Nghề câu mực đại dương trước nguy cơ bị "xóa sổ"?

  Nghề câu mực đại dương TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị “xóa sổ”, nếu không có giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, “thế trận” giữa biển Đông sẽ thiếu vắng những con tàu được xếp hạng “hiên ngang” và “chịu đòn” sóng gió nhất.  

Nghề câu mực đại dương TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị “xóa sổ”, nếu không có giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, “thế trận” giữa biển Đông sẽ thiếu vắng những con tàu được xếp hạng “hiên ngang” và “chịu đòn” sóng gió nhất.

Tàu câu mực đại dương, giống như “hạm đội” trên biển.

“Đô đốc” chào thua

Nhìn  lão ngư Hồ Văn Tình, tổ 8, phường Xuân Hà, quân Thanh Khê, tại trạm kiểm soát biên phòng Thanh Hà, đồn biên phòng Phú Lộc, TP Đà Nẵng, rắn chắc, khỏe mạnh. Tôi hỏi: “Bác đã đi được mấy ngư trường vùng biển Việt Nam?”. “Đi hết bản đồ rồi” – ông Tình  trả lời và kéo tôi đến tấm bản đồ dự báo bão chỉ từng điểm ông đã đánh bắt và neo đậu: “Đây là đảo Đá Bắc, đảo Bông Bay,… quần đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), tàu chúng tôi thường hay vào đây neo đậu và câu mực ở vùng này.

Mấy ngày gió cuối tháng 2 nay, con tôi đang cho tàu vào neo đậu ở đảo Bông Bay. Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Trường Sa (Khánh Hòa) Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) Thổ Châu (Kiên Giang),… đến ngoài vùng biển quốc tế tôi đều thuộc làu như giữa bàn tay.

Có lẽ biển Việt Nam chưa có nghề nào đi đánh bắt xa, ở lại trên biển lâu ngày và di chuyển khắp nơi như tàu câu mực xà (câu mực đại dương). Mỗi chuyến biển cứ lênh đênh 2 – 3 tháng liên tục giữa biển Đông”.

 Từ năm 1999 – 2002,  TP Đà Nẵng được xem là thời hoàng kim nghề câu mực đại dương, toàn thành phố có trên 200 chiếc tàu câu mực, bây giờ giảm xuống còn 11 chiếc. “Nghề mực xà bị xóa sổ thì ai sẽ ra xa giữ biển đây?” – ông Tình, bất ngờ tung ra câu hỏi và “đụng” ngay một vấn đề vô vùng nhạy cảm, cũng là bài toán thực tiễn to lớn chưa có đáp số đúng lâu dài.

Đến hôm nay, cả Chính phủ và chính quyền các địa phương vẫn còn  loay hoay tìm một mô hình, một phương thức hoạt động cụ thể cho các đoàn – đội tàu đánh cá xa bờ, ngư dân vừa khai thác thủy sản vừa bảo vệ vùng biển đảo của tổ quốc.

Sơ qua “lý lịch” của ông Tình: Từ một người làm thuê trên tàu câu mực đại dương, dành dụm được chút vốn sắm hai chiếc tàu nhỏ và “lên đời” hai chiếc tàu lớn. Lão ngư Tình tâm sự: “Trước đây tôi có hai chiếc tàu hành nghề câu mực xà, năm 2000 đói quá  chuyển đổi một chiếc sang làm nghề lưới cản (lưới rê), còn một chiếc vẫn đang hoạt động cầm cự, chưa biết tính toán sao đây? Mấy ông bạn của tôi đã bán thúng, bán tàu hết lâu rồi”.

Mỗi chiếc tàu câu mực đại dương giống như một “hạm đội” thu nhỏ, trên tàu luôn có từ 30 - 40 lao động. Khi màn đêm buông xuống, thuyền trưởng ra lệnh các thuyền viên thả 25 thúng chai xuống biển, mỗi thúng chai có một “đô đốc” gan dạ nhất, cứ thế mà lênh đênh giữa biển trời bao la, “các đô đốc thúng chai” hoạt động cách xa “tàu mẹ” từ 5 – 30 hải lý. 4 giờ sáng “tàu mẹ” bắt đầu chạy đi vớt các “đô đốc” lên tàu, mặt trời nhôn lên khỏi mặt biển họ xẻ mực và đưa lên giàn phơi, chiều lại chuẩn bị dụng cụ.

Cứ như vậy, những con tàu câu mực đại dương cứ “nằm lỳ” và di chuyển giống như những “hạm đội” giữa biển Đông, từ  2 – 3 tháng mới vào bờ. “Nếu như TP Đà Nẵng vẫn còn trên 200 tàu câu mực xà, cộng thêm tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nữa, thì đây là một lực lượng giữ biển đảo mạnh vô địch ” – ông  Tình, khẳng định bằng cả tim của con người sinh ra và lớn lên trên biển.

Đâu là nguyên nhân?

Tôi hỏi: “Vì sao nghề câu mực đại dương của TP Đà Nẵng lại đến nông nỗi như bây giờ?”. Ông N.V.H, quân Thanh Khê, bức xúc: “Mấy ông cán bộ lãnh đạo TP Đà Nẵng “qui kết” bọn tui bỏ nghề câu mực xà là vì bán được đất giàu to, nên bỏ biển. Nói như vậy không đúng chút nào.

Dân đi biển có tiền họ sẽ đóng thêm nhiều tàu to, sắm lưới lớn khai thác biển, ít người nghĩ đến buôn bán bất động sản. Nguyên nhân mấu chốt là do giá thu mua mục khô quá bấp bênh. Chi phí mỗi chuyến đi biển của tàu câu mực, từ 300 – 700 triệu đồng, chỉ cần 1 – 2 chuyến biển lỗ vốn, chủ tàu chuẩn bị bán nhà, bán tàu trả nợ. Tâm trạng vừa làm vừa run”.

Giá mực khô từ 150.000 đồng/kg, (loại mực đại dương) rồi rớt xuống chỉ còn 60.000 đồng/kg. “Giá dầu, giá nhớt cứ tăng vun vún, còn giá mực lại lao dốc dần. Cả thành phố chỉ có một đầu nậu thu mua mực, họ muốn “làm giá” như thế nào đó là tùy. Vui thì họ mua, buồn thì không mua.

Mình lại cúi đầu năn nỉ họ, họ lại “được nước” ép giá xuống tiếp. Nhiều cuộc họp do Sở nông nghệp và phát triển nông thôn TP Đà Nẵng tổ chức, tôi đã đưa vấn đề này ra nhờ các cấp giải quyết, tháo gỡ giúp. Nhưng sở lại kết luận “chịu thua” rất rõ ràng” – ông Trần Văn Mười, tổ 20B, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, chủ một con tàu câu mực lớn nhất Đà Nẵng, chua chát kể lại.

Lão ngư Hồ Văn Tình đang chỉ vào bản đồ những vị trí tàu của ông thường xuyên vào neo đậu

Sản lượng mỗi tàu câu mực đại dương đạt từ 15 – 25 tấn khô/chuyến, mực này chủ yếu xuất khẩu thô sang Trung Quốc, Thái Lan, sau đó chế biến và xuất trở lại Việt Nam bán với giá 350.000đồng/kg. “Hôm tết (năm 2012) tôi phải mua 2kg mực thẩm, với giá 700.000 đồng.

Nhìn qua là biết mưc của miền Trung mình đánh bắt. Vì sao các cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp,… nước mình không làm như họ để mà kiếm nhiều tiền và giữ ổn định giá bán cho ngư dân? Việc tẩy trắng, tẩm gia vị đâu cần trình độ cao hay công nghệ phực tạp gì?” – ông Mười, đặt ra vấn đề rất sát với cuộc sống.

Ông Mười đề nghị: “Chính phủ không cần hỗ trợ cho ngư dân câu mực gì hết, chỉ cần cử cán bộ có trách nhiệm sang Mông Cổ, Lào, Nga,… tìm kiếm thị trường, mở nhà máy chế biến mực khô tại miền Trung, ổn định giá thu mua giống như giá lúa của người nông dân.

Nghề câu mực xà Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung tự khắc quay trở lại thời vàng son. Nếu không giải quyết được giá, không chỉ nghề câu mực, mà nhiều nghề hoạt động khai thác xa bờ khác cũng có nguy cơ bỏ nghề”.

Những bất cập trong thực hiện chính sách

Ngoài vấn đề giá cả bấp bênh, những con tàu cân mực đại dương nói riêng và các tàu khác thác xa bờ ở TP Đà Nẵng đang gặp khó khăn trong việc hỗ trợ nhiên liệu theo quyết định của Chính phủ. 

GIÁM SÁT TÀU CÁ BẰNG HỆ THỐNG ĐỊNH VỊ TOÀN CẦU

Hiện nay, cả TP Đà Nẵng có 121 tàu đánh cá được duyệt hỗ trợ tiền dầu, mua bảo hiểm thuyền viên. Thành phố đã triển khai lắp đặt gần 10 máy điện thoại có hệ thống giám sát định vị vệ tinh trên tàu đánh cá xa bờ. Đại tá Nguyễn Quốc Bình, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP Đà Nẵng, cho biết: “TP Đà Nẵng đã đầu tư 245 triệu đồng để lắp đặt trạm thu nhập thông tin tín hiệu tại đồn biên phòng Phú Lộc. Trạm có nhiệm vụ hỗ trợ, theo dõi các tàu đánh cá xa bờ bằng hệ thống định vị toàn cầu. Tàu đang ở vị trí nào trên biển chúng tôi đều biết được và thuyền trưởng cần gì hỗ trợ gì điện thoại trực tiếp với trung tâm hoặc chuyển kênh về số điện thoại di động hoặc bàn của gia đình chủ tàu”.                                                                        
Ngày 14 – 3 – 2011, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ra thông tư liên tịch, về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định 48/2010/QĐ-TTG ngày 13 – 7 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng  xa.
Thông tư qui định các tàu: “Có hoạt động khai thác, dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa và có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã đảo hoặc bộ đội Hải quân hoặc nhà giàn gần ngư trường khai thác hải sản hoặc xác nhận vị trí hoạt động của tàu cá bằng hệ thống giám sát định vị vệ tinh (GPS) của cơ quan chức năng”.

Những qui đinh như vậy, làm bằng chứng và căn cứ cơ sở để hỗ trợ nhiên liệu cho tàu thuyền. Qua thực tiễn, các tàu câu mực đại dương phải sử dụng vài chục nghìn lít dầu/chuyến đi biển, các chủ tàu và thuyền trưởng phải tính toán kỹ lưỡng về hải trình đánh bắt nhằm giảm chi phí nhiên liệu đến mức thấp nhất.

“Tàu tôi đang đánh ở vùng biển Hoàng Sa đâu có ai xác nhận như qui định của Chính phủ, nếu chạy về đảo Trường Sa xin dấu xác nhận sẽ mất mấy trăm hải lý, tiêu tốn cả mấy ngàn lít dầu. Nếu tính ra tiền hỗ trợ của Chính phủ thì lỗ to.

Chỉ cần cho tàu chạy đi đánh bắt “lệch” vài độ (ô vuông trên bản đồ) gần với bờ hoặc ngư trường đánh bắt trọng yếu của mình, lợi biết bao nhiêu dầu.  Đây là một trong những nguyên nhân tàu câu mực xà không lấy được giấy xác nhận, thiếu chứng cứ để nhận được tiền hỗ trợ dầu” – ông Hồ Văn Tình, nêu lên những bật cập.

Lệ Giang

Đọc thêm