Nghề “bảo mẫu” cho những chúa sơn lâm

(PLVN) - Tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), những chú hổ con được giải cứu đã được các cán bộ của chăm chút, nuôi nấng như chăm con mọn... 
Các nhân viên của Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã thuộc Vườn quốc gia Pù Mát đang chăm sóc cho những chú hổ.

Sau khi được cơ quan chức năng giải cứu khỏi bàn tay của những kẻ buôn “hàng con”, 7 cá thể hổ khoảng 40 ngày tuổi được đưa vào Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An) để chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, chu đáo của những “bảo mẫu” tại trung tâm, đến nay những “chúa sơn lâm” ấy đã khỏe mạnh, lớn nhanh.

Chăm hổ hơn con mọn

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Vườn quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông, Nghệ An) hiện đang chăm sóc rất nhiều hệ chim chóc và muông thú, phần lớn đều nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn. Đây cũng là nơi chăm sóc những động vật hoang dã được tiếp nhận từ nhiều nơi khác nhau chuyển về. Trong đó, có 7 cá thể hổ Đông Dương được lực lượng Công an Nghệ An giải cứu vào tháng 8/2021.

Sau khi về “nơi ở mới”, 7 chú hổ được các nhân viên tại Trung tâm này chăm sóc kỹ lưỡng. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, hiện các cá thể hổ phát triển tốt, mỗi con nặng từ 25-30 kg. Khác với khi mới nhận về, do thiếu ăn và bị nuôi nhốt, chăm sóc trong điều kiện không đảm bảo nên sức khỏe của đàn hổ rất yếu, gầy, một số con bị tiêu chảy. Nhờ sự chăm sóc cẩn thận, đến nay sức khỏe và cân nặng đàn hổ khá lên rất nhiều. Có được điều đó, một phần nhờ sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các nhân viên tại Trung tâm mà họ hay gọi là “bảo mẫu sơn lâm”.

Cẩn thận chăm sóc các cá thể hổ, anh Nguyễn Tuấn Dũng, một nhân viên của Trung tâm cho hay, chăm sóc động vật hoang dã nói chung và các cá thể hổ nói riêng đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo loại trừ mọi nguy cơ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Hàng ngày, từ việc cho hổ ăn hay kiểm tra sức khỏe hổ đều được anh và đồng nghiệp thực hiện kỹ lưỡng. Những động tác hay thay đổi của hổ trong ngày đều được anh theo dõi tỉ mỉ, ghi chép cẩn thận.

Theo anh Dũng, khi những chú hổ chưa quen bú bình, họ phải vỗ về, vuốt ve. Khi chúng ăn uống ngon lành thì lại theo dõi mọi biểu hiện của từng con hổ như màu phân, lượng thức ăn tiếp nhận... Nếu có điều khác thường, anh và các đồng nghiệp quan sát, ghi chép lại để kịp thời báo cho nhóm chăm sóc nghiên cứu, điều chỉnh.

Các nhân viên tại Trung tâm này cho biết thêm, do những cá thể hổ con này sau khi sinh ra đã bị bắt đi nên việc chăm sóc, cho uống sữa phải hết sức sạch sẽ. Mỗi con phải uống một bình riêng, không được dùng chung. Con khỏe cho ăn trước, con ốm cho ăn sau, mỗi lần cho ăn đều phải vệ sinh răng miệng cho từng con, vệ sinh phòng nuôi nhốt sạch sẽ, lau chùi khô ráo và mát xa để kích thích tiêu hóa. Bên cạnh đó, vì hổ là hoài rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương và “thù dai”, do đó họ phải chăm sóc như những người bạn. Nhân viên chăm hổ phải không đơn giản là cho chúng ăn, dọn chuồng mà còn phải biết cách tiếp cận, quan sát, gần gũi để tạo mối quan hệ thân thiện.

Những chú hổ được chơi bóng nhằm mục đích tăng vận động, tăng cơ chân, hình thành các bản năng cần thiết.

Hết lòng vì công việc

Do đặc thù của công việc nên thời gian các nhân viên ở Trung tâm nhiều hơn ở nhà khiến nhiều khi, họ bị người thân không hài lòng. Nhưng họ vẫn luôn thấy hạnh phúc, yêu nghề khi nhìn ngắm các loài động vật mình đang chăm bẵm khỏe mạnh, chúng vô tư nô đùa, vờn nhau như những đứa trẻ thơ dại.

Với chuyên ngành đã học, cùng với kinh nghiệm được tập huấn và tích lũy, các nhân viên tại Trung tâm luôn trau dồi cho mình những bí quyết chăm sóc động vật hoang dã. Theo anh Tuấn, quá trình chăm sóc 7 cá thể hổ được gọi là “nuôi bộ”, tức là nuôi khi còn bú sữa. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, yêu cầu mỗi cán bộ Trung tâm phải tập trung, tỉ mỉ, nhẫn nại, kiên trì và cẩn thận.

Đến giai đoạn hổ lớn hơn, công việc có bớt vất vả nhưng đồng nghĩa với việc những nhân viên ở đây phải đối mặt với hiểm nguy. Khi cho hổ ăn, họ phải tuân thủ các biện pháp an toàn, chỉ đưa thức ăn qua khe cửa chuồng. Quá trình hổ ăn cũng phải theo dõi biểu hiện bỏ ăn hay không. Đặc biệt, phải hiểu được sở thích, tính nết từng con để có biện pháp chăm sóc, cho ăn hợp lý…

Công việc luôn đòi hỏi sự cẩn thận, chuyên tâm, song với họ khi đã chọn nghề này thì không có lí do gì để không hết lòng, toàn tâm chăm sóc những cá thể động vật hoang dã bị bắt giữ trái phép, may mắn được giải thoát. Với họ, việc ngắm nhìn từng cá thể động vật sau khi được nuôi lớn, điều trị lành vết thương rồi thả về với những cánh rừng xanh thẳm là niềm vui lớn.

Hiện nay, toàn bộ chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ đều do Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife) hỗ trợ. Thức ăn của hổ là thịt bò, thịt lợn và thịt gà phải đảm bảo tươi, sạch. Để đáp ứng yêu cầu đó, trung tâm phải đặt các loại thịt từ người dân quanh vùng cung cấp hàng ngày. Thực đơn cho hổ phải lên chi tiết, xoay vòng hàng ngày, đảm bảo về chất và lượng.

Được biết, do không xác định được nguồn gen của đàn hổ là gen thuần chủng hay đã bị lai tạp nên đàn hổ này không thể thả về tự nhiên. Để hổ hình thành bản năng sớm, các nhân viên của Trung tâm đã “thiết kế” cho đàn hổ những bài tập vận động như treo thức ăn lên những cành cây hay thả con vật nhỏ vào chuồng để đàn hổ tự săn mồi, tìm kiếm nguồn thức ăn.

Trong khu nuôi nhốt, những bậc cầu thang hay tiểu cảnh được xây dựng cũng nhằm mục đích giúp đàn hổ tăng vận động, tăng cơ chân, hình thành các bản năng cần thiết. “Dù không thể nhuần nhuyễn như khi theo bố mẹ, nhưng trong môi trường nuôi nhốt vẫn phải tạo điều kiện tốt nhất cho hổ hình thành bản năng càng sớm, càng thành thục càng tốt”, anh Dũng lý giải.

Để hổ có điều kiện phát triển tốt nhất Vườn quốc gia Pù Mát đã có văn bản gửi các Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã để tìm nơi ở mới, đảm bảo sự phát triển tốt cho đàn hổ nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

Đọc thêm