Để dễ dàng tiếp chuyện với các tay thợ đánh bóng lư đồng, ông Ba Lộc (chú họ tôi) liền lấy hai cái lư nặng trên một ký trên bàn ông bà đã rỉ màu, gói cẩn thận trong tờ báo đưa cho tôi với lời dặn phải thận trọng, chớ làm mất lư gia bảo của nhà ông. Ngay lập tức, tôi hồ hởi đem hai cái lư đồng đi ra chợ Biên Hòa tìm thợ đánh bóng.
Tìm nơi đánh lư
|
Người thợ phải bịt kín mặt nhằm hạn chế hít bụi đồng. |
Sợ mất hai cái lư, chúng tôi liền đến tiệm của ông Hai Năng cách đó vài chục bước chân. Ông Hai Năng nhìn chúng tôi dò xét hỏi: “ Đến lau bóng hay bán. Ở đây, tụi tôi không có mua lư”. “ Đánh lấy liền được không chú ?”- chúng tôi đề nghị. Ông Tư Năng không phải tay vừa, hét giá: “Tám chục ngàn hai cái. Ngồi đó đợi. Không ưng thì đi chỗ khác”.
Trước thái độ không hiếu khách của thợ đánh lư đồng Tư Năng, chúng tôi tiếp tục đem hai cái lư gia bảo của ông Ba Lộc đến vài cửa tiệm đánh bóng lư đồng dọc bờ kè đường Nguyễn Văn Trị tìm công đánh rẻ hơn. Qua vài chỗ hỏi giá và dò xem kỹ thuật đánh bóng của họ có gì đặc biệt. Tuy vậy, suốt một buổi lân la, chúng tôi vẫn chưa tìm được người vừa ý giao hai cái lư gia bảo cho họ làm bóng. Hơn nữa, chúng tôi chẳng việc gì phải vội, nên cứ túc ta, túc tắc tìm hiểu về công việc đánh bóng lư đồng dịp tết của người dân Biên Hòa giàu truyền thống thờ cúng tổ tiên dịp Tết.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định trở lại đúng vai người đi tìm hiểu viết bài. Vì vậy, hai cái lư của ông Ba Lộc được chúng tôi dấu kín trong giỏ sách. Đồng thời, chúng tôi quay lại chỗ đánh bóng lư đồng của ông Tư Sang (đường Cách Mạng Tháng Tám) làm quen và xin chụp ảnh. Ông Tư Sang lắc đầu lia lịa từ chối. Như hiểu được chuyện, một người bạn của ông Tư Sang tên Tùng liền nói: “ Sao ông lạc hậu quá vậy. Người ta chụp hình đăng báo sao lại từ chối. Mình làm ăn lương thiện mà, có gì phải sợ”.
Nói chuyện thân thiện với nhau một lúc, cuối cùng ông Tư Sang cũng giật đầu đồng ý cho chúng tôi chụp ảnh lúc ông đang đánh bóng lư đồng cho khách. Ông Tư Sang cởi mở cho biết: “ 200 ngàn đồng tiền công đánh bóng một bộ lư. Tui phải làm liên tục 2 tiếng mới xong. Ngày nào đắt hàng, tui cũng kiếm được cả triệu đồng, ế thì quay sang sửa xe. Cho nên, bao năm bám góc đường này, không bao giờ bị thất nghiệp khi Tết đến, xuân về”.
Thêm một lần nữa bạn của Tư Sang nói cho tôi biết: “ Công việc này rất độc hại vì luôn hít phải rỉ đồng. Tuy vậy, đối với ông Tư Sang, tiền quan trọng hơn sức khỏe vì ông còn phải nuôi ba con le le mà không có vợ”.
Rời khu vực chợ Biên Hòa, chúng tôi tiếp tục đem hai cái lư sang các tuyến đường 30-4, Huỳnh Văn Nghệ và sang cả Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa) tìm thợ. Lúc này đã 6 giờ chiều. Đó cũng là thời điểm mà các tay thợ đánh bóng lư đồng ở đây bắt đầu hành nghề và cũng là thời điểm tránh bụi tốt nhất.
Anh Hoàng (thợ đánh bóng lư đồng Cù Lao Phố, xã Hiệp Hòa) cho biết, tại Cù Lao Phố có trên 7 điểm đánh bóng lư đồng, như: Điểm của vợ chồng anh, điểm của hai anh em Sì Mang, Sì Tum và Hưng…ở gần chợ Hiệp Hòa. “Công việc đánh lư đồng của vợ chồng tôi thường bắt đầu từ tháng 10 âm lịch. Cao điểm của nghề này phải bắt đầu từ giữa tháng Chạp và kéo dài đến gần 29 hoặc 30 Tết”.
Thợ đánh bóng lư đồng
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tất cả thợ đánh bóng lư đồng đều là thợ sửa xe đạp, hon da, cửa sắt. Tranh thủ dịp tết, họ chuyển sang nghề đánh bóng lư đồng để tăng thu nhập. Do đó, khoảng thời gian từ mồng10 tháng Chạp (Âm Lịch) trở đi là dân sửa xe, làm cửa sắt bắt đầu treo bảng hiệu “nơi đây có đánh lư đồng” và vác đồ nghề ra vỉa hè. Thu nhập của công việc đánh bóng lư đồng vài trăm ngàn đồng chỉ trong vài giờ. Còn dụng cụ hành nghề thì cũng đơn giản, chỉ có vài thanh lơ (thuốc), túm vải, mô tơ điện, khẩu trang vải. Vì vậy, dọc theo các tuyến đường chính trên TP.Biên Hòa, các điểm đánh bóng lư đồng càng nở rộ dịp cận Tết.
Anh Lâm Thư (hành nghề trên đường 30-4, phường Trung Dũng) tâm sự: “Năm nào vợ chồng tôi cũng nhận hàng về làm. Mối hàng của chúng tôi là các đình, chùa, hộ gia đình và cả những người khác được khách hàng quen giới thiệu. Chúng tôi làm xong hàng là giao liền, làm đến 30 Tết mới được nghỉ”.
Còn anh Ba Ngọc (hành nghề trên đường Huỳnh Văn Nghệ, phường Bửu Long) thì chia sẻ, có năm do anh làm mệt nên lỡ ngủ quên.Chính vì vậy, kẻ xấu đã lẻn vào nơi làm việc trộm mất một bộ lư của khách. Dẫn đến việc, anh phải rút tiền túi đền cho họ bộ lư với giá 5 triệu đồng và hết lời năn nỉ khách mới để được thông cảm. “Năm đó, coi như tôi làm không công. Vì nghề này chỉ rộ vào dịp tết, rất nhiều người cùng làm nên thu nhập chẳng được bao nhiêu cả”- anh Ba Ngọc than thở.
Chuyện tai nạn nghề nghiệp của dân đánh bóng lư đồng gặp phải nhiều khi cũng dở khóc dở cười như: Giao lộn hàng của người này cho người khác, tai hoặc đế của lư này lại gắn vào lư kia rồi giao cho khách, hay gặp phải lư lá tre lỡ mạnh tay làm gãy…. “Để tránh nhầm lẫn, chúng tôi đánh dấu vào phía trong kỹ càng từng bộ phận một. Nhưng do làm hàng nhiều, phải giao gấp, chỗ làm thì chật chội, khách hàng hối thúc nên nhầm lẫn cũng khó tránh. Kỹ tính như tôi, vậy mà cũng khó tránh khỏi chuyện giao lộn hàng. Tuy vậy, nó mới vui, mới Tết chớ”- anh Năm Hùng (hành nghề trên đường Nguyễn Văn Trị) ngừng tay bộc bạch.
Riêng ông Sáu Mẫn (chợ Đồn, phường Bửu Hòa) thì 7 giờ tối mới bắt đầu che lưới mở tiệm. Chờ cho Sáu Mẫn dọn dẹp xong, chúng tôi mới đem hai cái lư ra đánh. Ông Sáu Mẫn nói: “10 ngàn đồng hai cái. Tôi làm 5 phút là xong”. Nhìn ông Sáu Mẫn thao tác đánh bóng hai cái lư trong làn bụi rỉ đồng từ cuộn vải bị ma sát bắn ra lem luốc cả mặt mũi, áo quần, thỉnh thoảng ông Sáu Mẫn cất tiếng ho khục khặc trong. Còn chiếc lưng đồng trên tay ông dần sáng bóng dưới ánh sáng điện tờ mờ làm chúng tôi nôn nao nghĩ đến mùa xuân, tiếng ho khục khặc của họ ngày Tết vì bụi đồng.