Nghệ An: Để vốn chính sách thực sự tạo bước ngoặt mới...

(PLO) - Mặc dù đã có 15 người sau cai nghiện được sử dụng nguồn vốn chính sách ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sinh kế, tất cả nguồn vốn đều sử dụng đúng mục đích và phát huy có hiệu quả, nhưng Nghệ An vẫn còn nhiều người nghiện, người bán dâm hoàn lương chưa thể tiếp cận vốn chính sách vì nhiều lý do khác nhau...
NHCSXH giao dịch tại xã miền núi Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An
NHCSXH giao dịch tại xã miền núi Lượng Minh, Tương Dương, Nghệ An

Ngân hàng duy nhất cho người nghiện ma túy có kế sinh nhai

Quyết định số 29/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thí điểm tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và gái bán dâm hoàn lương, với mục đích để giúp người vay mua sắm các loại vật tư, vật nuôi, thức ăn gia súc, gia cầm, công cụ lao động, đầu tư các ngành nghề thủ công trong hộ gia đình, góp vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh… Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là cơ quan duy nhất được giao thực hiện việc vay vốn với những đối tượng này. Thời gian bắt đầu thực hiện từ năm 2014 – 2016, thời gian vay vốn không quá 60 tháng. Năm 2017 sẽ được triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Nghệ An là 1 trong 15 tỉnh thành được phê duyệt thí điểm. Năm 2016, sau khi cai nghiện ma túy xong, anh Đinh Quyết Tiến (trú tại xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An) nắm bắt được chủ trương cho vay người sau cai nghiện qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV) nên mạnh dạn đăng ký vay vốn. Anh Quyết được NHCSXH chi nhánh huyện Tương Dương chấp nhận giải ngân cho vay thông qua hộ gia đình do vợ là chị Lê Thị Phiện đứng tên vay với số tiền 20 triệu đồng. Từ số vốn đó, anh chị đã mua nuôi một con bò sinh sản, hiện nay đã sinh lứa đầu tiên được một con bê khỏe mạnh, dần dà tích góp được ít nhiều anh Tiến đã tự tay xây dựng một căn nhà cấp 4 khá khang trang. Ngoài ra, anh chị còn trồng thêm 3ha cây xoan, hiện đang năm thứ 2 phát triển tốt. “May mắn được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi để làm kinh tế, nếu không có thì cũng không biết ai sẽ cho người có hoàn cảnh như chúng tôi  vay tiền để phát triển kinh tế đây…”, chị Phiện nói.

Theo ông Đinh Thế Nông, Tổ trưởng Tổ TKVV bản Cửa Rào 2 cho biết, gia đình chị Phiện anh Tiến hàng tháng trả lãi suất đều thông qua tổ, ngoài ra còn tiết kiệm được hơn 1,1 triệu đồng. Ông Nguyễn Viết Nam - Giám đốc NHCSXH chi nhánh huyện Tương Dương - cho biết, trên địa bàn còn có 3 gia đình được vay vốn qua chương trình này với tổng số vốn 70 triệu đồng. Nguồn vốn đều được sử dụng đúng mục đích và phát huy có hiệu quả. 

Cần hoàn thiện chính sách để nhiều người tiếp cận vốn ưu đãi

Trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An, NHCSXH đã giải ngân 515 triệu đồng cho 15 người vay vốn chính sách ưu đãi theo chương trình này. Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH Nghệ An - cho biết, chương trình là một chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo số liệu thì sau 2 năm thực hiện thí điểm mới chỉ có 515 triệu đồng được giải ngân đến người vay thuộc chương trình này trong khi đó tổng nguồn vốn được cấp là 1,3 tỷ đồng. Dù triển khai trên tất cả các địa bàn nhưng chỉ có 8/21 huyện có người vay tiền theo chương trình này, trong đó, TP Vinh 2 hộ; Đô Lương 3 hộ; Nghi Lộc 5 hộ; Quế Phong 3 hộ; Tương Dương 3 hộ… 

Theo ông Trần Khắc Hùng, điều khó khăn trong việc triển khai cho vay vốn chương trình này là tâm lý người vay còn ngại khi đi xác nhận để vay vốn, tự ti mặc cảm và có ý thức muốn giấu thân thế. Bên cạnh đó còn có những rào cản như: Không phải ai cũng nắm được hết chương trình này, việc truyền thông sâu rộng còn chưa được các ngành cùng quan tâm, bởi đây là việc không chỉ riêng NHCSXH mà là việc của các hệ thống chính quyền; rào cản từ phía gia đình và chính các đối tượng trong việc vay vốn còn tự ti mặc cảm; rào cản từ cán bộ cơ sở còn ngại việc xác nhận cho một đối tượng từng nghiện ma túy đi vay vốn; nhóm đối tượng này cũng không thực sự ổn định, thường thay đổi nơi cư trú, không có nghề nghiệp ổn định nên gia đình xã hội cũng ngại việc vay vốn; sinh kế của người vay cũng không khả thi nên khi vay vốn để phát triển kinh tế còn không hiệu quả; khả năng tái nghiện, bỏ đi khỏi địa phương, rủi ro còn cao; quy định về tên gọi đối tượng “người bán dâm hoàn lương” còn khiến các đối tượng ngại khi vay vốn. 

Ông Hùng cho biết, nếu chương trình tiếp tục nhân rộng thì cần có truyền thông rộng rãi hơn về chính sách để nhiều người biết đến. Có giải pháp đảm bảo hạn chế các rào cản, nghiên cứu thay đổi tên gọi của đối tượng “người bán dâm hoàn lương” để người vay không còn tâm lý ngại khi đi xác nhận. Đồng thời, cần sự giúp đỡ, quan tâm hơn nữa của gia đình và cộng đồng để những người vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả. Ngoài ra, về cơ chế xử lý rủi ro, chương trình này cũng cần phải khác các đối tượng khác… 

Đọc thêm