Ngày trở về lưu luyến

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Suốt những tháng trời qua, khi Sài Gòn trong một cơn đau nặng, chính những người hùng áo trắng, từ các phương trời đến, cùng với các chiến sĩ áo trắng tại thành phố này đã hết lòng, dốc sức cứu người, nỗ lực cho một Sài Gòn bình an.
Đoàn Y tế chi viện lưu luyến chụp ảnh trước khi tạm biệt Sài Gòn.
Đoàn Y tế chi viện lưu luyến chụp ảnh trước khi tạm biệt Sài Gòn.

Những ngày sóng gió qua rồi

Ngày 9/10/2021, bác sĩ Dương Minh Tuấn, một bác sĩ gốc Hà Nội, làm việc ở Quảng Bình theo đoàn chi viện cho TPHCM chống dịch, đồng thời là một kol (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) đăng tải dòng tạm biệt Sài Gòn trên trang cá nhân. Những dòng chữ anh viết ra khi đang trên hành trình trở về Quảng Bình. 10 đêm hôm trước, anh cùng đồng đội nhận tin ngay sáng hôm sau sẽ lên đường trở về sau 3 tháng chống dịch tại Sài Gòn, vội vã và không thể chào tạm biệt hết cả mọi người.

Trước đó, Facebook cá nhân của bác sĩ Dương Minh Tuấn là nơi để vị bác sĩ sinh năm 1991 này truyền tải những năng lượng tích cực những ngày phòng chống dịch. Với góc nhìn riêng, những ngày tháng chống dịch ở Sài Gòn, trong mắt BS Dương Minh Tuấn rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ, nhiều ấm áp và nghĩa tình chung.

Đó có thể là những ngày chạy không kịp thở để cấp cứu cho bệnh nhân. Là lát cắt về những con người tham gia chống dịch. Một bác sĩ chi viện khác, bạn anh, viết rằng có những ngày hơn 40 bệnh nhân tử vong cứ liên tục, liên tục như thế, họ cũng có gia đình, cũng có người thân, cũng có công việc và cũng tha thiết được ra đường, được sống bình an...

Những điều làm bác sĩ nhói lòng trong cơn mệt nhọc. Có đôi dép đứt của người bác sĩ khi phải chạy cấp cứu quá nhiều, không có thời gian mua, cứ dán lại mà dùng tiếp.

Sài Gòn hiện lên trong con mắt của bác sĩ Tuấn thông qua cuộc sống trong một bệnh viện dã chiến, không chỉ có cam go, chết chóc mà còn nhiều lạc quan và ấm áp. Những đội thiện nguyện liên tục tiếp tế đồ bảo hộ y tế, dụng cụ, thuốc men cho các bác sĩ. Những món ăn nho nhỏ gửi vào cho các bác sĩ “bồi bổ”. Câu chuyện về các chị tạp vụ bệnh viện, các anh bảo vệ bệnh viện luôn nhiệt tình, tốt tính.

Những dòng viết đầy tếu táo, lạc quan ấy cũng không thể che khuất đi một sự thật, họ là những con người ở tuyến đầu, ngày ngày dốc sức cứu chữa bệnh nhân, từng phút từng giờ đối mặt thường trực với nguy hiểm từ COVID - 19. Mỗi môt lần xét nghiệm CPR, họ cũng thở phào nhẹ nhõm như bất cứ ai khác khi có kết quả âm tính.

Điều làm nên những “người anh hùng” áo trắng trong thời bình, đó là họ, cũng như bao người khác e ngại dịch bệnh, lo sợ trước cái chết, nhưng sự sợ hãi ấy không những không làm họ chùn bước, mà còn khiến họ bước mạnh mẽ hơn về phía trước, dùng sức mình cứu bao người khỏi cửa tử.

Suốt những tháng trời qua, khi Sài Gòn trong một cơn đau nặng, chính những người hùng áo trắng ấy, từ các phương trời đến, cùng với các chiến sĩ áo trắng tại thành phố này đã hết lòng, dốc sức cứu người, nỗ lực cho một Sài Gòn bình an.

Có những sinh viên y khoa năm cuối từ Hà Nội, Đà Nẵng... tình nguyện theo đoàn vào Sài Gòn, những ngày ấy lăn lộn khắp nơi làm công tác xét nghiệm, tiêm chủng diện rộng cho người dân, chăm sóc người bệnh trong các bệnh viện dã chiến. Có những bác sĩ trẻ mới ra trường, và cuộc chiến chống Covid tại TPHCM đã rèn cho họ bản lĩnh hơn tất cả những tháng năm về trước cộng lại, khiến họ càng biết trân trọng mỗi sinh mạng và thấy thiêng liêng hơn lời thề y đức.

Trong những đoàn người chi viện cho Sài Gòn, có không ít là những bác sĩ giàu kinh nghiệm. Có gia đình cả vợ chồng là bác sĩ, đều tình nguyện chi viện cho miền Nam. Có những nhà mà cả cha và con đều rời gia đình vào Sài Gòn chống dịch.

Còn có không ít những chuyên gia, bác sĩ đầu ngành rời vị trí để trực tiếp lao vào cuộc chiến với COVID- 19, hỗ trợ đồng nghiệp ở TPHCM. Họ là trưởng khoa, là phó giám đốc bệnh viện, là các bác sĩ có học hàm, học vị, những người “không thể thiếu” của y tế địa phương nơi họ đã rời đi. Bước vào cuộc chiến chống dịch, họ cũng như bất cứ nhân viên y tế nào, lăn xả, nhiệt huyết, không chùn bước trước nguy hiểm để cứu sinh mệnh con người.

TS Bùi Quang Huy - Bệnh viện E trung ương, chi viện tại một bệnh viện hồi sức tại TPHCM đã chia sẻ, cuộc chiến chống COVID-19 là cuộc chiến đặc biệt chưa có tiền lệ, không tiếng súng, nhưng mức độ khốc liệt không kém một cuộc chiến chống giặc khác. Có lúc, đoàn chi viện phải gồng mình, chịu áp lực khủng khiếp từ 10.000 ca nhiễm, hơn 400 ca tử vong mỗi ngày, nhưng cả đoàn vẫn kiên tâm, giữ vững đội hình, nỗ lực để vượt qua.

Hẹn gặp lại vào một ngày bình thường

Mới đây, Đoàn y tế Bệnh viện Bạch Mai đã chính thức rời TP.HCM sau hơn 2 tháng thực hiện công tác chi viện. Trong thời gian hơn 2 tháng, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 số 16 nơi đoàn Bạch Mai tiếp quản đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân COVID - 19 nặng và nguy kịch, trong đó có 363 ca đã được điều trị qua cơn nguy kịch.

Đoàn Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đoàn chi viện chất lượng cao, hỗ trợ rất tích cực cho y tế Sài Gòn trong những ngày căng thẳng nhất. Chính lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng chia sẻ rằng, khi đoàn Bạch Mai tiếp quản, không ai có thể hình dung chỉ trong vài ngày trung tâm đã hình thành với quy mô 360 giường, một công trình thế kỷ. Nhân dân TPHCM biết ơn sâu sắc các cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai đã huy động một nguồn nhân lực y tế tinh nhuệ nhất để cùng TP chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân.

Tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử 13.145 cán bộ nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID -19. Riêng TPHCM đã nhận được sự tăng cường của 6.599 cán bộ, nhân viên y tế từ 40 bệnh viện thuộc các bộ, ngành trung trương và 37 sở y tế của các tỉnh thành. Trong đó có 1.251 bác sĩ, 2.813 điều dưỡng, 289 kỹ thuật viên và 160 nhân viên y tế tham gia công tác tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị, hồi sức và các khu cách ly.

"Hơn hai tháng, các anh chị em đến với thành phố trong đợt công tác đầy hy sinh mà không chút do dự. Có người phải xa con thơ, cha già mẹ yếu, thậm chí không thể về nhà vĩnh biệt người thân. Không kể ngày nắng hay mưa, các anh chị em mặc kín đồ bảo hộ, luôn bên cạnh bệnh nhân, nhiều lúc ăn không kịp no, ngủ không tròn giấc. TP.HCM bày tỏ lòng trân quý đến các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, tình nguyện viên và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang... đã không ngại hiểm nguy và gian khổ để kề vai sát cánh cùng TP”, trong lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID - 19 trên địa bàn TP HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thay mặt người dân TP cất lên những lời tri ân đầy trân trọng.

Những ngày sóng gió đã qua, các đoàn bác sĩ, nhân viên y tế đã bắt đầu những cuộc trở về đầy lưu luyến. Đi trên đường phố những ngày này, người dân thi thoảng sẽ bắt gặp những nhân viên y tế, bác sĩ đang cùng nhau chụp hình lưu niệm ở một điểm nào đó. Tượng đài Bác Hồ ở phố đi bộ, Đường sách, Nhà thờ Đức bà, Bưu điện thành phố... Họ chính là thành viên các đoàn chi viện, đang dành những ngày cuối cùng ở Sài Gòn để lưu lại những kí ức về thành phố mà mình đã góp sức bảo vệ.

“Tôi cảm nhận được sức sống của Sài Gòn đang hồi sinh mạnh mẽ hơn, trên những con phố mà chuyến xe chở đội ngũ nhân viên y tế đi qua mỗi ngày. Nhịp sống mới đang dần dần trở lại nơi đây”, Bác sĩ Nguyễn Hải Long, phó đoàn chi viện của Sở Y tế Hải Phòng vào Sài Gòn chống dịch chia sẻ. Đoàn gồm 120 bác sĩ, điều dưỡng phụ trách công việc tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (nằm trong Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức, TP.HCM).

Trên Facebook, không ít bác sĩ chi viện đăng lên những cảm nhận, niềm vui khi thấy Sài Gòn dần hồi phục, những luyến lưu ngày chia xa. Có cả những giọt nước mắt vui mừng khi được trở về nhà, thấy lại quê hương thân yêu. Và họ gửi lại Sài Gòn, nơi họ đã có những kí ức không thể nào quên, một lời chào thân ái, một lời chúc an lành và lời hẹn gặp lại ở một hoàn cảnh khác vào một ngày bình thường.

Đọc thêm