Nghe chuyện Tết xưa của xứ Kinh Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tết đối với người Việt Nam, theo một tập tục lâu đời, không chỉ đơn giản là ngày kết thúc một năm cũ và mở đầu một năm mới âm lịch mà còn là dịp nghỉ ngơi, mừng những thành quả của cả một năm lao động vất vả. Bắc Ninh - Kinh Bắc là một trong những cái nôi của người Việt cổ, nơi đây luôn lắng đọng và tích lũy nhiều tầng văn hóa của nền văn minh nước Việt đặc biệt là vẫn duy trì tục lệ đón tết cổ truyền của dân tộc.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Cái nôi của người Việt Cổ

Bắc Ninh - Kinh Bắc xưa là vùng đất phía bắc của kinh thành Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội ngày nay, là vùng đất trung tâm của châu thố sông Hồng. Bắc Ninh còn là nơi gặp gỡ, giao hội của các mạch giao thông thuỷ, bộ tạo cho xứ Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá với một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam.

Qua các kết quả nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu khảo cổ học ở Bắc Ninh cho thấy, đây là địa bàn cư trú của người Việt cổ, đồng thời là bộ phận cốt lõi của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc.

Từ mấy nghìn năm trước người Việt cổ đã cư trú và lập làng ở ven sông Cầu, sông Dâu, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê, sông Tiêu Vương,... sống chủ yếu bằng canh tác nông nghiệp kết hợp làm nghệ thủ công. Hàng loạt di vật như trống đồng, dao găm, rìu, giáo, tấm che ngực, mảnh giáp,... bằng đồng với những hoa văn độc đáo được tìm thấy ở các di tích Lăng Ngâm, Đại Trạch, Quả Cảm, Đại Lai,... mảnh khuôn đúc trống đồng trong thành cổ Luy Lâu đã chứng tỏ người xứ Bắc rất tinh xảo trong nghề đúc đồng, chế tác các đồ trang sức, làm gốm,...

Các liền anh liền chị hát quan họ trên thuyền rồng (Ảnh từ internet)

Các liền anh liền chị hát quan họ trên thuyền rồng (Ảnh từ internet)

Cũng trên mảnh đất này, những giá trị tinh thần, tư tưởng được phản ánh qua các huyền thoại ông Đùng, bà Đùng, ông khổng lồ cắn nát núi, hút sạch rừng, băng ngang lũ, về Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Thánh Gióng, An Dương Vương, Mỵ Châu - Trọng Thuỷ và thành cổ Loa,... Cùng với huyền thoại truyền thuyết là đậm đặc các di tích tiêu biểu như lăng mộ Kinh Dương Vương, các đền thờ Lạc Long Quân, Âu Cơ, đền thờ Phù Đổng Thiên Vương ở Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du,...đều được lưu giữ trong lòng đất lòng người vùng quê xứ Bắc - Bắc Ninh. Đây chính là sự minh chứng hùng hồn cho sự phong phú đa dạng và tiêu biểu hơn bất cứ địa phương nào trên mảnh đất Việt ngàn năm văn hiến.

Người Bắc Ninh xưa đón Tết như thế nào?

Tết đối với người Việt Nam, theo một tập tục lâu đời, không chỉ đơn giản là ngày kết thúc một năm cũ và mở đầu một năm mới âm lịch mà còn là dịp nghỉ ngơi, mừng những thành quả của cả một năm lao động vất vả, không có ngày nghỉ.

Đồng thời, đây cũng là dịp mọi người ăn ngon hơn, uống nhiều rượu hơn bất kỳ ngày vui mừng nào trong năm: “đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, tục ngữ đã dạy như thế.

Không chỉ có vậy, tết còn là dịp họp mặt của gia đình, thậm chí với cả đại gia đình: cha mẹ, anh chị em, có khi còn cả với ông bà, cụ kỵ, nội và ngoại để con, cháu, chắt chúc thọ người trên. Hơn nữa, đây cũng là dịp gặp gỡ họ hàng xa gần, bạn bè, đồng hương nơi thôn xóm.

Thiêng liêng hơn, đây còn là dịp tưởng nhớ với lòng thành kính những người đã khuất trong gia đình – một sự tưởng nhớ lâu nay đã trở thành sự thờ cúng trang nghiêm. Mà những hoạt động đó lại diễn ra trong những ngày lập xuân, theo sự phân chia của lịch pháp cổ truyền mỗi năm chia làm 24 tiết, vào những ngày này mùa xuân bắt đầu sau mùa đông giá lạnh (nhất là ở miền Bắc Việt Nam), cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua sắc khoe hương, con người rạo rực sức sống, tràn đầy ước mơ, chào đón một năm mới nhiều hứa hẹn tốt lành…

Tết gắn bó sâu sắc mỗi người con dân dất đất Việt với cộng đồng dân tộc chính là vì những lẽ đó.

Theo ông Nguyễn Như Hãnh, (SN 1933, trú tại thôn Đinh, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), ngày xa xưa, để đón Tết người ta phải chuẩn bị từ rất sớm. Từ 5 đến 10 ngày trước Tết, mọi người thường đi chợ Tết để mua sắm mọi thứ cần thiết như gạo nếp để gói bánh chưng; gà trống để làm vật cúng tổ tiên, thần thánh; thịt heo (thịt lợn), mứt, kẹo, hoa quả gồm chuối, cam, bưởi, quất, phật thủ…; quần áo mới; đồ chơi cho trẻ em; tranh vẽ… và mọi thứ cần thiết cho việc chuẩn bị các bữa cỗ Tết, các hoạt động tinh thần ngày Tết. Các phiên chợ ấy tấp nập khác thường.

Ông Hãnh cho hay, có rất nhiều phong tục ngày Tết ở xứ Kinh Bắc xưa.

Người dân đi chợ Tết (Ảnh từ internet)

Người dân đi chợ Tết (Ảnh từ internet)

Thứ nhất là sửa soạn bàn thờ, trong dịp này, nhà nào nhà nấy lau sạch bàn thờ tổ tiên, từ bát hương, bài vị, đến lọ hoa, lọ hương, cây đèn nến…

Sau đó, người ta bày biện những lễ vật phải để suốt thời gian Tết. Ở những nhà bình dân, bàn thờ khá đơn giản: trong cùng là một cái kỷ cao, đằng trước là một cái hòm gian, ngoài cùng là cái phản gỗ. Lễ vật bao giờ cũng có hương, hoa, bát nước trong, đèn (và nến), vàng cúng… Ở giữa là mâm ngũ quả.

Tấm phản là nơi người chủ gia đình quỳ lễ và khấn cầu tổ tiên, và cũng là nơi tiếp khách hoặc ngồi ăn cỗ Tết.

Thứ hai là chuẩn bị các món ăn ngày Tết, những món ăn và vật phẩm văn hóa tiêu biểu nhất thì như một câu đối truyền tụng từ lâu đời, không người Việt Nam nào không biết là:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Hoặc như một vế của câu đối Tết đã có từ lâu đời: “ Cảnh Tết thật là vui, nào tranh, nào pháo, náo áo, nào quần, nào dưa hành, mứt bí, nào giò mỡ, bánh chưng, rượu đánh tít mù, tớ muốn quanh năm xuân tất cả ”.

Khi nền kinh tế tự túc tự cấp còn phổ biến, dịch vụ chưa phát triển, các món ăn Tết nói chung đều phải tự làm trong gia đình. Vì vậy nhà nào cũng phải sớm lo làm những món ăn đầu vị: làm bánh chưng, giã giò. Không có bánh chưng – hình vuông của nó tượng trưng cho trái đất, nhân đậu tượng trưng cho giới thực vật, thịt lợn tượng trưng cho giới động vật, lá giong gói ngoài tượng trưng cho rừng núi, nước luộc tượng trưng cho nước thiên nhiên – thì không có Tết.

Đốt pháo ngày xuân (Ảnh từ internet)

Đốt pháo ngày xuân (Ảnh từ internet)

Thứ ba là làm lễ ông Công ông Táo, vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm người Kinh Bắc xưa coi đây là lễ tiễn “ông Công” lên chầu trời, người ta coi đây là vị thần đất, có nhiệm vụ lên trời báo cáo với Ngọc hoàng về mọi hành vi tốt, xấu của chủ nhà để Ngọc hoàng thưởng, phạt trong năm mới. Người ta lập bàn thờ tạm thời trong những ngày Tết, trên đó bao giờ cũng có những đồ mã: mũ, áo, hia. Cũng trong ngày này, người ta còn thả một con cá chép xuống ao hồ để làm phương tiện giao thông đưa ông Công lên trời.

Theo phong tục Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp còn là lễ ông Táo (vua bếp núc). Chuyện kể rằng, ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đến nỗi người chồng phải bỏ nhà ra đi kiếm sống còn người vợ ít lâu sau cũng phải tha hương cầu thực. Sau đó, chị ta lấy một người chồng khác và ăn nên làm ra. Một năm, vào ngày 23 tháng Chạp, người chồng cũ đi ăn xin, vô tình vào nhà người vợ cũ.

Nhận ra chồng cũ, người đàn bà mang rất nhiều tiền của ra cho. Thấy thế người chồng mới nghi ngờ. Buồn bực, người vợ nhảy vào bếp lửa tự thiêᴜ. Người chồng cũ quá thương xót liền lao vào theo. Người chồng mới ân hận cũng lao vào lửa nốt. Từ đó dân ra lập bàn thờ “hai ông một bà” vào ngày này, đồ cúng cũng như đồ cúng ông Công: ba bộ mũ, áo, hia… Và nhiều người Việt Nam đồng nhất ông Công với ông Táo, gọi đây là lễ ông Công, ông Táo.

Người xưa thường làm cây nêu bằng tre nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi nhà (Ảnh từ internet)

Người xưa thường làm cây nêu bằng tre nhằm xua đuổi tà ma ra khỏi nhà (Ảnh từ internet)

Thứ tư là làm cây nêu, vào giáp ngày Tết, người ta trồng cây nêu ở sân, đây là một cây tre, phía trên treo một chiếc võng cũng bằng tre, có những chiếc khánh, con cá bằng đất nung kêu leng keng khi có gió. Nếu là một cây tre tươi thì ở ngọn cây thường để lại một ít cành và lá. Trên sân, thường vẽ bằng vôi trắng những hình cung nỏ và tên. Tùy vào một số vùng, cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng Chạp, là ngày các thổ thần, táo quân đã về trời.

Người xưa quan niệm rằng, từ ngày này trần gian vắng mặt thần linh nên ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Cây nêu được dựng với mục đích xua đuổi tà ma, mang lại bình yên cho con người trong những ngày Tết.

Thứ năm là đón giao thừa, 12 giờ đêm ngày cuối cùng, 0 giờ ngày đầu năm – là giờ trang nghiêm nhất, gây nhiều xúc động nhất trong những ngày Tết, đó không đơn giản là giờ đầu tiên của ngày đầu tiên, mà theo tín ngưỡng dân gian, là giờ gặp nhau giữa Trời và Đất, âm – dương; là giờ bàn giao của các vị thánh thần cai quản nhân gian. Người ta đốt pháo khắp nơi, cùng lúc, tạo thành một không khí sục sôi, rạo rực ở mọi người. Người ta làm lễ giao thừa, lễ tổ tiên, Trời, Phật, ông Công, ông Táo, và ở những nhà làm nghề thủ công, lễ cả tổ sư.

Mùi hương nhang, hoa ngào ngạt, cùng với mùi và khói pháo làm cho mọi người ngây ngất. Trẻ em, dù hám ngủ đến mấy cũng thích được đánh thức dậy vào giờ này.

Hàng xóm láng giềng sang nhà chúc Tết.

Hàng xóm láng giềng sang nhà chúc Tết.

Cuối cùng là đi chúc Tết, người Kinh Bắc coi Tết được cử hành ít nhất trong ba ngày. Trong đó, ngày Mộng Một là ngày long trọng nhất. Mùa đông đã qua, mà theo quan niệm xưa về vũ trụ, đó là những ngày “âm”. Từ sau Đông chú (vào tháng Mười Một âm lịch), bắt đầu có khí “dương” và tháng Giêng là Tam dương. Mong đợi ngày đầu năm mới bắt đầu mang lại những điều tốt lành, may mắn, ta hay dùng tiếng Hán làm câu đối:

Tam dương khai thái (khai là mở, thái là tốt lành)

Ngũ phúc lâm môn (ngũ phúc là phú, quý, thọ, khang, ninh)

Mở cửa đón xuân sáng Mồng Một Tết, niềm vui tràn ngập, và người ta lại dùng pháo để bộc lộ tình cảm ấy. Mọi người trong nhà chúc mừng nhau, tặng tiền mừng năm mới cho trẻ nhỏ, lễ Tổ tiên bằng một bữa cổ thịnh soạn nhất, rồi mọi người ăn bữa quan trọng nhất đầu năm. Sau đó, người ta đi lễ Tết, lễ gia tiên, chúc Tết những người có quan hệ họ hàng, xóm giềng, thầy dạy, bạn bè… Những hoạt động lễ nghi, thăm hỏi ấy tiến hành trong suốt ba ngày, song tập trung nhất vào ngày Mồng Một.

Con cháu đi chúc Tết ông bà, cha mẹ (Ảnh từ internet).

Con cháu đi chúc Tết ông bà, cha mẹ (Ảnh từ internet).

Đọc thêm