Nghệ nhân dành trọn đam mê với nghề làm dép lốp cao su

(PLVN) - Tiếng mài dao phát ra mỗi sáng từ căn nhà trong con ngõ nhỏ nằm trên phố Nguyễn Biểu (Hà Nội) đã trở nên quen thuộc với người dân quanh đây. Quá nửa đời người gắn với nghề làm dép lốp, nghệ nhân Phạm Quang Xuân vẫn luôn giữ trong mình được cái nhiệt và niềm đam mê với nghề.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân với công đoạn xẻ quai dép.
Nghệ nhân Phạm Quang Xuân với công đoạn xẻ quai dép.

Dấu tích của thời gian

Bước vào con ngõ nhỏ, chúng tôi bắt gặp nghệ nhân Phạm Quang Xuân (SN 1942) đang cặm cụi tỉ mẩn cắt gọt tạo hình cho chiếc quai dép cao su. “Xưởng” làm việc của ông Xuân chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10m2 nhưng chồng chất các dụng cụ và lốp xe. 

Nghệ nhân Phạm Quang Xuân chia sẻ, gia đình ông có truyền thống làm dép, ông bắt đầu phụ bố làm dép từ năm 12 tuổi, đến năm 1965 lần đầu tiên ông bắt đầu làm dép lốp tại xí nghiệp Bách Hóa cấp 2, 45 Hàng Bồ, Hà Nội. 

Dù đã gần 80 tuổi, nhưng đôi tay ông Xuân vẫn rất khéo léo khiến những miếng cao su “cứng đầu” trở nên thuần phục, ngoan ngoãn. Con dao sắc bén chạy theo những đường cong đã được vẽ trước, cắt ngọt tấm cao su thành hình đế dép, rồi lại thoăn thoắt đục những rãnh, đục lỗ xỏ quai.

Ông Xuân tâm sự: “Ngày trước chỉ có cán bộ mới được đi dép lốp, mỗi ngày xưởng sản xuất được tầm 300-400 đôi”. Tuy nhiên, sau giải phóng, những đôi dép lốp dần không còn được ưa chuộng nên xí nghiệp giải thể. Vì cuộc sống mưu sinh, ông Xuân buộc phải bỏ nghề, chuyển sang làm các công việc khác như khâu bóng, sửa đồng hồ, trang trí nội thất, cơ khí...

Con ngõ nhỏ chất đầy nguyên liệu làm dép lốp.
Con ngõ nhỏ chất đầy nguyên liệu làm dép lốp.  

Thế nhưng máu yêu nghề vẫn chảy trong tim. Đến năm 1999, nhớ nghề, ông Xuân đã quyết tâm quay lại với nghề. Với ông, đó không chỉ là đôi dép đơn thuần mà đó còn mang ý nghĩa lịch sử xã hội. 

Cùng với bộ trang phục giản dị, đôi dép cao su đã trở thành biểu tượng về đức tính khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đôi dép lốp đã trở thành huyền thoại gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như bộ đội ta trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. 

Lúc đầu, ông chỉ làm dép để đi và tặng bạn bè. Dần dần mọi người biết đến và hỏi mua nhiều hơn nên ông sản xuất để bán cho đến nay.

Giữ thương hiệu 

“Bản thân tôi đi mua hàng, tôi cũng muốn hàng phải tốt, áp dụng vào đôi dép này tôi cũng muốn như thế, phải làm sao cho mọi người đi thật thoải mái”, ông Xuân tâm sự. Với quan niệm như vậy, ông luôn đặt hết cái tâm của mình vào từng sản phẩm, nắn nót tỉa tót từng chút một để hàng đến tay khách hàng phải thật chuẩn, bền và đẹp. 

Với hơn 70 dụng cụ tự chế, những đôi dép cao su được nghệ nhân Phạm Quang Xuân làm thủ công, từ phá lốp, cho đến cắt gọt, làm đế, đóng quai… Những đôi dép được làm hoàn chỉnh do làm thủ công nên bề mặt không đều, có đường viền khắc chìm xung quanh, dưới đế có các ô để dán quai thừa, có rãnh thoát nước, đầu dép được làm cong, quai dép to và dầy.

Ông Xuân cho biết, công đoạn khó nhất để tạo nên đôi dép lốp là lên quai. Quai dép phải đủ độ cong, trơn nhẵn, ôm chân. Khi làm quai ông liên tục ướm thử vào chân đến khi êm ái vừa vặn là đạt yêu cầu. Khoảng 3 giờ đồng hồ miệt mài là ông cho ra đời một sản phẩm. Cầm đôi dép trên tay mới thấy được bao nỗ lực tâm huyết của người nghệ nhân già.

Không làm theo một kiểu mẫu có sẵn, ông Xuân thỏa sức sáng tạo, thổi hồn vào những miếng cao su và đáp ứng những yêu cầu của từng khách hàng. Đặc biệt ông đặt tên cho hai mẫu dép là dép Bác Hồ và dép Bác Giáp. Chúng được mô phỏng theo đôi dép mà Bác Hồ và Bác Giáp từng sử dụng. Những đôi dép lốp kiểu sandal tiện lợi, đi nhẹ và êm, chịu nước, bảo vệ bàn chân kể cả khi dẫm lên mảnh chai, thép gai, lửa đỏ. Đôi dép này được xem như là một trong những biểu tượng về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Xuân đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu kỹ càng hình mẫu đôi dép Bác Hồ cùng với những kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm trong nghề để có thể mô phỏng chính xác đôi dép ấy. Năm 1970, ông là một trong 5 người tham gia làm 10 đôi dép Bác Hồ theo đặt hàng của bảo tàng Hồ Chí Minh, để trưng bày tại các bảo tàng trên toàn quốc. Hiện những đôi dép này đang được trưng bày tại Phủ Chủ tịch và bảo tàng Hồ Chí Minh.

Điều đặc biệt hơn nữa là từ năm 2012, mỗi đôi dép do gia đình ông Xuân làm ra lại được khắc vào lòng dép hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Về cơ duyên ra đời của ý tưởng này, nghệ nhân Hà thành cho biết: "Tình cờ có khách du lịch nước ngoài biết và tìm đến nhà tôi để đặt làm một đôi dép. Khi làm xong thì họ đề nghị tôi khắc một hình kỷ niệm để nhớ về Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi nghĩ ngay ra hình ảnh bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hình ít thôi nhưng mà nói được nhiều. Họ thích lắm. Từ chỗ một người thích đó thì nhiều người thích".

Ngoài những mẫu dép huyền thoại có nhiều bạn trẻ mang những mẫu dép thời trang đến muốn ông làm giống nhưng là chất liệu lốp cao su. Bất kỳ mẫu gì ông cũng đều làm được và còn sáng tạo thêm nhiều kiểu dáng để phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện thời.

Trải qua hơn nửa thế kỉ làm dép lốp, tình yêu bền bỉ của người nghệ nhân già đã vô tri vô giác ngấm người con rể Nguyễn Tiến Cường của ông lúc nào không hay. Rồi anh đã quyết định từ bỏ vị trí phó giám đốc của một công ty phần mềm kế toán để quay về phụ giúp bố. Anh Cường chia sẻ muốn đưa đôi dép lốp cao su trở thành một di sản của Việt Nam, đồng thời muốn tạo ra một bảo tang dép lốp để du khách ở khắp mọi nơi trên thế giới đến để biết về lịch sử oai hùng bộ đội cụ Hồ thông qua chặng đường của đôi dép lốp.

Đọc thêm