Tết thời 4.0

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khác với lo lắng của nhiều người về giới trẻ ngày nay đang thờ ơ với Tết, các nhà văn hóa cho rằng, người trẻ có cách hướng về Tết, về nguồn cội theo cách riêng của họ.
Tết là di sản văn hóa luôn được người Việt trân trọng. (Ảnh minh họa)
Tết là di sản văn hóa luôn được người Việt trân trọng. (Ảnh minh họa)

Tết luôn được lưu giữ

Những năm gần đây đã có ý kiến cho rằng, Tết nghỉ quá dài làm ngưng trệ lưu thông kinh tế. Thậm chí có những đề nghị bỏ Tết, gộp Tết Dương lịch vào Tết ta… Theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đã có thống kê cho thấy sức mua mùa Tết 2020 ước tính đạt trên 50 nghìn tỷ đồng cho thị trường Việt Nam, gần gấp đôi giá trị mỗi tháng thường, tương đương với 1% tổng GDP 2019. Đó là chưa kể đến các dịch vụ như du lịch, ăn uống... cũng theo đó mà đi lên.

TS Nguyễn Viết Chức nhận định, Tết Việt góp phần không nhỏ gìn giữ các giá trị văn hóa, gắn kết con cháu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên. Tết là năm mới, là dịp sum họp, chúc những gì tốt đẹp cho từng thành viên trong gia đình. Đó là nét văn hóa của dân tộc. Còn ăn nhậu say sưa, cờ bạc, chểnh mảng việc làm, chỉ là số ít. Không vì những tiêu cực này mà đánh mất Tết ta.

Bên cạnh đó, với tâm thức hướng về nguồn cội, kỳ vọng tương lai thì mãi mãi Tết luôn lưu giữ. Những hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết về càng ngày càng được thế hệ trẻ quan tâm hơn. Trong vài năm trở lại đây, người ta nhận thấy sự quay trở lại với tà áo dài truyền thống và cách tân của người Hà Nội vào những ngày Tết cổ truyền. Và phong tục gói bánh chưng ngày Tết được nhiều gia đình Hà Nội khôi phục như để gìn giữ hương vị ngày Tết.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, thời xưa, đại bộ phận người dân làm nông nghiệp, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên mới chỉ chú trọng đến việc đón Tết Nguyên đán. Khi ấy, sự chênh lệch giữa ngày Tết và ngày thường rất lớn. Ngày nay, đất nước đã có những sự phát triển vượt bậc, nhìn chung đời sống của người dân đã ấm no, hạnh phúc hơn nên chúng ta chú trọng tất cả các ngày lễ, Tết. Nhưng khi mục tiêu hướng đến ngày Tết đã đạt được trong ngày thường thì con người lại nghĩ đến cách tổ chức, cách chơi Tết khác đi. Điều quan trọng là hồn cốt của Tết là hướng về cội nguồn, về gia đình, quê hương trong tim mỗi người…

Lan tỏa văn hóa Tết Việt

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận định: “Không phải bây giờ chúng ta mới cảm giác Tết mất đi, thế kỷ trước nhà thơ Vũ Đình Liên cũng đã thốt lên “Những người muôn năm cũ/hồn ở đâu bây giờ”. Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt. Mà khi động vào thì xúc động lắm. Bây giờ giới trẻ lựa chọn đi du lịch vào dịp Tết, đây là một sự mất mát. Nhưng nó là quy luật cuộc sống hiện đại”...

Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt.

Mỗi người Việt luôn có một góc hồn Việt.

Thực tế, theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, Tết truyền thống là một di sản văn hóa phi vật thể. Mà đã là di sản văn hóa phi vật thể thì nó có một đặc trưng là tái sáng tạo. Cha ông ta sáng tạo nên, nhưng đến thế hệ trẻ cũng sẽ tiếp tục sáng tạo. Mỗi thế hệ sẽ để một dấu ấn của mình vào đó. Tuy nhiên, có một chiều khác, đó là dù có sáng tạo đến đâu, ta cũng nên giữ hồn cốt. Cái hồn cốt của Tết truyền thống Việt là Tết đoàn viên. Dù ngày nay, người ta quan niệm là “nghỉ Tết”, “chơi Tết” chứ không còn là “ăn Tết”. Đối với nhiều người hiện nay, Tết không hẳn là dịp trở về quê hay ăn Tết tại gia mà là dịp để thực hiện những chuyến đi ngắn: Du lịch, đi nghỉ trong nước và ngoài nước, khám phá những vùng đất mới, đi lễ cầu may, đi thăm bè bạn nơi xa...

Thế nhưng, không vì thế vẻ đẹp Tết cổ truyền mất đi. Ngày nay, bắt đầu sau rằm tháng Chạp, rất nhiều hoạt động văn hóa mang tính đặc trưng của ngày Tết đã được mở ra, khơi gợi bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại và tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi người. Trong tâm thức người Việt, nguồn cội luôn có giá trị rất sâu sắc, điều này thể hiện rõ nhất trong ngày Tết. Chính vì vậy, dù ở đời nào thì Tết cổ truyền vẫn cần được bảo tồn và phát huy.

TS Trần Hữu Sơn bày tỏ: “Quan họ Bắc Ninh có cũ không? Tết, “đến hẹn lại lên”, người ta vẫn hát quan họ cho nhau nghe, thậm chí nhiều nơi còn đổ về Kinh Bắc nghe quan họ. Chèo có cũ không? Đất Thái Bình, xuân không thể thiếu tiếng í a của chèo. Người Nghệ Tĩnh đi xa, trong tiết xuân, lắng nghe làn điệu dân ca, khẽ rơi nước mắt… Và quan họ, chèo, dân ca Nghệ Tĩnh… vẫn đang sống song hành cùng với rock, rap Việt. Đó là quá trình sáng tạo và tiếp biến văn hóa”.

Theo TS Trần Hữu Sơn, ngày nay, cộng đồng mạng phát triển, không gian trải dài. Trước đây, ta ăn Tết gia đình ở một xóm làng nhỏ ở Việt Nam. Giờ thì chúng ta ăn Tết với con cháu bên Mỹ, con cháu bên Đức, con cháu bên Nhật bằng facebook, face time. Ông bà ăn Tết ra sao, gói bánh chưng thế nào, thắp hương cho tổ tiên và luộc nồi bánh chưng như thế nào, thậm chí cô con dâu nước ngoài gọi điện về cho bố chồng, mẹ chồng hỏi gói bánh chưng thì lạt như thế nào, nếp làm ra sao... Khi ấy không gian Tết đã xoá nhoà, không còn ở một gia đình, một xóm nhỏ nữa mà mang tính toàn cầu, xuyên biên giới. Nó kéo không gian Tết Việt ra muôn nơi, văn hoá Tết Việt đã lan tỏa muôn nơi chứ không ở luỹ tre làng như trước nữa.

Lý giải về xu hướng Tết du lịch hay Tết đoàn viên, TS Trần Hữu Sơn cho rằng, ngày xưa chúng ta có “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Bởi xưa sau khi gặt hái xong, cả thời gian nông nhàn kéo dài, nhưng đó là thời nông nghiệp, Còn bây giờ là thời của công nghiệp, hậu công nghiệp, vì thế thời gian không còn như trước.

Du lịch trước kia là mốt, còn bây giờ trở thành một nhu cầu. “Ta cần phải có thái độ chấp nhận đối với cái mới. Dù ta nhiều tuổi, ta không muốn Tết di động, ta muốn Tết đoàn viên nhưng cái làng ta mở cửa rồi, nước ta mở cửa rồi, xuyên quốc gia rồi, xuyên biên giới... tác động đến ta thì ta muốn hay không cũng không được nữa. Như vậy thì ta học cái đặc tính của người Việt đó là rất giỏi thích nghi. Và chúng ta cần thích nghi với Tết của các thế hệ”.

Họa sỹ Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm CLB Đình làng Việt cũng khẳng định, ông không thấy người trẻ nhạt phai với Tết, với văn hóa truyền thống. Đơn cử, CLB Đình làng Việt có rất nhiều người trẻ đam mê với các hoạt động văn hóa cũng như chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống. Họ tự hào về áo dài ngũ thân của người Việt như một mạch nguồn văn hóa nối dài qua thời gian, lịch sử.

Chúng tôi mang trái tim mình về quê mẹ!

Chị Sao Mai Phạm, một bloger người Pháp gốc Việt đã chia sẻ vô cùng “thuần Việt” và cảm động về Tết, về quê mẹ trên trang cá nhân của mình: “Người Mẹ của chúng tôi - một phụ nữ Á Đông thuần khiết, trong những năm tháng xa quê hương đằng đẵng, đã luôn đắm mình trong ký ức về nơi mình sinh ra cũng như về gia đình mình, như một cách hướng về nguồn cội với những nhớ thương đầy khắc khoải được mẹ chúng tôi cất giữ sâu trong đáy mắt của mình.

Xin phép được dùng lại từ “căn cước văn hóa” để nói về trường hợp của mình. Việc biết thêm trên một ngôn ngữ, ngoài tiếng cha, tiếng mẹ của mình, đã giúp tôi không chỉ mở rộng tầm nhìn mà còn khiến tôi hiểu một cách sâu sắc hơn, nhân văn hơn về thế giới xung quanh.

Đã mười năm nay tôi đã sử dụng tấm thẻ căn cước ngôn ngữ tiếng Việt của mình một cách hữu hiệu. Tôi hiểu một cách cụ thể hơn về đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế của Việt Nam thì đã đành. Cái được nhất là tôi đã trở thành người nhà, thành người thân của rất nhiều người Việt trên mọi miền đất nước. Tôi đang nhớ đến kỷ niệm được đón Tết Nguyên đán ở TP HCM. Từ đây tôi biết thế nào là với nắng gió phương Nam thì chỉ có sắc mai vàng rực rỡ mới là đại diện xứng đáng cho đất và người nơi này. Nếu như hoa mai rực rỡ bởi nắng vàng phương Nam, thì đông giá khắc nghiệt của phương Bắc có sắc hồng của đào phai để tìm chút hơi ấm. Mai và đào làm nên sự độc đáo của Tết Việt. Không thể hoán đổi chỗ cho nhau được.

Những ngày đầu xuân, tôi về thăm bà mẹ nuôi đẹp lão, hiền hậu người miền Tây của tôi rồi lại lộn về Sài Gòn đến thăm và chúc Tết những cụ già Hà Nội, dẫu đã mấy chục năm coi Sài Gòn là quê hương thứ hai của mình thì vẫn giữ trọn vẹn âm sắc Hà Nội, phong thái Hà Nội.

Họ, những người Việt mà tôi đã gặp, lại khen tôi “thuần Việt”. Tôi đã rưng rưng xúc động vì điều này. Tôi nhớ đến mẹ của chúng tôi, người đã trao cho chúng tôi tấm căn cước văn hóa diệu kỳ qua một hành trình dài khó khăn dạy tiếng Việt. Hơn cả việc dạy một ngôn ngữ, chính là mẹ của chúng tôi đã thổi hồn cốt Việt Nam vào những đứa con chỉ mang một nửa dòng máu Việt của mình. Khi đã có ngôn ngữ, tức chìa khóa mở ra cánh cửa “nhà mình”, chúng tôi nói với nhau rằng chúng tôi mang trái tim mình về quê mẹ, chứ không phải là chúng tôi chuẩn bị hành lý để đi du lịch ở Việt Nam!”…