Nghệ An: Dùng văn bản hết hiệu lực làm căn cứ ký hợp đồng

(PLO) - Liên quan đến những bùng nhùng tại Nhà máy xử lý nước thải TP.Vinh, mặc dù PLVN đã có nhiều bài phản ánh nhưng không hiểu sao chính quyền vẫn im lặng. Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có nhiều chuyện lạ, cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Biết sẽ gây hậu quả, vẫn cố tình thực hiện
Xin trở lại với những động thái của Công ty Cổ phần Quản lý và Phát triển hạ tầng đô thị Vinh (INFRAVI), ngoài việc suốt một thời gian dài liên tục chống lệnh UBND TP.Vinh và UBND tỉnh Nghệ An trong việc phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển môi trường (SFC) để vận hành nhà máy thì ngày 22/1/2015 vừa qua, trong khi buổi sáng các bên vừa ký biên bản trước sự xác nhận của Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Hà Thanh Tĩnh rằng: “SFC tiếp tục vận hành nhà máy cho đến khi có quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cụ thể về quản lý vận hành. INFRAVI tạo mọi điều kiện thuận lợi và không được cản trở SFC vận hành nhà máy xử lý nước thải liên tục, ổn định” thì ngay sau đó, INFRAVI đã cho người đóng cửa khiến nhà máy phải ngừng hoạt động.
Việc nhà máy ngừng hoạt động như vậy gây thiệt hại khôn lường, bởi khi bị dừng vận hành ngay tức khắc không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nhà máy có máy móc, thiết bị hiện đại vận hành tự động nên nguy cơ hỏng máy móc, thiết bị là rất lớn. Và muốn khôi phục thì phải nuôi cấy lại vi sinh cho hai bể của nhà máy với chi phí lên cả trăm triệu đồng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hậu quả này không phải INFRAVI không biết, bởi lẽ từ năm 2012, trong một biên bản về việc vận hành nhà máy mà ông Bùi Đức Lộc – Giám đốc INFRAVI là một bên đặt bút ký đã nhấn mạnh rằng: “Với tính chất xử lý bằng vi sinh học, nhà máy xử lý nước thải phải vận hành với chi phí lớn;… nếu phải dừng hoạt động trong một tuần thì phải phân lập lại toàn bộ vi sinh vật với chi phí rất lớn”. Biết rõ như vậy nhưng không hiểu sao ông Lộc vẫn chỉ đạo đóng cửa nhà máy?
“Đây là tài sản của Nhà nước trị giá hàng trăm tỷ đồng mà người ta làm như tài sản của nhà, muốn đóng là đóng, muốn mở thì mở. Cái này trách nhiệm lớn nằm ở chính quyền, chẳng lẽ các ông lãnh đạo không biết?”, một người dân phường Hưng Dũng (TP.Vinh) bức xúc. 
Dùng văn bản hết hiệu lực để ký hợp đồng  
Trong quá trình tìm hiểu sự việc, PLVN không khỏi bất ngờ trước thái độ của chính quyền UBND tỉnh Nghệ An nói chung và TP.Vinh nói riêng. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng chúng tôi cũng như người dân địa phương không thể hiểu được INFRAVI dựa vào đâu và dựa vào ai lại có thể năm lần bảy lượt chống lệnh cấp trên như vậy; thậm chí biên bản ký chưa ráo mực đã đóng cửa nhà máy. Điều lạ là tại biên bản ngày 22/1/2015, đại diện TP.Vinh đã “hùng hồn” nhấn mạnh: “Trong thời gian SFC vận hành nhà máy, nếu có bất cứ cản trở nào ảnh hưởng đến công tác vận hành thì báo cáo trình UBND TP xem xét xử lý”. Thậm chí ngày 23/1, trao đổi qua điện thoại với Phó Chủ tịch UBND TP.Vinh Hà Thanh Tĩnh về việc nhà máy bị đóng cửa thì vị này cũng quả quyết “Làm gì có chuyện đó”. Ông Tĩnh cũng nhấn mạnh không ai được cản trở đơn vị vận hành nhà máy hoạt động. Nói thì nói vậy, nhưng thực tế nhà máy vẫn bị đóng cửa và đến nay vẫn chưa được mở lại.
Trở lại câu hỏi INFRAVI là ai mà lại có những hành động khó hiểu như vậy, trong khi chính quyền lại có vẻ lặng im? Thực tế, không chỉ lặng im mà UBND TP.Vinh còn có những động thái khó hiểu, vi phạm pháp luật khiến dư luận cho rằng để có lợi cho doanh nghiệp này. Cụ thể, hàng năm giữa INFRAVI và UBND TP.Vinh ký với nhau hợp đồng đặt hàng với nguyên tắc điều chỉnh giá. Theo đó, năm 2012 hợp đồng được ký 23 tỷ 760 triệu đồng để quản lý, vận hành, bảo trì hệ thống điện chiếu sáng; quản lý, duy tu, bảo trì đường đô thị và quản lý, vận hành sửa chữa công trình trạm bơm chống úng thoát nước đô thị. Năm 2013 là 24 tỷ 750 triệu đồng và năm 2014 là 20 tỷ 750 triệu đồng. Điều đáng nói là hợp đồng năm 2014 được các bên ký ngày 10/3/2014 nhưng lại căn cứ Nghị định 31/2005/NĐ-CP ngày 16/4/2005 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 130/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 29/11/2013.
Việc các bên viện dẫn văn bản hết hiệu lực để ký hợp đồng do “quên” hay vì lý do nào khác? Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế Nghị định 31/2005 quy định việc sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích cơ quan nhà nước được đặt hàng; nhưng khi sang Nghị định 130/NĐ-CP thì Chính phủ quy định các dịch vụ được ký trong hợp đồng này (chiếu sáng, dịch vụ liên quan giao thông đô thị…) thuộc Danh mục B của Nghị định 130/NĐ-CP nêu rõ: “Các sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo phương thức đấu thầu; trường hợp không đáp ứng các điều kiện đấu thầu thì thực hiện theo phương thức đặt hàng”. 
Vì sao UBND TP.Vinh không tổ chức đấu thầu? Nếu đưa ra đấu thầu thì giá trị liệu có đến 20 tỷ 750 triệu đồng không? Đây là cơ sở để dư luận cho rằng có sự khuất tất và để làm rõ, thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng vào cuộc. PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm