"Nghề" kinh doanh siêu lợi nhuận phía sau những đứa trẻ ăn xin

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hình ảnh những đứa trẻ còn non nớt mỗi ngày có mặt trên nhiều nẻo đường để xin tiền vốn không còn xa lạ. Không đơn giản chỉ là cá nhân khốn khó xin tiền, mà đây còn là vấn nạn ăn xin có tổ chức, có người chăn dắt. Lợi dụng lòng thương hại của cộng đồng, “nghề chăn dắt ăn xin” đang trở thành một mô hình kinh doanh siêu lợi nhuận và không có dấu hiệu dừng lại…
Các em nhỏ ăn xin trên đường phố. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Các em nhỏ ăn xin trên đường phố. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Những cảnh đời ăn xin

“Cô ơi, từ sáng đến giờ con chưa có gì vào bụng, cô cho con xin ít tiền để ăn với ạ” là câu nói thường gặp của cậu bé tầm 10 tuổi hay đứng ăn xin ở ngã tư Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Hà Nội. Không chỉ một, hai lần mà hầu như ngày nào cậu bé cũng đứng ở đó, khi thì ban ngày, khi thì giờ tan tầm cho đến tối muộn. Không biết từ bao giờ, việc đứng ở góc đèn đỏ chực chờ xin tiền người qua đường đã trở thành công việc hàng ngày của một đứa bé còn đang tuổi chơi, tuổi học.

Vậy nhưng, điều kì lạ là, khi đến và về cậu bé lại được một người đàn ông chở xe máy kẹp thêm hai bạn nhỏ nữa. Đặc điểm chung của các em nhỏ được gã đàn ông chở đi về là đều mặc quần áo rách rưới, mặt mũi lấm lem trông rất khổ sở. Sau khi thả cậu bé xuống, dường như chiếc xe lại chở những đứa trẻ còn lại đến những góc phố khác để hành nghề ăn xin. Đến tầm 10 giờ tối tất cả bọn trẻ lại được đón về trên chiếc xe buổi sáng. Vậy là cứ đều đều, các em sẽ phải đứng ăn xin hơn chục tiếng ngoài đường, dù mùa đông lạnh giá hay mùa hè nắng nôi, bụi bẩn...

Nhìn những cảnh đó, hầu như người lớn ai cũng muốn góp một chút tấm lòng của mình cho các bé bớt khổ, có miếng cơm ăn qua ngày. Khi thì 5 nghìn, khi thì 10 nghìn, nhiều người còn cho 50 nghìn hoặc hơn. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là liệu những đồng tiền mà họ vừa cho có giúp bọn trẻ đỡ đói lòng hay sẽ rơi vào túi những kẻ chuyên chăn dắt ăn xin và sống trên mồ hôi, công sức của bọn trẻ?

Không chỉ có tổ chức ăn xin chuyên nghiệp mới dùng chiêu trò này mà ngay cả những người thân quen cũng bắt các em nhỏ hành nghề ăn xin để hòng thu lợi về mình. Đã từng có câu chuyện về cậu bé 8 tuổi ngồi trên xe lăn bị lợi dụng bắt đi ăn xin mỗi ngày tại ngã ba đường giáp quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai. Được biết, cậu bị bại liệt từ nhỏ, sống cùng người đàn ông lớn tuổi trong căn nhà trọ ở quận Hoàng Mai. Không rõ mối quan hệ của cậu và người đàn ông là gì, chỉ biết hàng ngày cậu đều được người đàn ông đẩy xe đưa đi ăn xin.

“Muốn xin được nhiều thì phải làm cho người ta thương. Muốn người ta thương thì phải mếu máo, khóc lóc, kể lể mà xin. Người ta không cho thì cứ nằm ra đường mà lăn, xin được càng nhiều càng tốt” - buổi sáng nào cậu bé cũng được dặn dò như vậy.

Thế nên, ngày nào cũng vậy, bất kể nắng hay mưa, cứ 7 giờ sáng, cậu bé được đẩy xe lăn đưa ra đường hành nghề. Khi em đã yên vị trên vỉa hè, người đàn ông thong dong đi uống trà ở gần đó. Thấy khoảng chục người bỏ tiền vào giỏ, hắn liền ra lấy hết tiền bỏ vào túi của mình. Tính ra mỗi ngày số tiền thu được lên đến cả triệu đồng. Đứng một chỗ chưa xong, người đàn ông lại đẩy cậu đi khắp đường cùng ngõ hẻm để ăn xin. Khi cậu buồn ngủ thì bị người đàn ông ra tát vào mặt, mắng và bắt tỉnh dậy. Mặc cho đói khát và mệt lả, có hôm 23 giờ đêm, cậu bé mới được đẩy xe đưa về nhà trọ ăn uống, nghỉ ngơi.

“Mô hình kinh doanh” chuyên nghiệp?

Dù cơ quan chức năng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc dẹp bỏ nạn ăn xin tại các thành phố lớn, nhưng cứ dẹp được chỗ này thì chỗ khác lại xuất hiện. Ở Hà Nội và TP HCM vẫn tồn tại không ít kẻ chuyên chăn dắt ăn xin. Chung tổ chức theo nhóm có thể từ 2, 5, 10 người, thậm chí có những tổ chức còn lên đến 30 người từ già đến trẻ. Dù là người già lưng còng, mắt yếu hay trẻ con non nớt, thơ dại cũng đều trở thành công cụ kiếm tiền của bọn chúng. Thử làm một bài toán nhỏ, nếu mỗi người xin được từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng thì một ngày chúng có thể kiếm được siêu lợi nhuận.

Đáng giận hơn, dù vậy nhưng những người ăn xin kể cả già, trẻ đều bị tịch thu hết số tiền xin được và mỗi ngày chỉ được vỏn vẹn 2 bữa cơm cùng chỗ ngủ qua đêm. Đó là đối với những trường hợp xin được đủ tiền theo yêu cầu, còn nếu không xin được hoặc xin đủ thì bị mắng chửi, thậm chí là đánh đập, nhịn đói qua đêm.

Vấn nạn ăn xin có tổ chức hay chăn dắt trẻ em đi ăn xin đã và đang bị xã hội lên án. Tuy vậy, vì lợi nhuận vẫn còn nhiều cá nhân đeo đuổi “mô hình kinh doanh” vô nhân đạo này. Nói đây là “mô hình kinh doanh” bởi đường dây của chúng vô cùng tinh vi, có cung, có cầu và đặc biệt là những người bị chăn dắt đều có hợp đồng làm việc riêng.

Theo như lời kể của người bị chăn dắt, có những người bằng cách này, cách khác, bị ép buộc, thậm chí tự nguyện làm việc cho các đối tượng chăn dắt ăn xin và hoàn toàn phụ thuộc vào sự sai khiến của đối tượng đó. Táo tợn hơn, bọn chúng còn ngang nhiên về những vùng quê nghèo để tuyển dụng thêm những “nhân lực ăn xin” kể cả già lẫn trẻ.

Không chỉ dừng lại ở đó, nhiều trường hợp cha mẹ ruột, người thân cũng ép buộc chính con, cháu của mình đi ăn xin. Họ sẵn sàng hy sinh tương lai, lợi dụng tuổi thơ của con mình để moi tiền từ sự mủi lòng của thiên hạ. Thế nên, cuộc đời của nhiều đứa trẻ trở thành những người ăn xin chuyên nghiệp, bị giam cầm bởi “bản hợp đồng” vô nhân tính từ những người lạ hoặc chính người thân của mình.

Xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe

Đó là ý kiến của ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi nói về tình trạng này. Theo ông Nam, hành vi “chăn dắt” trẻ em ăn xin trên đường phố, cho dù là người ngoài hay là cha mẹ các em cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Luật Trẻ em đã quy định, hành vi bóc lột trẻ, bắt trẻ ăn xin bị nghiêm cấm. Từ trước đến nay, cũng có rất nhiều vụ việc chăn dắt trẻ ăn xin được phát hiện, nhưng chúng ta chủ yếu xử lý bằng cách đưa các em trở về nhà, sau đó yêu cầu cơ quan pháp luật vào cuộc. Những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính nên chưa đủ sức răn đe, đặc biệt là đối với hành vi nhiều lần để trẻ lang thang, ăn xin có tổ chức.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, cần phải xử lý hình sự đối tượng chăn dắt ăn xin. Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Hình sự chưa có quy định nào về xử lý hình sự đối với hành vi chăn dắt ăn xin, mà hành vi này mới chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính theo các quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Khoản 3 Điều 27 của Nghị định này quy định người nào ngược đãi, lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như tổ chức, ép buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng.

Đúng như quan điểm của ông Đặng Hoa Nam, có thể thấy được với hình thức xử phạt như trên còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe những đối tượng này. Không những không bị xử lý hình sự mà mức phạt xử lý hành chính cũng quá ít so với lợi nhuận mà bọn chúng kiếm được. Và nếu như tình trạng này vẫn còn tiếp diễn và phát triển thì sẽ có ngày càng nhiều đứa trẻ đáng ra được đến trường đi học thì lại phải dãi nắng dầm mưa ngửa tay đi xin tiền. Thiết nghĩ, đã đến lúc trừng trị những đối tượng chăn dắt ăn xin bằng cách xử lý hình sự, để có thể giải quyết triệt để vấn nạn trên.

Có thể xử lý hình sự theo quy định tại nhóm tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm

Trả lời truyền thông về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, cần phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng này. Đồng thời, phải tìm cách đưa người ăn xin, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn, người khuyết tật vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Việc đưa người ăn xin không nơi cư trú vào chăm sóc ở các cơ sở xã hội là điều tốt nhất đối với họ nếu thực sự gặp khó khăn, không có khả năng lao động. Bên cạnh việc tuyên truyền, cần khuyến khích người dân thay vì cho tiền, khi phát hiện người ăn xin, lang thang nên tích cực thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết.

Nếu xác định được đối tượng chăn dắt bạo hành với người lệ thuộc; hành vi bắt, ép buộc người già, trẻ em đi ăn xin, làm công việc nặng nhọc, độc hại; đánh đập, gây thương tích với người lệ thuộc mình - nếu nạn nhân là ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình… còn có thể xử lý hình sự về tội phạm được quy định tại nhóm tội xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm tại Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 như tội Hành hạ người khác; tội Cố ý gây thương tích...

Ngoài ra, các đối tượng có hành vi vi phạm còn phải buộc xin lỗi khi có yêu cầu và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp đối với hành vi vi phạm, căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 590, Điều 592).

Đọc thêm