Ngày tưởng niệm đồng bào tử vong, hy sinh trong dịch COVID-19: Ghi nhớ những điều không thể lãng quên

(PLVN) - Một ngày tưởng niệm dành cho người đã khuất không chỉ là sự an ủi người mất, tôn vinh người hy sinh, mà còn để nhắc nhớ, ghi dấu về những đau thương, mất mát đã qua, những hy sinh và tình người trong đại dịch.

Những phút giây tưởng niệm

Những ngày vừa qua, tại các kì họp, buổi hội nghị từ cấp trung ương đến các địa phương, thời điểm khai mạc luôn có một phút dành để tưởng niệm những đồng bào tử vong, cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì đại dịch COVID-19.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10, sau nghi lễ chào cờ, Quốc hội đã dành một phút mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sỹ hy sinh do đại dịch COVID-19. Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ, trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề, tổn hại đến tính mạng người dân. Trên 21.000 đồng bào, cán bộ, chiến sỹ hy sinh. Giây phút tưởng niệm để Quốc hội tri ân, tưởng nhớ đồng bào, chiến sỹ đã từ trần, hy sinh do COVID-19.

Trước đó, sáng 4/10, tại phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các đại biểu đã tiến hành tưởng niệm đồng bào đã tử vong và cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch COVID-19.

Tại TP HCM, thời gian qua cũng đã diễn ra nhiều hoạt động tưởng niệm đồng bào qua đời vì COVID-19. Ngay trong thời điểm dịch bệnh hoành hành, ngày 24/8, trong kỳ họp thứ 2 của HĐND TP HCM khóa X, sau lễ chào cờ khai mạc, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm các bệnh nhân COVID-19 qua đời trên địa bàn TP HCM.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM bày tỏ: “Một lần nữa, xin tất cả chúng ta hãy dành những giây phút lắng đọng nhất để thành tâm cầu nguyện đến những người đã mất, chia sẻ nỗi đau tột cùng của những gia đình có người thân qua đời, những trẻ em không còn cha mẹ, người thân vì đại dịch”...

Sáng 5/9, TP HCM tổ chức trực tuyến lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại điểm Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5). Sau lễ chào cờ, lãnh đạo TP HCM cùng các thầy, cô giáo và học sinh đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ nạn nhân mất vì đại dịch COVID-19.

Mới đây, ngày 6/10, tại Nhà Tang lễ Thành phố (số 949 quốc lộ 1A, phường An Lạc, quận Bình Tân), Bộ Tư lệnh TP HCM tổ chức tưởng niệm và bàn giao tro cốt các nạn nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19 thuộc các tỉnh miền Trung cho Quân khu 5. Tại Lễ bàn giao, các đại biểu dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân tử vong vì dịch bệnh COVID-19.

Tại nhiều địa phương khác trên cả nước, hầu hết các buổi họp, hội nghị... đều dành một phút khai mạc để hướng trái tim tưởng nhớ người đã khuất.

Đến nay cả nước đã có 21.000 người chết, chưa kể những thiệt hại về kinh tế - xã hội vì COVID-19. TP HCM là địa phương gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất. Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tại TP HCM từ những ngày cuối tháng 4/2021 đã gây nên những hậu quả cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mạng, sinh kế và sinh hoạt của nhân dân.

Tính đến ngày 05/10/2021, đã có hơn 15.200 người dân TP thiệt mạng, có hơn 800 đồng bào thiệt mạng là nhân dân trên cả nước.

Chỉ riêng TP HCM, hơn 1.500 trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, hoặc mồ côi cha, mẹ. Nhiều trẻ đang hạnh phúc trong vòng tay cha mẹ bị COVID-19 tước đoạt khỏi mái ấm gia đình để trở thành những đứa bé côi cút.

Đến nay, nhiều người dân thành phố vẫn mang những ám ảnh sau cái chết của người thân, người quen. Nỗi đau sau những đám ma lặng lẽ không kèn trống vẫn còn đó.

Thời gian qua, tại các cuộc họp, đã có nhiều ý kiến đưa ra và hiện TP HCM đang nghiên cứu để tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu cho những người đã khuất vì COVID-19. Các ý kiến này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu và đông đảo người dân TP HCM.

Cần có buổi lễ ở quy mô quốc gia

Nhiều ý kiến đã cho rằng, không chỉ cần một buổi lễ tưởng niệm tại TP HCM, nơi dịch bệnh để lại nhiều hậu quả thương tâm nhất, mà buổi lễ tưởng niệm cần được tiến hành trên cả nước.

Bởi lẽ, TP HCM là tâm điểm của dịch bệnh, nhưng đồng bào mất đi không chỉ là người dân ngụ cư tại TP HCM. Họ là người dân trên cả nước đến TP HCM để sinh sống, làm việc, học tập, cống hiến. Trong những dòng người ngã xuống ở TP HCM khi dịch bệnh hoành hành, có không ít là những chiến sĩ tuyến đầu đến TP HCM để thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ y tế, cứu người đầy thiêng liêng.

Và nỗi đau không chỉ giới hạn trong địa giới hành chính TP HCM. Rải rác trên cả nước, có không ít người đã qua đời sau các đợt dịch COVID-19. Và, dường như mỗi người dân thành phố đều có gốc rễ từ các quê hương khác, thân nhân họ ở các tỉnh thành cũng chịu bao đau đớn, tổn thương. Vì vậy, một buổi lễ tưởng niệm quy mô toàn quốc là một điều hoàn toàn hợp lý.

Nhìn rộng ra, có gần 5 triệu người đã ra đi mãi mãi vì COVID-19 trên toàn cầu. Đằng sau những người đã mất là nỗi đau của nhiều thân nhân, sự tan vỡ của nhiều gia đình. Một số quốc gia trên thế giới đã quyết định tổ chức quốc tang, lễ tưởng niệm từ rất sớm, ngay cả ở đầu thời điểm dịch và ngay cả khi đang đối mặt với những khủng hoảng do dịch bệnh cao trào.

Tháng 2/2020, Trung Quốc đã có buổi lễ tưởng niệm trang trọng dành cho người mất vì COVID-19 và các chiến sĩ y tế hy sinh. Nước Mỹ cũng là một trong những quốc gia sớm nhất tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân mất vì COVID-19. Lễ tưởng niệm diễn ra ở quy mô quốc gia và lần lượt diễn ra trang trọng ở nhiều thành phố lớn của Mỹ.

Tổng thống Mỹ tưởng niệm người mất vì COVID-19.

Tháng 5/2020, Tây Ban Nha đã tổ chức quốc tang trong 10 ngày, khi con số tử vong vì COVID-19 của nước này lên đến 30.000 người. Trong khoảng thời gian quốc tang dài nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, các cơ quan, tòa nhà đều treo cờ rủ.

Ngày 18/4/2021, nước Đức tổ chức lễ tưởng niệm cấp quốc gia cho 80.000 người thiệt mạng vì COVID-19. Argentina cũng dành 5 ngày để cả nước tưởng niệm nạn nhân COVID-19 mới đây.

Tại Brazil, vào 21/6, hàng trăm bông hồng đã được cắm trên bãi biển Copacabana ở thành phố Rio de Janeiro để tưởng niệm những người bệnh qua đời do COVID-19...

Trên thế giới, nhiều năm qua, đã có nhiều buổi lễ tưởng niệm được tổ chức để ghi nhớ sự mất mát, hy sinh của những thời điểm đau khổ, gian lao do thiên tai, nhân họa để lại.

Một trong những lễ tưởng niệm quy mô lớn hàng đầu là ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ diễn ra vào ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng 11 hàng năm. Đây là một ngày hành động quốc tế do Liên Hợp quốc ban hành trong nghị quyết A/RES/60/5. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực hưởng ứng ngày kỉ niệm này. Ngày kỉ niệm không chỉ để tưởng nhớ, mà còn để nhắc nhở người dân ý thức hơn với tai nạn giao thông, đừng để những cái chết thương tâm, những nỗi đau và bi kịch lại tiếp diễn.

Quay trở lại với câu chuyện về COVID-19 tại Việt Nam. Giờ đây, chúng ta mới chỉ chập chững những bước đầu tiên trở lại cuộc sống bình thường sau những ngày tháng quay cuồng trong cơn bão dịch bệnh. Nỗi đau còn rất mới, còn vẹn nguyên. Hơn lúc nào hết, giờ đây cần có một ngày để tưởng niệm và tri ân những người đã mất. Ngày ấy, tất cả mọi người trên cả nước lắng lòng lại, để tưởng nhớ, tri ân, nguyện cầu cho người đã khuất, cũng là cầu nguyện bình an cho những người còn sống. Ngày tưởng niệm ấy còn là sự sẻ chia những mất mát vô bờ bến với thân nhân những đồng bào, chiến sĩ ra đi vì COVID-19.

Tháng năm đi qua, mọi nỗi đau sẽ liền sẹo. Mỗi con người, mỗi quốc gia vẫn tiếp tục đi về phía trước trong tiến trình dựng xây và phát triển xã hội. Buổi lễ tưởng niệm sẽ là chiếc neo để giữ người ta về những kí ức đau thương và đáng nhớ. Bởi, có những mất mát và hy sinh dù thuộc về quá khứ vẫn mãi không thể bị lãng quên.

Đọc thêm