Ngày Vu Lan nói về sự “xa xỉ” của chữ Hiếu

(PLO) - Dân gian có câu “Con không chê cha mẹ khó” thế nhưng giữa thời buổi mà giá trị vật chất được đề cao, không ít người con đã quên đi chữ hiếu khi chỉ nghĩ đến bản thân, đòi hỏi cha mẹ rồi hờn trách đấng sinh thành.
Một bạn trẻ viết chữ “Hiếu” trong trò bịt mắt viết chữ để đặt mình vào bố mẹ.
Chối bỏ mẹ cha
Tháng tư vừa rồi, cư dân mạng bất bình truyền tay nhau đoạn clip ngắn ghi lại cảnh một cô gái trẻ lớn tiếng với chính bố mình ở ngay trên phố. Người bố trong đoạn clip ăn mặc giản dị, thậm chí có phần xộc xệch với dép lê, chiếc áo sơ mi cũ, chiếc quần đã sờn. Ông bố này lặn lội từ quê lên thăm con đang học đại học ở Hà Nội vì từ Tết đến giờ không liên lạc được với con. 
Trái ngược với sự quan tâm, lo lắng của cha, cô gái lại tỏ ra cực kì khó chịu. Cô lớn tiếng ngay giữa quán nước: “Bố mang về đi, bố mang về đi”. Mặc ông bố ân cần hỏi han, cô gái vẫn luôn miệng nói: “Bố đi về đi, đi về đi”. Và điều khiến người xem bức xúc nhất có lẽ là câu nói: “Bố về nhanh đi không bạn bè con nó ra bây giờ đấy!”. Có vẻ như cô gái trong đoạn clip sẽ cảm thấy rất xấu hổ nếu bị bắt gặp khi đang ngồi với bố của mình. 
Sau này, đoạn clip trên được nhận ra là một đoạn cắt nhỏ của chương trình “Camera giấu kín” của kênh ANTV với chủ đề “Chối bỏ gia cảnh” nhằm truyền tải thông điệp, ý nghĩa về chữ “Hiếu” trong cuộc sống hiện đại.
Ảnh cắt từ clip. 
Dù biết rằng đây là sự dàn dựng nhưng nhiều cư dân mạng vẫn cho rằng “những trường hợp như trên không hẳn là không có ở ngoài đời”. Khi nói như vậy, hẳn rằng những người này đang nghĩ đến câu chuyện của “thiếu gia” Kenny Sang. 
Vốn được mệnh danh là “thánh chém”, Kenny Sang đã nói về gia cảnh, bố mẹ của mình rất “hoành tráng”. Nhưng sự thật thì gia đình anh ta là một gia đình chân chất, lao động chân tay ở ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Thế nhưng khi  báo chí về tận nơi gặp gỡ gia đình, chụp ảnh và kể lại câu chuyện thì Kenny Sang lại lớn tiếng phủ nhận. 
Hành động chối bỏ gia thế, cha mẹ của Kenny Sang không chỉ khiến dư luận phẫn nộ mà còn dội một “gáo nước lạnh” vào họ hàng của “thiếu gia” này. 
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Lợi (em trai mẹ Kenny Sang, cậu ruột của “thiếu gia” này) đã tỏ ra vô cùng bức xúc. “Suốt thời gian qua, chuyện cháu Sang lên mạng tuyên bố rùm beng về gia thế đã khiến nhà tôi bị người dân đàm tiếu. Đặc biệt khi cháu Sang phủ nhận cha, mẹ, gia đình tôi rất buồn phiền. Thú thật tôi cũng không hiểu tại sao cháu Sang phủ nhận cha, mẹ, dòng họ mình” - ông Lợi cho biết. 
Nhắm mắt viết chữ “Hiếu”
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Trung tâm Đào tạo và Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt đã đưa ra yêu cầu này với các bạn trẻ tham dự  hội thảo “Chữ Hiếu thời đương đại”. Sau khi bị bịt mắt, người tham gia sẽ viết chữ “Hiếu” trên một tờ giấy với yêu cầu phải viết đẹp, to và nhanh. Trò chơi không hề đơn giản và chữ “Hiếu” được nhiều người viết ra nguệch ngoạc do họ không nhìn thấy và đôi tay bị run. 
Thông qua trò chơi này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn muốn các bạn trẻ đặt mình vào địa vị bố mẹ với đôi tay ngày càng run, cặp mắt đang mờ dần đi. Đó là quy luật cuộc sống không thể thay đổi được nhưng con cái hoàn toàn có thể kéo dài thời gian sống vui, sống khỏe của bố mẹ nếu muốn.
“Ai có thể hy sinh cả tính mạng vì bạn? Người đó chỉ có thể là bậc sinh thành. Phận làm con không có quyền chọn bố mẹ nhưng hoàn toàn có quyền chọn cách để đối xử tốt với họ. Tình cảm dành cho cha mẹ là điều cần làm ngay lập tức. Bởi có thể ngày mai thôi, sẽ không còn cơ hội để làm điều đó nữa và nhiều người đã phải nói hai từ “giá mà” trong sự hối hận” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nhắn nhủ.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, hành động chối bỏ chữ “Hiếu” của người trẻ đôi khi không phải thể hiện qua hành động to tát mà chỉ là những ứng xử rất nhỏ trong đời thường mà nhiều người không để ý. “Chỉ cần bạn bè hú một tiếng, 2 – 3h sáng nhiều người vẫn đi nhậu, uống cà phê. Vậy nhưng không ít người không dành được một chút thời gian hay một lời cảm ơn cho bố mẹ” - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nêu ví dụ. 
Hiện nay tồn tại nghịch lý không ít người đòi hỏi ở cha mẹ rất nhiều nhưng chăm sóc, quan tâm lại cha mẹ thì quá ít. Ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân, nhiều bạn có thể lên facebook chỉ trích, hờn trách bố mẹ, dọa bỏ đi “cho ông bà biết tay”. Hay đau lòng hơn là những trường hợp con cái đánh đập, bỏ đói cha mẹ, đuổi cha mẹ ra khỏi nhà… 
Trong mắt nhiều người trẻ, gia đình không phải là nơi gắn kết, chỗ bình yên để họ đi về mà đó là hình ảnh của xiềng xích khi bị cha mẹ áp đặt phải theo cái này, cấm cản cái kia. Vẫn còn đó hình ảnh của “chiếc cân” trọng nam, khinh nữ trong nhiều gia đình. Những điều này ít nhiều góp phần làm chữ “Hiếu” càng trở nên xa xỉ…
Chính vì thế, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khuyên các bậc làm cha, làm mẹ đừng chỉ trách con cái mà cũng cần phải xem lại mình đã vun vén chữ “Hiếu” cho con đến đâu. Còn phận làm con thì dù trong hoàn cảnh nào cũng cần cảm thông với những vất vả, lo toan và thấu hiểu cho cha mẹ mình. Vì bất kỳ bậc sinh thành nào cũng đều có chung một mong muốn: con cái của mình nên người!

Đọc thêm