô về phòng trọ mà chạy thẳng hướng Phạm Văn Đồng đi sân bay Nội Bài. Thi phản ứng liền bị gã trừng mắt, đe dọa. Trên xe, cô bị hắn cướp chiếc điện thoại Samsung Galaxy S2 HD và 700.000 đồng. Khi taxi đến thị trấn Quang Minh, gã trả tiền xe, rồi ép cô gái đi ăn cơm tối.

Sau đó, hắn đưa nạn nhân tới một nhà nghỉ gần đó, hiếp dâm nữ sinh này hai lần mới thả về. Trước sự việc trên, dư luận đều đồng loạt “không hiểu nổi” khi cô gái này đã là một sinh viên ĐH, lại giữa chốn đông người như vậy mà không biết hô hoán, phòng vệ bản thân để gã đồi bại uy hiếp?.

Trước đó, cộng đồng “phượt” xôn xao về chàng sinh viên năm thứ 2 Phạm Ngọc Ánh (trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội), bị mất tích trên đỉnh Fanxipang từ ngày 12/7 trong chuyến leo núi khi tách đoàn đi xuống một mình.

Theo lời kể của anh họ và là người đi cùng Ánh, trong lúc đoàn ngồi nghỉ tại điểm cách chân núi khoảng 3.000m, Ánh nói “em biết đường rồi, em đi xuống trước nhé”, sau đó thì mất hoàn toàn liên lạc.

Lúc rời đoàn, Ánh chỉ mang theo một túi bánh nhỏ còn điện thoại và đồ ăn sẵn chuẩn bị trước thì để trong túi đồ thuê người gánh hộ khi leo núi. Đến nay, sau nhiều đợt tìm kiếm với đủ mọi biện pháp nghiệp vụ nhưng thông tin về Ánh vẫn bặt vô âm tín.

Lạc lối vì thiếu “hoa tiêu”?

Dường như, những câu chuyện đáng tiếc, đau lòng trên không liên quan tới nhau trong một chủ đề nhưng mấu chốt của tất cả những “nếu như, giá mà” đó đều bởi một nguyên nhân sâu xa, người trẻ ngay cả khi đã là sinh viên, họ vẫn chưa được trang bị một hành trang để ứng phó, đối mặt với những khó khăn, cạm bẫy và tai ương của cuộc sống. Hay nói đúng hơn, giới trẻ đang bị tung ra giữa vũng xoáy của những giá trị sống bị đảo lộn mà không có hoa tiêu chỉ đường...

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, thực tế hiện nay, ngay từ nhỏ đôi vai các em đã dần đuối sức khi phải gánh quá nhiều áp lực, so với nội lực non nớt. Nào là áp lực thi cử (có thể cha mẹ, thầy cô, xã hội đặt kì vọng sai); áp lực bị thua kém bạn bè (bị so sánh, mặc cảm, không được là chính mình); áp lực từ người lớn (vừa phải học giỏi, vừa phải là con ngoan, vừa phải làm hài lòng người lớn khi mà cái nhìn của các em đã khác người lớn rất nhiều)... Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì những áp lực trên càng khó tránh bấy nhiêu.

TS Nguyễn Tùng Lâm, người nghiên cứu và triển khai sớm kỹ năng mềm áp dụng cho học sinh - sinh viên cách đây gần 10 năm, nhấn mạnh, kỹ năng mềm hay kỹ năng sống vốn là sự thẩm thấu và trải nghiệm. Không thể học đại trà, dạy đại trà, không thể giảng như một bộ môn. Kỹ năng này, thiếu thì phải tự tìm, phải có sự định hướng, tự trang bị, chứ không phải khi thấy thiếu sẽ chạy sô hết lớp này đến lớp khác thì sẽ “thành tài”.

Mặt khác, trong nhà trường, người dạy cũng phải được trang bị kiến thức sống một cách đầy đủ, phải qua trải nghiệm thực tế, phải biết quan sát học trò thiếu gì để đưa ra những định hướng, truyền thụ bổ ích, sáng tạo. Xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường hãy tập trung trang bị cho học sinh cái đó, cần bỏ những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống.

Đơn cử như cô sinh viên bị hãm hiếp trên, dù có nhút nhát tới đâu thì cũng phải biết hô hoán, phòng vệ, thậm chí có sự cảm nhận để tránh trò chuyện với những kẻ không đáng tin cậy như tên Hưng kể trên để hắn không nảy sinh ý đồ xấu. Hay như nam sinh viên mất tích phải biết những vật dụng tối thiểu bất ly thân bên mình là điện thoại di động… Những điều đó đến từ đâu nếu không từ sự định hướng, “hoa tiêu” của người truyền đạt.

Tuy nhiên, theo ông Lâm, tất cả những bài học không nên thiết kế như một bài truyền dạy, mà hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học. “Tôi không quan niệm đây là việc “cần học” mà là việc “cần sống”. Thực hành, trải nghiệm, thậm chí tạo nên nhiều tình huống khác nhau để học sinh phải va đập, suy nghĩ, tự tìm cho mình cách sống, hành vi phù hợp, điều đó mới có thể giúp các em thật sự có được năng lực để tự điều chỉnh bản thân và tham gia đời sống xã hội một cách tốt nhất”, TS Lâm nhấn mạnh.

Uyên Na

Đọc thêm