Trẻ 7 tuổi vẫn chưa biết chữ
Đây là câu chuyện của năm học 2013 – 2014 khi học sinh làng Văn Hà học Trường Tiểu học Quang Sơn không được phụ huynh đưa đến dự lễ khai giảng. Căn nguyên của sự việc xuất phát từ chủ trương sáp nhập trường lẻ về học tập trung học tại trường chính.
Hầu hết phụ huynh là những nông dân, quanh năm đầu tắt mặt tối với đồng ruộng, các năm trước đều học tại trường lẻ tại làng Văn Hà gần nhà nên các em tự đi. Năm 2013, chủ trương đưa học sinh về học tại điểm chính của trường, cho rằng khu vực hay ngập lụt nên mưa gió các cháu không thể tự đến trường được, mà phụ huynh thì bận đồng áng nên họ phản đối không cho con cái đi học dẫn đến tình trạng các em bị thất học.
Sau năm học 2013 – 2014, những học sinh bị học chậm một năm so với bạn bè cùng trang lứa, phụ huynh vẫn một mực không cho các em đến lớp nhập học. Điều này đã làm các em thất học và cùng với đó thêm nhiều học sinh không được đến lớp.
Đơn cử như trường hợp con trai đầu anh Nguyễn Hàm Lục (43 tuổi, trú tại xóm 9, xã Quang Sơn) năm ngoái lên lớp 1 nhưng điểm lẻ đóng cửa không dạy nên cháu phải ở nhà; năm nay đứa thứ 2 lên 6 tuổi cũng học lớp 1, cả hai anh em đều ở nhà không được đến lớp. Vì không có ai dạy nên những cuốn sách tập tô, tập vẽ được đưa ra vẽ, viết nguệch ngoạc không theo một quy chuẩn nào cả. Nhiều lần lên xã, thấy các bạn đi học, chúng cũng thèm khát được cắp sách tới trường như chúng bạn. Nhưng…
Anh Nguyễn Đình Hùng – bố cháu Nguyễn Thị Hậu (7 tuổi) năm nay đáng lẽ cháu đã lên lớp 2, tuy nhiên năm học 2013 – 2014 Hậu không được bố mẹ đưa đến trường chính để học nên vẫn chưa thể học cùng các bạn. “Con tôi chưa được đến lớp, nên cháu cũng chưa biết chữ, chưa biết số. Cũng tội, nhưng mà bận việc mùa màng đồng áng nên không có điều kiện đưa con đến lớp. Mong mở lại trường lẻ để các cháu đến trường học chưa thuận lợi hơn…”, anh Hùng chia sẻ.
Để giải đáp những thắc mắc của phụ huynh, lãnh đạo của UBND huyện Đô Lương, Phòng GD-ĐT huyện, UBND xã Quang Sơn đã nhiều lần đối thoại với phụ huynh. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh vẫn kiên quyết để con mình đến điểm trường lẻ, không đưa con tới điểm trường chính để học.
|
Điểm trường lẻ làng Văn Hà xuống cấp trầm trọng. |
Trẻ vô tội bao giờ được đến lớp (?)
Sáng 5/9, Trường tiểu học Quang Sơn chỉ có 357 trên tổng số 422 học sinh toàn trường đến lớp khai giảng, 59 em học sinh nghỉ học là con em của làng Văn Hà, trong đó có 21 em học sinh mầm non đến tuổi lên lớp 1. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn – thầy Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Trước khi năm học mới bắt đầu nhà trường cùng với chính quyền địa phương các hội, ban ngành đến từng hộ dân để giải thích và vận động các phụ huynh đưa con tới trường. Đầu năm học có 10 em đi học lại, số học sinh này được bồi dưỡng kiến thức và phải học lại với các em ít tuổi hơn. 5 học sinh làng Văn Hà từng nghỉ học năm học trước đã chuyển sang trường học…”.
Thầy Sơn cho biết thêm, chương trình mới của các em học sinh lớp 1 và lớp 3 cần rất nhiều đến phòng học thực hành. Việc sát nhập là để các em có điều kiện học tập và thực hành tốt hơn. “Các em không được đến trường ngày nào sẽ không chỉ chịu thiệt thòi, hổng kiến thức mà còn có tâm lý mặc cảm, tự ti với các bạn cùng trang lứa”, thầy Sơn lo ngại.
Chủ tịch UBND xã Quang Sơn - ông Lê Văn Vĩnh cho biết: “Việc chuyển trường về một mối để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho học sinh là một việc làm cần thiết. Điểm trường lẻ cũ đã xuống cấp, nhưng phụ huynh vẫn muốn cho các con học ở đó”. Ông Vĩnh cho biết thêm, để tháo gỡ những thắc mắc của các phụ huynh, về trường hợp mưa lũ các em không phải đến lớp mà sẽ học bù, đường giao thông khó khăn đang được khắc phục dần, tương lai sẽ xây dựng nhà bán trú cho học sinh…
Vẫn biết việc sáp nhập là để nâng cao chất lượng giáo dục, tiến tới xây dựng trường chuẩn Quốc gia trong tương lai. Tuy nhiên, cũng cần phải tính đếm đến thực tế 59 trẻ em đến tuổi đi học nhưng không được đến trường, các em phải chịu thiệt thòi khi mà lẽ ra các em có quyền được học tập, dạy dỗ, giáo dục. Bao giờ bài toán bất đồng giữa phụ huynh và chủ trương chung bao giờ mới được hóa giải để 59 trẻ em vô tội được hưởng quyền học tập, chăm sóc, giáo dục như bạn bè, mà đáng lẽ ra các em phải được hưởng.