Nghệ An: Doanh nghiệp chống lệnh cấp trên, chính quyền ở đâu?

(PLO) - Sau khi Báo PLVN số ra ngày 26/1 có bài viết phản ánh Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh nhiều lần chống lệnh cấp trên và đóng cửa nhà máy xử lý nước thải, nhiều bạn đọc đã bày tỏ ngạc nhiên rằng chính quyền địa phương ở đâu khi để doanh nghiệp ngang ngược như vậy?
Có lợi ích nhóm?
Như PLVN đã phản ánh, trưa 22/1, cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển môi trường (SFC) đang vận hành Nhà máy xử lý nước thải TP.Vinh (có giá trị hàng trăm tỷ đồng từ vốn vay nước ngoài) thì bảo vệ của Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI) đuổi ra ngoài, khóa cửa nhà máy lại. Trong khi trước đó không lâu (sáng 22/1), Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Hà Thanh Tĩnh, các phòng ban và đại diện INFRAVI đều ký biên bản: “SFC tiếp tục vận hành nhà máy cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cụ thể về quản lý vận hành. INFRAVI tạo mọi điều kiện thuận lợi, không được cản trở SFC vận hành nhà máy”.  
Việc nhà máy bị dừng vận hành ngay tức khắc không chỉ gây ô nhiễm môi trường, làm chết hệ vi sinh đang được SFC duy trì để phục vụ vận hành mà nghiêm trọng hơn, Nhà máy có máy móc thiết bị hiện đại – vận hành tự động nên có nguy cơ lớn gây hỏng máy móc thiết bị - tài sản của Nhà nước. Và trước mắt, muốn nuôi cấy lại vi sinh cho hai bể của nhà máy cũng tốn đến mấy trăm triệu đồng.
Mặc dù ông Bùi Đức Lộc – Giám đốc INFRAVI lý giải UBND TP.Vinh giao cho INFRAVI quản lý bảo vệ tài sản và INFRAVI mời SFC đến thống nhất quy trình ra vào nhà máy và thực hiện nhiệm vụ nhưng phía SFC không đến. Nhưng thực tế có phải như vậy?
Cần nhắc lại rằng, trước đây khi nhà máy được SFC thi công xong vào cuối năm 2012 thì không thể bàn giao bởi đơn vị nhận quản lý là INFRAVI từ chối. Vì vậy, UBND TP.Vinh đã phải giao SFC quản lý vận hành. Để kiện toàn công tác vận hành, kết hợp giữa đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm trong công tác quản lý vận hành là SFC và đơn vị địa phương là INFRAVI, đặc biệt là tiết kiệm chi phí vận hành, tại các cuộc họp với UBND tỉnh Nghệ An, UBND TP.Vinh, các sở ngành, INFRAVI và SFC đã thống nhất thành lập liên danh vận hành INFRAVI – SFC, thống nhất cơ chế phối hợp vận hành giữa trạm bơm và Nhà máy. Tuy nhiên, 
INFRAVI sau đó không phối hợp, mặc cho UBND TP.Vinh liên tiếp có công văn yêu cầu. Tệ hơn, các trạm bơm nước thải cho nhà máy do INFRAVI quản lý đã bơm không đủ nước khiến nhà máy trong một thời gian dài phải hoạt động cầm chừng, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Thậm chí ngày 3/9/2014, đích thân ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chủ trì họp có sự tham gia của UBND TP.Vinh, các sở, ngành, INFRAVI và SFC, đã thống nhất cần thiết phải thành lập liên danh SFC - 
INFRAVI để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Nhưng sau đó INFRAVI lại có văn bản trình bày phương án phối hợp khác mà không thực hiện chỉ đạo. Và gần đây nhất, tại biên bản họp do Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Hà Thanh Tĩnh chủ trì diễn ra sáng 22/1 với sự có mặt của các phòng, ban UBND TP.Vinh, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình – đơn vị chủ đầu tư dự án, 
INFRAVI và SFC đã nêu rõ: “SFC tiếp tục vận hành nhà máy cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cụ thể về quản lý vận hành. INFRAVI tạo mọi điều kiện thuận lợi, không được cản trở SFC vận hành nhà máy”. Nhưng khi biên bản chưa ráo mực, INFRAVI đã đóng cửa nhà máy.
Như PLVN đã đề cập, nguyên nhân INFRAVI năm lần bảy lượt chống lệnh của UBND TP.Vinh, UBND tỉnh Nghệ An và ngang nhiên đóng cửa nhà máy nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này được chính quyền dung túng. Bởi INFRAVI vốn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sau khi cổ phần, INFRAVI có cổ phần của UBND TP.Vinh do Phòng Tài chính TP này đại diện. Một lý nữa, chi phí vận hành, bảo dưỡng trong khi UBND TP.Vinh duyệt cho SFC giai đoạn đầu năm 2013 khoảng 1,8 tỷ đồng/năm thì INFRAVI trình UBND TP.Vinh riêng chi phí quản lý vận hành hệ thống là 1,5 tỷ đồng/tháng (18,2 tỷ đồng/năm). Có cổ phần trong công ty và sự chênh lệch lớn về kinh phí như vậy cùng sự thiếu quyết liệt trong xử lý của chính quyền địa phương khiến dư luận băn khoăn về “lợi ích nhóm” trong vụ việc này.
Cần hiểu rõ và áp dụng đúng pháp luật
Tài liệu mà chúng tôi có được, theo Nghị định 80/2014/NĐ-CP thì: “UBND cấp tỉnh là chủ sở hữu hoặc ủy quyền, phân cấp cho UBND cấp huyện, cấp xã là chủ sở hữu đối với hệ thống thoát nước”. Ở đây, UBND TP.Vinh có thể là đơn vị được ủy quyền của chủ sở hữu. INFRAVI là công ty cổ phần, đơn vị thoát nước không phải là chủ sở hữu. INFRAVI cũng không phải là đơn vị trả nợ vay mà chỉ thu hộ cho thành phố phí thoát nước của người dân. Căn cứ Điều 2 Nghị định 80/2014/NĐ-CP: Đơn vị thoát nước “là tổ chức cung ứng dịch vụ quản lý, vận hành hệ thống thoát nước theo hợp đồng quản lý vận hành” – cụ thể ở đây đơn vị thoát nước đối với dự án này là SFC. INFRAVI cũng là đơn vị thoát nước, không phải là chủ sở hữu và không thể là đơn vị được chủ sở hữu ủy quyền. Theo Điều 19 Nghị định 80/2014/NĐ-CP: “Hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước” – tức là giữa UBND tỉnh Nghệ An hoặc UBND TP.Vinh (nếu được UBND tỉnh Nghệ An ủy quyền) và SFC. Chính vì lẽ đó, dù INFRAVI được giao quản lý nhà máy thì cũng chỉ là quản lý tài sản chứ không phải là bên được chủ sở hữu ủy quyền, để từ đó trở thành một bên để ký hợp đồng vận hành, khai thác nhà máy.
Đây là dự án được hình thành từ vốn vay nước ngoài nên việc trả nợ là từ thuế do dân đóng góp, chi phí vận hành cũng do người dân chi trả. Bởi vậy, cho dù theo phương thức nào, giao cho công ty nào quản lý, vận hành thì tiêu chí đầu tiên vẫn phải là giá thành thấp nhất. Và muốn có được điều này thì cách tốt nhất để chọn đơn vị vận hành là thông qua đấu thầu. Bởi theo Nghị định 130/2013/NĐ - CP ngày 16/10/2013 cũng quy định dịch vụ vận hành, bảo dưỡng thuộc danh mục phải đấu thầu. 
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Nghệ An cần vào cuộc, quyết liệt xử lý để pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc và quyền lợi của người dân được đảm bảo cao nhất. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc này. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm