|
Nguồn gốc của Ngày Quốc tế Phụ nữ
Đúng vậy, phụ nữ trên toàn thế giới ở trong những thời kỳ trước luôn bị “lép vế” và có phần thấp kém hơn phái mạnh. Nhưng không vì sợ mà để bị “đàn áp”, phái nữ luôn đấu tranh bảo vệ quyền lợi và khẳng định chỗ đứng của mình.
Các cuộc đấu tranh của phụ nữ có thể kể đến từ thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Lysistrata đấu tranh chống lại nam giới để chấm dứt chiến tranh. Thế kỷ XIV, nữ huyền học người Italia Catherine de Sienne đã viết 381 bức thư gửi các nhân vật quyền lực nhất trong Giáo hội đòi nhân quyền cho nữ giới.
Thế nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX, cuộc đấu tranh của phụ nữ mới diễn ra mạnh mẽ khi đó chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh, nhiều phụ nữ và trẻ em bị hút vào các nhà máy và bị giới chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt. Ngày 8/3/1857, các công nhân ngành dệt đứng dậy chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại thành phố New York.
Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi.
Khoảng 50 năm sau, ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Hoa Kỳ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28/2/1909.
Tuy nhiên, đến 8/3/1910, tại Hội nghị Phụ nữ do Quốc tế thứ 2 (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức, 100 đại biểu phụ nữ thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch Hội nghị là bà Clara Zetkin, phụ nữ Đức đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Hội nghị đã quyết định chọn ngày 8/3 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: “Ngày làm việc 8 giờ”, “Việc làm ngang nhau”, “Bảo vệ bà mẹ và trẻ em”.
Qua hàng năm, các nước trên thế giới vẫn luôn diễn ra những cuộc mít tinh, diễu hành để đấu tranh cho nữ quyền.
Mãi đến năm 1977, Liên Hợp quốc mới chính thức hóa Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Bất chấp những khác biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, sắc tộc và ngôn ngữ. Từ đó, ngày 8/3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Là ngày toàn cầu tôn vinh những thành tựu và sự cống hiến của phụ nữ cho nhân loại.
|
Điều phụ nữ muốn hơn cả một ngày 8/3
Cho dù trong suốt thời gian qua, phụ nữ trên toàn thế giới đã có chỗ đứng và được đánh giá, coi trọng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, nay xã hội đã phát triển mạnh mẽ, trình độ văn hóa đã ở mức cao, đâu đó, trên thực tế vẫn còn nhiều phụ nữ chưa được đối xử thật sự bình đẳng, vẫn bị “hành hạ” cả thể xác lẫn tinh thần.
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, khoảng cách giữa hai giới chưa thể xóa bỏ cho tới năm 2186. Chính vì thế, ngày 8/3, phụ nữ khắp thế giới vẫn tiếp tục cùng nhau nỗ lực để cả thế giới công nhận những sự bất bình đẳng này, đồng thời ăn mừng những thành tựu đạt được khi vượt qua các rào cản họ vấp phải.
Có thể khẳng định, 8/3 là một ngày đặc biệt mà hầu hết mọi phụ nữ đều mong đợi. Đây chính là dịp để giới nữ được xã hội tôn vinh. Sống trong mọi thời đại, người phụ nữ bao giờ cũng được xem là phái đẹp.
Họ không những đẹp về ngoại hình, về lời nói, mà cái đẹp của họ còn thể hiện rõ trong tấm lòng bao dung, đưc hy sinh cao cả. Chính họ là người vun vén cho hạnh phúc gia đình, chăm lo cho chồng con mà đôi khi quên cả bản thân mình.
Đã thành thông lệ và nếp sinh hoạt truyền thống, hàng năm vào ngày 8/3, phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng lại hân hoan đón nhận những lời chúc mừng, yêu thương, tình cảm tỏ bày của phái nam dành cho chị em.
Trong ngày “Tết” của phụ nữ này, với những người trẻ, nhiều người mong sẽ nhận được một món quà, một bó hoa từ người thương; hay với nhiều chị, nhiều cô bác thì thật giản đơn, họ muốn cả gia đình quầy quần bên nhau, nhận được những câu nói cảm ơn từ phía nam giới hay chỉ cần được một ngày “Phụ nữ lên ngôi” đúng nghĩa, không phải làm việc nhà, không lo toan chuyện bếp núc, không phải bộn bề với công việc.
Ngày nay những người phụ nữ hiện đại luôn ý thức được về sự độc lập trong cuộc sống, họ khao khát làm chủ cuộc sống của mình. Nhưng dù độc lập hay mạnh mẽ đến đâu thì phái yếu vẫn cần nhận được những sự nâng niu, trân trọng từ nửa còn lại của thế giới.
Dù ở thời đại nào cũng thế “Mong muốn được trân trọng và yêu thương”. Vì vậy, hơn cả một ngày 8/3, điều phụ nữ mong muốn nhận được hơn cả đó là sự sẻ chia, thấu hiểu mỗi ngày từ nam giới. Để họ vất vả suốt 364 ngày và chỉ dành ra 1 ngày nâng niu họ, điều đó là vô nghĩa.
|
Nam giới sẽ làm gì cho những người phụ nữ của mình?
Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 từ lâu đã trở thành dịp tuyệt vời để “cánh mày râu” gửi những lời chúc, món quà ý nghĩa nhất tới người bà, mẹ, các chị, các em và tới “một nửa” của mình. Hơn nữa, ngày này còn là dịp để nam giới chúng tôi tôn vinh, tự hào về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Hiếm có ngày lễ nào trong năm lại được phái mạnh quan tâm nhiều đến thế. Bởi lẽ, trong cuộc sống bộn bề này, đôi khi người ta quên đi mất những lời cảm ơn chân thành để gửi tới người phụ nữ và họ đã chọn đây là cơ hội để “thay lời muốn nói”.
Ở các nước phương Tây, họ không chúc tụng và tặng hoa phụ nữ trong ngày này. Vì họ quan niệm chỉ những nơi phụ nữ cần được đối xử công bằng mới phải dành riêng một ngày cho nữ giới. Nam giới phương Tây từ nhỏ đã được dạy cần nâng niu và bảo vệ phái yếu. Vì thế họ luôn giúp đỡ và chia sẻ công việc với phụ nữ, họ coi đó là điều hiển nhiên.
Không riêng nam giới ở các nước phương Tây, nam giới trên toàn thế giới ngày nay đang ngày càng đánh giá cao phụ nữ, trân trọng, san sẻ, bình đẳng hơn ở nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, từ ngoài xã hội cho đến về nhà.
Trong ngày của chị em, cách để khiến họ ấm lòng thật chẳng khó. Nhờ sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự đa dạng về chủng loại, phái mạnh dễ dàng có thể lựa chọn những món quà ý nghĩa để gửi tặng những người phụ nữ của mình. Những món quà được phái mạnh lựa chọn nhiều để làm quà tặng phải kể đến như: Hoa, mỹ phẩm, đồ trang sức, quần áo,...
Bên cạnh những món quà vật chất giá trị, những buổi hẹn hò lãng mạn, những món quà về tinh thần bằng tất cả sự chân thành cũng là cách để phái mạnh tri ân, tôn vinh và gửi lời yêu thương mà bấy lâu nay mải chạy theo guồng quay cuộc sống mà quên đi. Đơn giản như về nhà sớm, không la cà quán xá với bạn, tự tay chuẩn bị bữa cơm ấm cúng cho cả gia đình, hay san sẻ việc nhà với vợ, với mẹ.
Dù là món quà có giá trị lớn về vật chất như thế nào thì đối với phụ nữ, nó cũng không thể giá trị và ý nghĩa bằng những lời chúc tận tâm từ những họ yêu thương. Bởi suy cho cùng món quà cũng chỉ là vật chuyên chở thông điệp và tình cảm. Thực tế, phụ nữ nhận quà không hẳn vì giá trị của món đồ được tặng, mà để cảm nhận đối phương thấu hiểu mình đến mức nào mà thôi.
Chúc các chị em, các bà, các mẹ có một ngày 8/3 tràn ngập yêu thương!