Những tác phẩm “có một không hai”
Nhà ông Trúc, từ ngoài cổng vào trong nhà đâu đâu cũng thấy gốc cây, rễ cây với nhiều hình thù khác nhau. Đam mê nghệ thuật gỗ lũa, ông đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua những gốc gỗ mục. Nhiều người lúc đầu còn cho rằng ông “hâm dở” nhưng mặc cho người khen, kẻ chê, ông vẫn tâm huyết với niềm say mê của mình.
Nét độc đáo và hấp dẫn của gỗ lũa là trước một tác phẩm, người xem có những cảm nhận và tưởng tượng khác nhau. Vẻ đẹp ấy chính là sự kết hợp giữa thiên nhiên với óc sáng tạo và trí tưởng tượng của con người. Từng nét chạm khắc đòi hỏi người thợ phải có sự kiên nhẫn, gọt giũa tỉ mỉ. Từ những gốc cây, rễ cây thô mộc xấu xí, với ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, ông Trúc đã tạo ra những tác phẩm mang hình dáng, họa tiết độc đáo.
Đứng trước con đại bàng tung cánh được tạo ra từ lõi cây muồng, cao 3m, dài 2m, chúng tôi trầm trồ ngợi khen. “Nhờ trời thương nên mới cho tôi cái duyên với tác phẩm nghệ thuật độc đáo này. Đây là tác phẩm tôi rất thích và đã lưu giữ hơn 15 năm nay”, ông Trúc lý giải về may mắn của mình khi ngẫu nhiên tìm được tác phẩm này.
Hơn 15 năm về trước, ông Trúc đi dự đám giỗ ở xã bên, gặp một người bạn cho biết đang chuẩn bị bổ củi một khúc gỗ. Ông tìm đến thì thấy một gốc cây muồng có hình dáng đẹp đã bị chẻ mất một miếng liền hỏi mua. Gốc lũa này sau đó được ông rửa sạch hết đất bám tạo tác thêm vài chi tiết thành hình một con đại bàng lớn đang tung cánh rất đẹp. Mới đây, có người hỏi mua với giá 250 triệu nhưng ông nhất quyết không bán.
Nhìn tượng Hoàng đế Quang Trung đầy đủ áo mão cân đai, tay vung kiếm, ngồi trên lưng ngựa trong tư thế chồm lên phi nước đại, không ai có thể nghĩ đây là tác phẩm hoàn toàn do thiên nhiên tác tạo. Càng khó tin khi biết đó là lõi trong một bọng cây bằng lăng. Khi chẻ ra, trí tưởng tượng của ông Trúc thấy rõ ràng hình tượng vua Quang Trung, chỉ cần đục bỏ những phần thừa là có một tác phẩm hoàn hảo, sống động.
Càng ngắm nghía những tác phẩm gỗ lũa của ông Trúc, chúng tôi càng thán phục bàn tay tác tạo. Ví như con rồng bay dài 3m, cao 1,7m, nặng 120kg được tạo tác từ rễ cây bằng lăng với đầy đủ đầu, thân, đuôi, râu, vảy, chân. Thế uốn lượn tự nhiên của rễ cây đã tạo nên vẻ đẹp hết sức mềm mại uyển chuyển của rồng gỗ lũa như khi đang bay. Tác phẩm này đã ngốn mấy tháng trời thời gian của ông vì phải bóc vỏ, đục bỏ nhiều phần thừa để phần gỗ còn lại tạo hình rõ nét con rồng đang bay.
Đặc biệt, tác phẩm gỗ lũa hình bản đồ Việt Nam đã làm chết mê chết mệt người thưởng ngoạn. Không biết gốc cây tò te bị mối mọt ăn kiểu gì, mà phần gỗ còn lại ở giữa bọng cây tạo hình nên hình chữ S, trông như bản đồ Việt Nam rất sắc nét.
“Nhiều người trả giá, nhưng với tôi nó là vô giá. Đó là tác phẩm có một không hai. Tác phẩm này nhiều lần được Hội Sinh vật cảnh Bình Định chọn tham gia Festival và nhận được nhiều Bằng khen xuất sắc”, ông Trúc chia sẻ.
Đối với người nông dân như ông Trúc thì tiền rất cần, nhất là với một gia đình đông con nhưng những tác phẩm “máu thịt” của ông như bản đồ Việt Nam, tượng Hoàng đế Quang Trung, đại bàng tung cánh, rồng bay, hang Đức Mẹ, bộ tứ linh long - lân - quy - phụng… dù người ta trả mua bao nhiêu cũng không bán.
“Sáng tạo tác phẩm vào lúc… 1 giờ sáng”
Cơ duyên đến với nghệ thuật gỗ lũa của ông Trúc bắt đầu vào năm 1997. Khi ấy, trong một lần lên TP.Pleiku (tỉnh Gia Lai) thăm người dượng, ông được bảo ở lại làm mộc. Chính thời gian này đã cho ông cơ hội tiếp xúc với những tấm ván có lõi rất đẹp, những gốc cây được thiên nhiên tạo hình sống động. Cộng với trí tượng tưởng, trong ông bỗng trỗi dậy niềm đam mê và theo nó từ đó.
Hơn 20 năm chơi gỗ lũa, ông Trúc đã có rất nhiều chuyến lên rừng, đến tận các huyện miền núi của tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, lang thang dọc các sông suối ròng rã suốt nhiều tháng liền để tìm gỗ lũa. Gỗ lũa thường xuất hiện vào mùa mưa lũ, bởi nước từ thượng nguồn kéo theo những gốc cổ thụ chảy về các sông. Thời gian này, đường vào suối còn khó khăn nhưng vì đam mê nghệ thuật nên ông chẳng ngại gian khổ.
Theo ông Trúc, gỗ lũa có ba dạng: được khai thác từ lòng đất, ngâm trong bùn nước và phơi trước gió mưa. Lũa nằm trong lòng đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thuỷ; ngâm trong bùn có màu như mun, như sừng; phơi trước gió là loại quý hiếm nhất vì có những đường vân sóng rất đẹp, phơi bày những lõi kỳ mộc quý giá.
Tìm được gỗ lũa đã khó, tạo hình cho nó còn khó hơn nhiều bởi phải phụ thuộc vào hình dáng ban đầu của lũa. Nguyên liệu từ loại gỗ này là do thiên nhiên ban tặng, ông Trúc chỉ chỉnh sửa chút ít để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật trên cơ sở tôn trọng dáng hình có sẵn.
Để có những tác phẩm hoàn chỉnh, tinh tế, ngoài chút năng khiếu của bản thân, ông Trúc còn nghiên cứu rất kỹ khẩu độ, trạng thái, hình thái, vị trí để mô phỏng, làm sao chuyển được cái “thần” vào tác phẩm. Chính vì vậy, vẻ đẹp tác phẩm của ông không phụ thuộc vào kích cỡ mà là ở giá trị nghệ thuật, sự kết tinh từ đôi bàn tay, khối óc con người.
“Vẻ đẹp của gỗ lũa thường ẩn giấu, nên người tạo tác phải có con mắt quan sát tinh tường, liên tưởng phong phú, mới phát hiện ra được. Tôi thường có sáng tạo tác phẩm vào lúc… 1 giờ sáng. Đó là khoảng thời gian yên tĩnh nhất mà mình có thể tìm được mối giao cảm với gỗ lũa. Nhiều lúc phát hiện ra ý tưởng, tôi hứng khởi làm luôn đến sáng và suốt ngày sau đó đến quên cả ăn uống.
Chẳng hạn như tác phẩm con rồng bay, tôi phải ngày đêm suy nghĩ ý tưởng và tạo tác mất gần 3 tháng trời, nên cơ thể suy kiệt và đổ bệnh đau đầu. Sau đó, tôi buộc phải tạm ngừng chơi gỗ lũa trong 2 năm, khi đã khỏe mạnh lại, mới dám tiếp tục theo đuổi đam mê”, ông Trúc tâm sự.
Ông Trúc bảo, gỗ lũa nghệ thuật có nét tương đồng với điêu khắc tạc tượng, song nó phong phú đa dạng hơn nhiều. Có được sự điều chỉnh của bàn tay con người, gỗ lũa có cuộc đời thứ hai bền chắc và có ý nghĩa hơn. Bởi lẽ, nó mang nặng sự gửi gắm tình cảm, hoài niệm trí tưởng tượng và tình yêu bền vững.