Kỳ công như làm mật mía
Những ngày cuối năm, nhiều hộ gia đình ở xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) nhộn nhịp làm mật mía. Tân Hương được xem là một trong những làng nghề truyền thống có tiếng về sản xuất mật mía ở Nghệ An. Tận dụng nguồn đất tươi tốt, người dân áp dụng kỹ thuật để trồng mía cho năng suất cao. Khi mía đến vụ thu hoạch thay vì đem bán cho nhà máy đường, cây mía được người dân nơi đây chặt dần để ép lấy mật bán. Mùa làm mật mía thường bắt đầu từ tháng 10, thời điểm cây mía đủ độ đường và kéo dài đến tháng 3 năm sau.
Người dân cho hay, trước đây khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, nghề làm mật rất vất vả. Muốn làm được mật phải huy động nhiều nhân lực, trong đó có việc dùng sức kéo của trâu, bò nên năng suất kém. Những năm gần đây, bà con trong làng đã cải tiến thay sức kéo của trâu bò bằng sức của máy nổ, mô tơ nên việc ép mía dễ dàng và cho hiệu quả cao hơn.
Nói là đơn giản nhưng để sản xuất được mẻ mật mía đạt tiêu chuẩn vừa sáng, vừa thơm ngon thì đòi hỏi nhiều kỹ năng. Anh Lê Văn Minh (SN 1978), trú xã Tân Hương cho biết, cái khó là công đoạn nấu mật mía không có thiết bị kiểm tra, đo lường chất lượng mà chỉ bằng thủ công. Nếu không có kinh nghiệm, kỹ thuật thì mật sẽ không ngon, màu sắc không đạt.
Để nấu được mẻ mật mía vừa sánh vừa thơm ngon đòi hỏi người làm phải có nhiều kinh nghiệm. |
Anh Minh bật mí, để làm nghề này đòi hỏi phải chịu khó, tỉ mỉ vì trải qua nhiều giai đoạn. Người làm phải nhanh tay bởi trong quá trình nấu mật mía khi bắt đầu sôi, nếu không vớt kịp bọt, làm nước bị trào thì mật sẽ có màu đen, mất sản lượng và kém thơm ngon. Muốn mật ngon phải đứng “canh” các chảo mật lớn trong nhiều giờ, đảo liên tục và đều tay. Đến lúc nước mía bắt đầu sền sệt chuyển sang màu nâu vàng thì mới hoàn thành việc nấu mật. Để đổ mật vào trong phi được ngon, người nấu mật tiếp tục lọc qua lớp vải màn để lọc sạch cặn. Khi mật nguội sẽ có một lớp bọt đường lên trên sản phẩm mật mới hoàn thành.
Ngoài kỹ thuật thì theo anh Minh, một điều quan trọng nữa quyết định đến việc mật có ngon hay không là nguồn nguyên liệu. Nếu cây mía càng có độ ngọt thì lượng mật thu về càng cao, mẻ mật mía đạt chất lượng phải có màu vàng au, sóng sánh. Riêng công đoạn nấu mật, người trực lò phải giữ cho vừa lửa, phải “liền tay, liền việc”.
Mỗi lò mật mía muốn hoạt động liên tục thì cần có 3 - 4 lao động làm việc ăn ý với nhau. “Trước đây, một ngày, nếu làm hết công suất, một gia đình chỉ nấu được 5 chảo mật mía. Những năm gần đây, bà con trong làng đã biết cải tiến thay sức kéo của trâu bò bằng sức của máy nổ, mô tơ nên công việc ép mía trở nên đơn giản và hiệu quả cao. Hiện nay, một lò nấu mật mía hoạt động từ 8h đến 21h mỗi ngày có thể thu được 6 tạ mật (tương đương 400 lít)”, anh Minh phấn khởi.
Đưa mật mía xuất ngoại
Hiện không riêng chỉ tại xã Tân Hương mà các xã lân cận như Nghĩa Bình, Giai Xuân, Tân Xuân của huyện Tân Kỳ người dân cũng khá lên nhờ nghề làm mật mía. Được biết, trung bình mỗi tấn mía sau khi hoàn thành sẽ cho cho 1,4 tạ mật cô đặc. Với mức giá 15.000- 20.000 đ/lít bán ngay tại nhà, người làm mật đã khấm khá lên.
Nhiều gia đình đã dành toàn bộ đất sản để trồng mía, trung bình mỗi hộ nấu mật, trừ chi phí sản xuất thu về từ 40- 60 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía cho thu nhập cao hơn nhiều. Nghề làm mật còn tận dụng nguồn nguyên liệu bã mía làm thức ăn cho trâu bò… Hiện nay, sản phẩm mật nơi đây đậm chất “quê” không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan…mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con.
Mật được làm từ những cây mía đủ tuổi, đủ độ ngọt. |
Chủ tịch UBND xã Tân Hương, ông Chu Văn Lợi cho biết, trước đây người dân chủ yếu làm mật mía bằng cách thủ công nên khá vất vả. Hiện nay, việc áp dụng máy móc từ công đoạn thu hoạch, làm sạch mía, vớt bọt… đến giai đoạn cho thành phẩm đã rút gọn đi được nhiều công đoạn. Theo ông Lợi, hiện xã đang lựa chọn mật mía là sản phẩm chủ lực của địa phương để tham gia chương trình “mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).
Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tân Kỳ cho biết, huyện Tân Kỳ đã lựa chọn 4 sản phẩm chủ lực của địa phương để chấm điểm, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tiến tới gắn sao.Theo đó, huyện dành kinh phí 1,25 tỷ đồng để tổ chức đánh giá và công nhận các sản phẩm; xây dựng sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm nông nghiệp tốt; hỗ trợ bao bì, nhãn mác; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Theo Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tân Kỳ, sản phẩm mật mía Tân Kỳ chủ yếu được thương lái thu mua rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất bánh kẹo, bên cạnh đó còn chế biến các món ăn khác trong thực đơn mỗi gia đình. Nhất là vào dịp cuối năm, người tiêu dùng thường mua mật mía để làm bánh, phục vụ nhu cầu nấu nướng….
Nhờ chất lượng tốt, nhiều thương lái đã đến thu gom mật để xuất bán cho nước bạn Lào. Nắm bắt thời cơ này, nhiều hộ gia đình đã dành toàn bộ đất sản xuất để trồng mía, nấu mía. Mỗi hộ trồng, nấu mật mía sau khi trừ chi phí sản xuất thu về từ 40-60 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, ngô, khoai thì làm mật mía cho thu nhập cao hơn nhiều.
Làm mật mía vừa mang lại kinh tế vừa mang lại niềm vui cho người dân. Bởi mỗi khi vào vụ, không chỉ người lớn mà các công việc nhỏ nhẹ như: đun lửa, vớt bọt mía nhiều thành viên trong nhà cùng tham gia, phụ giúp bố mẹ. Điều đó tạo nên sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Đó cũng là cách bố mẹ dạy con cái quý trọng đồng tiền từ nghề truyền thống.
Trong cái rét ngọt cuối năm, trong hương thơm ngọt đậm đà của mật mía lẩn quất trong gió ngỡ như tết đã về sớm hơn với bà con nơi đây.