Ngày xửa ngày xưa

(PLO) - Đã bước sang tháng Một. Mùa xuân nơi đây đến thật chậm. Cả tháng nay, Ngần luôn để ý đến những cây anh đào trụi lá vươn cánh tay già nua lên nền trời lúc nào cũng có màu nhàn nhạt. Ấy vậy mà sáng nay khi mở cửa sổ ra, Ngần như không tin vào mắt mình, những tia nắng vàng rực chạy ùa vào như thể chờ đợi đã quá lâu, rồi rối rít hôn lên khắp khuôn mặt vẫn còn ngái ngủ của cô...
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đưa tay dụi mắt đến hai lần, Ngần cố kìm nén cảm xúc để không thốt lên thành tiếng, hoa anh đào đã nở rồi. Không chỉ một vài bông mà là cả một rừng bông trắng xốp ngay phía trước ô cửa sổ màu xanh. Chẳng cần chờ mùa gọi, từ cành trên, cành dưới những cánh hoa mỏng manh cứ thế bung nở, khoe sắc.

Ngần cứ đứng lặng hồi lâu trước ô cửa sổ mặc cho ánh mặt trời đã vượt qua những ngọn cây cao nhất. Từ khi sang Nhật làm nghiên cứu sinh rồi lấy chồng, những cánh anh đào luôn gợi cho Ngần những kỷ niệm chẳng thể quên- ký ức về cô gái mang tên một loài hoa qua câu chuyện kể của bố hồi nào. 

Ngần khép hờ cánh cửa, nắng ngoài kia đang vàng rực. Ở quê nhà, mỗi lần nắng mới hắt qua hiên, thế nào mẹ cũng đem những chiếc chăn bông từ mùa cũ ra phơi. Chiếc chăn con công màu đỏ tươi từ thời chị em Ngần còn bi bô tập nói, đến giờ mẹ vẫn còn giữ. Bố đi công tác biền biệt, những đêm đông, dưới tấm chăn ấy, chị em Ngần rúc đầu bên nách mẹ nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện con chim thần ăn một quả khế trả một cục vàng và chuyện cô Tấm bước ra từ quả thị. Đêm nào cũng vậy, chỉ chừng ấy câu chuyện nhưng chị em Ngần luôn háo hức chờ đợi, giọng mẹ đều đều ru chị em Ngần vào giấc ngủ, để rồi trong mơ, Ngần vẫn nghe giọng kể từ miền cổ tích vọng lại: Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ… 

Khi chị em Ngần vào cấp 3 thì bố không còn phải đi những chuyến công tác dài ngày nữa, bố về làm việc tại thị xã để đỡ đần với mẹ. Thi thoảng bố vẫn kể cho Ngần nghe những câu chuyện về thủơ hoa niên- thời bố là một chàng trai ngoài hai mươi tuổi- cái tuổi đang căng tràn nhựa sống và sự cống hiến. Chàng trai ấy về công tác tại một tỉnh miền núi phía Bắc, nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc ngày đêm trông chờ những cán bộ miền xuôi đem kỹ thuật mới lên để chăm sóc những ruộng lúa, nương ngô. Khi đó đang là mùa xuân, hoa đào, hoa lê nở rực những sườn đồi nhấp nhô và căng tròn như ngực thiếu nữ. Chàng kỹ sư nông nghiệp có vẻ nhút nhát ấy được bà con nơi đây yêu quý như người nhà, và rồi chẳng phải có tình ý gì nhưng chàng đã làm lỡ nhịp trái tim của một thiếu nữ vừa tuổi biết yêu. Nàng đẹp tựa cánh hoa lê buổi sớm, lung linh và huyền hoặc. Mặc cho cha mẹ giục lấy chồng, mặc cả đám con trai trong bản chặn đường mỗi khi xuống chợ, thậm chí chui cả dưới sàn nhà trêu ghẹo hàng đêm. Nàng vẫn dửng dưng. Nàng cũng đang yêu, si mê và cuồng dại là khác. Nhưng người đàn ông mà nàng ngày đêm mơ tưởng là chàng kỹ sư nông nghiệp miền xuôi kia nào đâu hay biết. Nàng muốn trở thành vợ của anh, muốn trở thành người giữ lửa trong tim anh, nhưng trái tim đó đã thuộc về người khác. Thế nên, nàng trở nên bế tắc và tuyệt vọng. 

Giữa đêm xuân, người thiếu nữ cứ mải miết chạy. Nàng đang trốn chạy những tiếng khèn, tiếng sáo réo rắt gọi bạn tình văng vẳng bên tai. Như trời cao đất dày xui khiến, đêm ấy chàng kỹ sư nông nghiệp cũng vừa từ quê nhà trở lên sau nửa tháng về phép. Đoạn đường xa vài trăm cây số đã khiến cơn sốt quay trở lại, chàng thấy người lạnh toát nhưng mồ hôi lại ướt đầm hai lớp áo. Chỉ còn vài đoạn đồi nữa là vào đến bản làng, chàng nằm vật xuống đám cỏ rậm rì ngay dưới gốc lê đang kỳ viên mãn nhất. Và rồi chàng thấy khuôn mặt dịu dàng của người vợ trẻ đang nhìn mình âu yếm, đôi tay của nàng mềm như lụa đang lướt khắp thân thể chồng. Chàng cảm nhận rõ từng chiếc cúc áo của mình từ từ bật ra. Một mùi hương tỏa ra từ những cánh hoa lê quện vào ngực, vào mắt vào môi chàng rồi mùi hương ấy quấn riết lấy thân thể chàng. Một cảm giác đê mê và tê dại. Hơi thở gấp gáp và nóng hổi bên tai khiến chàng như đang trôi vào cõi mơ, đám cỏ dưới gốc lê trở nên mềm oặt và bám chặt dưới mặt đất. Vũ trụ cũng đang nín thở, trên bầu trời, vầng trăng giữa tháng từ lúc nào đã lồng vào những chùm hoa lê trắng muốt. Ánh sáng rỡ ràng chảy tràn qua những cánh hoa, kẽ lá. Trăng như dòng suối mát cuốn trôi đi những ưu phiền không ngày tháng, chỉ còn lại những hoan ca trong đêm xuân bất tận. 

Mùa đi thật nhanh,  nhưng bước chân của người thiếu nữ hôm nào ngày càng chậm lại, cơ thể thêm nặng nề hơn và nàng đang sống trong sự đợi chờ hạnh phúc. Sau mấy tháng cắm bản, chàng kỹ sư nông nghiệp cũng trở về xuôi. Trên cành lê, những quả non đã bắt đầu tựa hình để ra mùa trái ngọt.

*****

Lần nào cũng vậy, bố chỉ kể đến đó rồi thôi, dở dang như một bài văn biết chưa tròn ý. Nhưng câu chuyện sau đêm xuân ấy vẫn còn mãi tiếp diễn cho đến tận bây giờ. Ngần vẫn không quên được những ánh mắt tò mò pha chút thương cảm của những người hàng xóm khi chị em cô dắt tay nhau trong buổi đầu tiên bước vào lớp Một. Chúng nó khác mẹ mà sao giống nhau đến thế? Bà nội nó chẳng ưa gì con bé con ấy cả…Sau buổi học hôm ấy, Ngần chạy thật nhanh về nhà, nước mắt ngắn dài đòi mẹ phải trả lời vô số những câu hỏi không đầu không cuối. Mẹ cuống quýt ôm hai chị em Ngần vào lòng như sợ ai giật mất. Các con đều do mẹ dứt ruột đẻ ra, đừng tin những lời nói qua đường ấy nữa. Ngần không muốn tin, nhưng có một cái gì đó cứ lớn dần trong con bé mới qua tuổi mầm non, một điều gì đó không thật rõ ràng nhưng lại đang hiện hữu ngay bên mình, Ngần không giải thích được. Những câu chuyện cổ tích cứ ám ảnh Ngần ngày này qua ngày khác, ngay cả trong giấc ngủ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Mẹ Tấm chết, Tấm ở với dì ghẻ. Lẽ nào?…

Có những lúc trong giờ ra chơi, Ngần bỏ chạy ra góc sân trường, ngồi thụp trong lùm cây mài mại rồi cứ thế khóc nức nở, mặc cho mẹ và cô giáo hớt hải tìm kiếm suốt cả buổi chiều. Dù làm mẹ buồn đến đâu, mẹ cũng chẳng bao giờ mắng chị em Ngần. Nhưng dường như mẹ thương em gái nhiều hơn- đứa em gái tên Thương kém Ngần gần hai tuổi. Mua sắm thứ gì cho hai đứa, mẹ cũng chọn đồ giống nhau, có lần dắt hai con ra chợ, chị em Ngần ngắm mãi không thôi những đôi guốc mộc màu tím. Mẹ móc ví, nhưng tiền chỉ vừa đủ một đôi. Mẹ quay về phía Ngần vỗ về: em còn bé, con nhường em nhé, mai mẹ sẽ mua cho con. Ngày mai, mẹ giữ đúng lời hứa, mang về cho Ngần đôi guốc màu tím ấy, nhưng Ngần thấy niềm vui đã vợi đi rất nhiều. Có bao giờ mẹ thương Ngần như thương em gái?

Bà nội đã già lắm rồi, bà suốt ngày giục mẹ có thêm em bé. Bà đang mong có đứa cháu đích tôn nối nghiệp tổ tông. Nhưng mẹ đã làm bà buồn, bà giận khi mải đắm đuối với hai đứa con gái đang tuổi trứng gà, trứng vịt. Mỗi lần lên cơn ho, bà lại kêu trời kêu đất và kêu cả tên đứa cháu gái thứ hai, như thể em Thương là nguồn cơn của mọi tội lỗi mà bà chẳng thể nói ra.

*****

Tiếng nhạc chuông quen thuộc vang lên, đầu máy bên kia, giọng bố không giấu được niềm vui. Ngày mai bố sẽ bay sang Nhật, bố đi cùng hội đồng hương của cơ quan cũ, bố sẽ qua thăm Ngần. Đã gần hai năm, Ngần chưa về thăm nhà. Năm ngoái, cô đã đợi mẹ sang rồi dự định sẽ đưa cả chồng và các con về Việt Nam đón Tết. Nhưng mẹ lại không sang, mặc dù mẹ đã hứa sẽ có mặt trong dịp sinh nhật  con gái của Ngần. Năm đó hoa anh đào cũng nở sớm, mẹ thì ao ước một lần trong đời được tận mắt ngắm những cây anh đào bung nở mỗi độ vào xuân. Mẹ bảo, cái Thương vừa sinh con, có vẻ không được khỏe, mẹ phải ở lại. Lúc nào cũng vậy, Ngần nghe đã thành quen, mẹ luôn lo sợ đứa con gái út của mình bị tổn thương và thiệt thòi hơn người khác. Thế là Tết năm ngoái Ngần không về quê nữa. Tâm trạng nặng chịch, Ngần chẳng thể cắt nghĩa nguyên do, chỉ thấy một nỗi buồn thăm thẳm, nó cứ lớn dần lên, như những con sóng ngầm âm thầm nằm im dưới đáy dại dương, chỉ chờ dịp là cuộn lên không báo trước. Hình như Ngần đang giận mẹ và giận luôn cả đứa em gái mà lúc nào mình cũng hết lòng bảo vệ, chở che.

Mẹ bảo mang chiếc áo len này sang cho con! Là mẹ tự đan. Thời tiết bên này lạnh lắm. Suốt mấy đêm liền trước khi bố sang đây, mẹ mày chỉ ngủ được vài tiếng. Nếu sắp xếp được thì Tết này về quê với mẹ con nhé. Bố nói với Ngần mà như đang thủ thỉ với chính mình. Rồi ông bước ra bậc cầu thang, nơi có ô cửa sổ màu xanh. Ngần đứng bên bố, bất chợt, giọng ông như vọng về từ một miền xa lắc. Người thiếu nữ đẹp như hoa lê ấy từng có bao chàng trai mơ ước nhưng không có chồng, không danh phận; chỉ một lần trong đời, nàng được làm vợ của chàng kỹ sư trẻ miền xuôi trong đêm xuân trốn chạy những tiếng khèn thúc giục sau lưng. Hạnh phúc rồi cũng nở hoa, vậy mà trong giây phút vừa cảm nhận được hơi ấm thiêng liêng của tình mẫu tử thì nàng cũng vội thành gió bay đi. Đứa bé ấy được người cha đem về xuôi và cho đến tận bây giờ vẫn không hay biết mình có tới hai người mẹ. 

Nước mắt ngần không ngăn lại được. Em Thương. Tấm và Cám. Và mẹ, mẹ đã chịu biết bao ấm ức chỉ vì cái tội quá bao dung, mà trái tim Ngần chẳng đủ nhạy cảm để nhận ra điều đó. Bao năm nay, mẹ lo cho đứa con chồng đến mức quên cả nghĩa vụ phải sinh cho dòng họ một đứa con trai… 

Bố bảo mấy tuần nay thời tiết ở quê nhà hanh hao và nhiều nắng. Ngần vẫn nhớ, mỗi lần có nắng mẹ lại đem chiếc chăn bông con công màu đỏ ra phơi trước mái hiên. Chiếc dây phơi cao bằng nửa thân cau, mẹ phải bắc ghế, Ngần đứng giữ ghế cho mẹ, ngước nhìn lên như thấy cả một bầu trời hoa rực rỡ. Bỗng nhiên Ngần muốn chạy thật nhanh về nhà, để được sà vào lòng mẹ như hồi còn bé, để đêm đêm hai chị em lại rúc đầu bên nách mẹ nghe kể chuyện ngày xửa ngày xưa.

Đọc thêm