Ngày về nghẹn ngào của những người lính vĩnh viễn tuổi thanh xuân

Bàn tay Nguyễn Văn Bút ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) run rẩy trên những lá thư ố vàng, nhầu cũ theo thời gian. Anh Dùng đã viết ba lá thứ về gia đình, mỗi lá thư là chứa chan nỗi nhớ nhà nhưng tràn đầy niềm tin của người lính trẻ ra đi để bảo vệ quê hương và tin ngày chiến thắng trở về...

Bà Mẫn Thị Hởi  - chị gái liệt sỹ Mẫn Bá Phùng, thôn Trác Bút, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Hà Bắc cũ (nay là tỉnh Bắc Ninh), vẫn còn nhớ như in ngày tiễn anh Phùng lên đường nhập ngũ vào tháng 2/1965 rồi từ đó em bà không về nữa... Gia đình đã biết bao lần tìm kiếm, mong ngóng thông tin nhưng mãi không thấy hồi âm. Trong sự tuyệt vọng đó, cảm xúc dâng trào khi gia đình của liệt sỹ Mẫn Bá Phùng nhận được thông báo từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mời gia đình thu xếp vào Đắk Lắk tìm mộ em mình.

Bà Mẫn Thị Hởi chia sẻ câu chuyện về liệt sỹ
Bà Mẫn Thị Hởi chia sẻ câu chuyện về liệt sỹ Mẫn Bá Phùng

Biên thư một lần rồi không về...

Bà Hởi kể, liệt sỹ Phùng là em con chú, chị em chỉ cách nhau có 2 tuổi nên chơi thân thiết với nhau từ thời ấu thơ. Hai chị em thương nhau, đùm bọc trong cuộc sống nghèo khó ở vùng quê Hà Bắc ngày xưa. Chiến tranh kéo dài, thế hệ trước ra đi, thế hệ sau tiếp nối..., chị Hởi lại tiễn đứa em thân yêu lên đường: “Nhớ lại ngày hôm đó, tôi không thể cầm được nước mắt. Vợ Phùng mới sinh con, con mới hơn một tuổi và không biết là cha con có gặp nhau trong ngày thống nhất không?”.

Đoàn tìm kiếm của Công đoàn NHCSXH phối hợp với chính quyền và các ban, ngành của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là sự trợ giúp của nhà tâm linh Nguyễn Thanh Thúy đã tổ chức quy tập được 31 hài cốt liệt sỹ hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại quanh khu vực Km 107 thuộc thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo. Số hài cốt này nằm rải rác hai bên đoạn Quốc lộ 14 qua xã Ea H’leo.

“Kết quả của cuộc tìm kiếm và quy tập đã vượt ngoài sự mong đợi của Đoàn công tác NHCSXH. Với kết quả này đã phần nào làm vơi đi nỗi đau của các thân nhân liệt sỹ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ toàn hệ thống NHCSXH tri ân với sự hi sinh lớn lao của các Anh hùng liệt sỹ” (phát biểu của ông Dương Quyết Thắng - Uỷ viên HĐQT, Bí thư Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Tổng Giám đốc tại Lễ truy điệu các Anh hùng liệt sỹ).

Vào tháng 3, năm 1966, anh Phùng viết thư về cho chị cho biết là đang ở sư đoàn 312 bộ binh, trung đoàn 165 và đã sang đất Lào. Anh Phùng còn căn dặn chị Hởi là ở nhà chăm sóc vợ con hộ anh, anh đi vì nước, “nhất là xanh cỏ, nhì đỏ ngực”. Đó là lá thư từ chiến trường cuối cùng mà anh Phùng gửi về cho gia đình, rồi từ đó bặt tin nhau.

Cho tới ngày thống nhất đất nước gia đình đã vô Nam nhiều lần, tìm kiếm khắp nơi nhưng vẫn chưa một lần được nhìn thấy xương cốt người con, người em, người cha... của gia đình.

Con gái liệt sỹ Phùng, Mẫn Thị Nhiên, cứ ngồi khóc... Bây giờ chị mới có cảm giác hội ngộ gia đình cho dù là âm dương cách biệt, hình hài người cha đã thịt nát, xương tan, nhưng chị vẫn ấm lòng “bố em đi em không biết gì, khi gia đình nhận được giấy bảo tử của bố, mẹ em cũng mất luôn”.

Khi khai quật phần mộ của liệt sỹ Phùng chôn chung với đồng đội, đoàn tìm kiếm đã nhìn thấy những kỷ vật của liệt sỹ Mẫn Bá Phùng gồm có 1 chiếc bình tông có khắc tên anh trên đó và 1 ngôi sao.

Với những người lính đây là vật dụng không thể thiếu bên mình và khi họ nằm xuống những kỷ vật đó cũng yên nghỉ cùng các anh.

Trong buổi lễ bàn giao 31 hài cốt liệt sỹ được Ngân hàng Chính sách xã hội tìm thấy, bà Mẫn Thị Hởi đã xúc động bày tỏ lời cảm ơn: “Nhờ có NHCSXH tổ chức đợt tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ này mà gia đình tôi tìm lại được em trai hi sinh cách đây vừa tròn 44 năm. Đây là niềm vui lớn của gia đình trong những ngày đầu năm 2013”.

Lá thư từ chiến trường

Ông Nguyễn Văn Bút ở xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) lần giở từng lá thư mà em trai ông, liệt sỹ Nguyễn Văn Dùng, đã gửi về, cùng với huân huy chương Nhà nước trao tặng liệt sỹ Dùng cho chúng tôi xem.

Bàn tay ông run rẩy trên những lá thư ố vàng, nhầu cũ theo thời gian. Anh Dùng đã viết ba lá thứ về gia đình, mỗi lá thư là chứa chan nỗi nhớ nhà nhưng tràn đầy niềm tin của người lính trẻ ra đi để bảo vệ quê hương và tin ngày chiến thắng trở về.

Ông  Bút cho biết, liệt sỹ Nguyễn Văn Dùng, nhập ngũ tháng 6/1968, hy sinh ngày 20/11/1972. Sau bao năm tìm kiếm mà không được, nay tìm được em mình đang nằm lại ở  xã Ea H’leo khiến ông xúc động. “Điều này đã giúp gia đình tôi vơi đi nỗi đau buồn sau bao năm tìm kiếm”, ông bộc bạch.

Đọc lại những dòng thư của người em, nâng niu từng tấm huân, huy chương mà ông cất rất cẩn thẩn trong một chiếc túi nhỏ luôn mang bên mình. Nay lại nhìn thấy di vật của em mình từ đôi dép cao su, ngôi sao vàng cho tới chiếc bình tông có khắc tên em mình, rồi chút xương cốt còn lại..., ông như cảm thấy anh em được sum họp sau bao ngày xa cách chứ không phải người em đã đi xa: “Nay đưa được em tôi về quê cha đất tổ, sau biết bao năm nằm phiêu bạt giữa rừng sâu, gia đình tôi mừng lắm. Điều này như một giấc mộng thực sự”.

Cuộc tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ đã hi sinh ở địa bàn xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk xuất phát từ món nợ ân tình của thế hệ tiếp nối với những người lính đã ngã xuống cho độc lập, tự do.

Từ thông tin của một số đồng đội, nhân chứng chiến tranh và thân nhân gia đình liệt sỹ Dương Văn Mừng, ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 33, Quân đoàn 3, hi sinh tại địa bàn xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), sau khi khai quật, đã phát hiện thêm nhiều đồng đội của liệt sĩ Dương Văn Mừng cũng hy sinh tại đây. Vì thế, Công đoàn NHCSXH đã phát tâm, làm công việc thiện nguyện này.

Những anh linh sau bao nhiều năm đó đây, bây giờ được trở về với gia đình, đồng đội và chuẩn bị đón một cái Tết ấm cúng.

Tuấn Ngọc

Đọc thêm