Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê đất Quảng

(PLVN) - Làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ) là nơi duy nhất của người H’rê ở tỉnh Quảng Ngãi còn giữ nguyên bản sắc văn hóa truyền thống dệt thổ cẩm độc đáo. Giá trị văn hóa truyền thống này thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.
Cô gái làng Teng dệt thổ cẩm.

Độc đáo thổ cẩm của người H’rê 

Nằm dưới chân đèo Lâm, bên dòng sông Liêng hiền hòa, từ bao đời nay, bằng đôi tay khéo léo của mình, người dân làng Teng đã dệt những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn, họa tiết bắt mắt. Mới đây, nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của người H’rê từng được cộng đồng các dân tộc nơi đây ưa chuộng. Tuy nhiên, trải qua thời gian, hiện chỉ còn người H’rê sống ở làng Teng là giữ được nghề truyền thống độc đáo này. 

Người H’rê ở làng Teng kể rằng, khi sinh ra đã thấy người mẹ bên khung dệt, miệt mài tuốt từng sợi vải để làm nên tấm khố, khăn choàng. Người con gái lớn lên lại được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm. Và cứ thế truyền từ đời này sang đời khác, nghề dệt thổ cẩm trở thành nghề truyền thống mang nét văn hóa đặc trưng của làng.

Trong ký ức của các bậc cao niên làng Teng, đã có thời, cả làng trồng cây bông trên sườn đồi và dọc ven suối. Sau tết ngã rạ mừng lúa mới, khi con đường vào làng hoa gạo nở đỏ rực thì trên rẫy và dọc ven suối, cây bông cũng nở trắng xóa. Sớm sớm, con gái H’rê trong làng đầu chít khăn, lưng mang gùi lên rẫy hái bông rồi đem về phơi trên những chiếc nong cho bông nở bung. Sau đó, chị em dùng cái quay kéo thành sợi.

Trong khi đó, đàn ông trong làng thì mang gùi vào rừng hái lá cây ghin gu đem về giã rồi nấu với bột gạo làm phẩm màu để nhuộm cho sợi bông có màu đen. Nếu muốn có màu đỏ thì phải vạt vỏ cây pắh đếch đem về bỏ vào nồi đồng lớn nấu với một ít vôi, sau đó mới đem nhuộm sợi. Trong những dịp cúng mừng năm mới, hội làng, lễ cưới của người H’rê, ngoài cồng chiêng, rượu cần thì không thể thiếu những trang phục truyền thống được làm tại đây.

Những hoa văn, họa tiết đôc đáo trên tấm thổ cẩm của người H’rê. 

Điểm nổi bật dễ nhận thấy ở những bộ trang phục của người H’rê là thường có 2 màu đen và đỏ. Người H’rê quan niệm, màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính; còn màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới. 

Khoảng chục năm trở lại đây, cây bông ngày càng hạn chế, những thợ dệt làng Teng lấy chỉ sợi nhiều màu sắc và dệt vải. Dù dệt sợi công nghiệp và theo xu hướng phát triển của thị trường nhưng người H’rê vẫn giữ nguyên bản sắc vải dệt truyền thống của đồng bào mình.

Các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm của người H’rê chủ yếu theo mô típ hình học được liên kết thành ô nối tiếp nhau. Hoa văn có đường thẳng, đường lượn sóng tạo nên hình dáng cách điệu là con sông, con suối; hoa văn có hình giống các loại vật trong thiên nhiên như: mỏ gà, mũi tên, tổ ong, da rắn, da trăn, lá cây. Từ những tấm thổ cẩm này, các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm như: váy, áo, khố, khăn, đai địu con... Chính nét đặc trưng này mà thổ cẩm của người H’rê khác biệt với nhiều sản phẩm dệt khác.

Điểm độc đáo nữa là ở phương pháp kỹ thuật dệt cài hoa văn, chứ không phải là những đường thêu bằng chỉ màu trên nền vải như một số tộc người anh em khác. Các họa tiết hoa văn của người H’rê rất khiêm nhường, lặng lẽ, các gam màu hòa sắc chung với các màu khác, không rực rỡ phô trương.

“Dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ của người thợ dệt, nếu không có sự ham thích thì khó lòng làm được. Công đoạn khó nhất là kỹ thuật dệt. Trước tiên, người dệt phải tạo thế cân bằng rồi kéo thẳng chỉ để dệt. Sau đó, thợ dệt phải cân các hoa văn, họa tiết trên tấm thổ cẩm sao cho hài hòa và đẹp mắt. Mỗi tấm vải dệt khoảng một tuần mới hoàn thành, mỗi tháng dệt nhiều nhất cũng chỉ 4 tấm”, bà Nguyễn Thị Đú (một thợ dệt làng Teng) cho biết.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Theo các nhà nghiên cứu, mỗi sản phẩm thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng không chỉ là một sản phẩm hàng hóa thông thường, mà còn là sản phẩm tinh thần để người thợ dệt gửi gắm tài năng, khiếu thẩm mỹ, sự thông minh, sáng tạo, tinh thần lao động của mình. 

Chính nghề dệt thổ cẩm độc đáo này đã cuốn hút bao chàng trai đến làng Teng làm rể. Nhiều chàng trai dân tộc H’rê ở các huyện Sơn Hà, Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi) hay các xã trong huyện Ba Tơ đã tìm đến đây cưới vợ, sinh sống. Và như đã thành lệ thường, trước khi con gái làng Teng đi lấy chồng thì bỏ nhiều công sức để dệt những tấm thổ cẩm cho chính mình và cho người mình thương để cùng nhau mặc trong ngày cưới, trong lễ cúng Yàng (trời).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua, huyện Ba Tơ đã có nhiều chính sách hỗ trợ thợ dệt thổ cẩm làng Teng nhằm truyền dạy, khuyến khích người dân lưu giữ nghề truyền thống, mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng sản phẩm. Nhiều hộ gia đình ở làng Teng đã tập trung đầu tư dệt thổ cẩm, phát triển nghề.

Bên cạnh đó, làng Teng còn thành lập tổ dệt thổ cẩm. Tổ dệt này tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng tại nhà văn hóa để trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm dệt, liên kết làm sản phẩm cho khách hàng. Với đôi tay lành nghề, khéo léo, các sản phẩm thổ cẩm làng Teng đã được quảng bá, giới thiệu tại nhiều nơi trong nước. 

“Mới đây, nghề dệt thổ cẩm của làng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không những tôi mà cả làng ai cũng vui mừng. Tôi rất tự hào về nghề truyền thống của cha ông được gìn giữ, phát triển. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được người dân các huyện miền núi ở Quảng Ngãi mua sử dụng trong các dịp lễ hội, mà còn được khách du lịch ưa thích”, bà Đú vui vẻ cho biết.

Bà Phạm Thị Minh Đôi - Phó chủ tịch UBND xã Ba Thành, cho biết: “Mới đây, Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng Teng với quy mô xây dựng trên 10,5 tỷ đồng đã được đưa vào sử dụng. Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc H’rê. Qua đó, thế hệ con cháu sau này sẽ biết và hiểu hơn về phong tục tập quán H’rê, những nét văn hóa ngày xưa của ông bà tổ tiên”.

Theo ông Phạm Giang Nam - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.

“Việc công nhận nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người H’rê ở làng Teng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở để bảo tồn và phát huy nghề này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới; đồng thời đưa làng Teng trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút du khách gần xa, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, ông Nam cho biết.

Đọc thêm