Nghệ nhân đất Kinh Bắc “vực dậy” gốm cổ Luy Lâu

(PLO) - Gốm cổ Luy Lâu ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là một trong những dòng gốm xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà gốm cổ Luy Lâu đối mặt với sự lụi tàn và nguy cơ trở thành phế tích. Trước hoàn cảnh ấy, anh Nguyễn Đăng Vông ở thôn Mãn Xá, xã Hà Mãn đã ra sức khôi phục và phát triển dòng gốm độc đáo này...

Một trong những sản phẩm gốm cổ dân gian được anh Vông lưu giữ.
Một trong những sản phẩm gốm cổ dân gian được anh Vông lưu giữ.
Tình yêu khiến gốm cổ Luy Lâu trỗi dậy
Con đường khiến anh Vông đến với gốm Luy Lâu như một định mệnh. Tình yêu gốm nhen nhóm khi anh còn là một cậu bé, từng chứng kiến ông nội làm những con vật bằng đất nung rồi mang ra chợ quê bán. Trong những năm 1976-1980 anh Vông đã theo học tại Trường Văn hóa nghệt thuật Hà Bắc. 
Thời gian đó, anh Vông có dịp theo chân các nhà khảo cổ đi khai quật, tìm kiếm di chỉ dòng gốm Phùng Nguyên, Đông Sơn. Anh  thấy gốm cổ đẹp nên đã nhen nhóm ý tưởng muốn khôi phục dòng gốm cổ Luy Lâu vốn đã bị quên lãng. Và ý tưởng đó chính là động lực để anh quyết tâm khôi phục gốm cổ Luy Lâu, biến nó thành điều hiện thực.
Sau khi có ý tưởng, anh Vông lang bạt khắp nơi như ở làng gốm Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng, Luy Lâu… Trong thời gian này, anh đã học hỏi và tìm hiểu được nguồn gốc cũng như những tinh túy từ nghề gốm của ông cha. Anh còn tìm đến các nhà khảo cổ học, trong đó có cả cố Giáo sư Trần Quốc Vượng để hiểu biết sâu sắc về vùng đất Hà Mãn. Ngoài ra, anh còn nghiên cứu các tài liệu lịch sử về gốm cổ trong các triều đại phong kiến để vận dụng có sáng tạo vào ý tưởng của mình.
Trải qua những năm tháng học hỏi, anh Vông nhận thấy rằng gốm Luy Lâu ở ngay tại quê hương mình. Chính chất đất của quê hương sẽ là nơi hội tụ tinh hoa gốm cổ Luy Lâu, nó sẽ tạo ra sự khác biệt so với các dòng gốm khác như Bát Tràng, Phùng Nguyên, Đông Sơn. Sau khi lĩnh hội đầy đủ gốm cổ của dân tộc, anh đã chính thức bắt tay vào việc khôi phục dòng gốm cổ Luy Lâu lạ, “độc” này vào năm 1993. 
Ban đầu anh tận dụng chính đất trong khu vườn của gia đình mình nên các sản phẩm tạo ra chưa thực sự thu hút được khách hàng vì không có điểm nhấn. Anh Vông tiếp tục khắc phục điểm yếu và cuối cùng các tác phẩm của anh cũng được thị trường đón nhận.
Khi đã có đầy đủ các điều kiện, vào năm 2006 anh Vông đã thành lập Hợp tác xã Gốm Mỹ nghệ Luy Lâu với số vốn ban đầu là 250 triệu đồng. Với ý tưởng của mình, anh Vông đã thuê 30 người phụ để tạo dựng gốm cổ Luy Lâu. Từ đó, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông càng được nhiều người biết đến.
Anh Nguyễn Đăng Vông cần mẫn tạo dựng sản phẩm của mình
 Anh Nguyễn Đăng Vông cần mẫn tạo dựng sản phẩm của mình 
Gốm Luy Lâu trỗi dậy như một phép màu
Bẵng đi hàng nghìn năm, gốm cổ Luy Lâu bỗng “trỗi dậy” như một phép màu trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Gốm cổ Luy Lâu thực sự đã thu hút các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa tìm đến. Bởi các dòng gốm cổ mà anh Vông phục dựng đều có mẫu và niên đại cách đây trên dưới 2000 năm, vì nó còn gắn với dấu tích của chùa chiền, dinh thự, đền đài từng vang bóng một thời ở vùng đất  Kinh Bắc.
Những nhà văn hóa, khảo cổ học khi đến với anh, họ cũng đã nghiên cứu các dòng gốm thuộc khu vực Hà Mãn, Bãi Nổi, Thanh Khương, Nguyệt Đức… Và họ đã thấy được nét tương đồng trong dòng gốm Luy Lâu mà anh Vông tạo dựng. Các nhà khảo cổ còn bảo rằng, các mẫu gốm của anh Vông đều được “phù phép” bởi chất men màu xanh ô-liu trong veo, rất hợp với phong thủy của nước Việt.
Theo anh Vông, khi nhà Hán sang đô hộ nước ta, họ đã sử dụng đất Luy Lâu để dựng thành. Đất Luy Lâu khác hẳn so với các loại đất nơi khác vì khi đắp tường nhà, xây lũy, không bị xói lở hay bào mòn, kể cả để một nghìn năm. Xưa kia các cụ còn phơi đất Luy Lâu ở ngoài trời hàng chục năm để tăng độ bền. 
Sau khi đất đã thoát khí, các cụ mới đem đất này nặn thành các sản phẩm như bình, lọ, chum… và khi nung lên đều không hề bị rộp, nứt. Mặc dù gốm cổ Luy Lâu đã trải qua hàng nghìn năm nhưng nó vẫn là một sản phẩm mẫu mực về kỹ thuật.
Gốm cổ Luy Lâu có chất men tự nhiên như chế từ bùn đất của sông Dâu, tro than đốt từ thân cây dâu mọc trên đất phù sa, thêm chút sỏi đá của vùng rừng, vỏ sò, vỏ điệp của biển mới biến thành. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, màu và chất liệu của men có vẻ lạ mắt, dễ làm cho người xem liên tưởng đến một dòng gốm có màu xanh ngả bí của xã Thiệu Dương (Thanh Hóa). 
Bởi giữa 2 dòng gốm này rất khó để phân biệt. Và khi xem ai cũng nghĩ rằng đây là dòng gốm thuộc vùng Thiệu Dương, Thanh Hóa xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Và niên đại của gốm cổ Luy Lâu có lẽ cũng đồng một niên đại như vậy.
Anh Vông cho biết: “Để làm nên một sản phẩm gốm Luy Lâu đẹp và chất lượng cần chú trọng các yếu tố “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò”. Chọn được loại đất tốt (xương) và làm nên men đẹp (da) đòi hỏi sự tinh tế, cẩn thận của người làm nghề. Cuối cùng là chú ý đến nhiệt độ nung, tức là “dạc lò”. Người giỏi nghề chỉ cần nhìn vào màu lửa là có thể biết được thời điểm gốm chín và loại đất nào có độ nung cao hay thấp, đất Luy Lâu có nhiệt độ nung cao, thường là khoảng 1.200 độ C”.
Đầu rồng từ thời nhà Lý, vật biểu trưng cho dòng gốm cổ Luy Lâu.
Đầu rồng từ thời nhà Lý, vật biểu trưng cho dòng gốm cổ Luy Lâu.
Nặng tình với nghề gốm
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông trẻ hơn nhiều so với tuổi U60 của mình. Anh trẻ vì có tâm hồn nghệ thuật, lãng mạn và phóng khoáng với đời. Anh Vông có mái tóc dài búi ở phía sau, cách giao tiếp lịch lãm khiến ai mới gặp cũng để lại ấn tượng mạnh bởi sự đam mê, tâm huyết vô bờ bến của anh với nghề làm gốm. 
Anh Vông tâm sự: “Có được sự thành công hôm nay, tôi đã trải qua không ít khó khăn, thách thức. May mắn tôi được sự động viên của Tiến sỹ Vũ Thế Long – nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường (Viện Khảo cổ học Việt Nam), một phần cũng là do sự đam mê gốm từ nhỏ. Và tôi đã bỏ con đường hội họa, dành hết thời gian, tâm sức cho gốm cổ Luy Lâu vốn đã bị chìm vào quên lãng”.
Một trong những sản phẩm mà anh Vông ưng ý nhất là “Ngọc bình”, kiệt tác  được anh trưng bày trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Ngọc bình” được sử dụng chất liệu gốm cổ Luy Lâu, làm trong khoảng thời gian 6 tháng, tác phẩm cao 3,5 mét và nặng 2 tấn. Mới đây nhất, tác phẩm “Đầu rồng” của nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông vừa được trưng bày tại Triển lãm sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu, chào mừng chương trình Fesival Bắc Ninh 2014. Và đó cũng là tác phẩm thứ 2 anh Vông rất ấn tượng.
Đã qua hơn nửa đời người nhưng anh Nguyễn Đăng Vông vẫn miệt mài, tỉ mẩn nắn nót những thớ đất làm nên các tác phẩm đạt đến độ hoàn mỹ. Càng đam mê, anh càng tìm thấy cái hay, cái kỳ diệu trong thớ đất vô tri vô giác ấy. Từng ấy năm tạo dựng gốm cổ Luy Lâu, dưới lăng kính của một nghệ nhân, nghệ sỹ, cái triết lý mà anh lĩnh ngộ được là các tác phẩm của mình đều thể hiện giá trị chân - thiện - mỹ./.

Đọc thêm