Nghề săn lộc trời trên sông Đồng Nai

(PLVN) -Từ bao đời nay, trên sông Cái, một nhánh đổ ra sông Đồng Nai nơi đây có cảnh đẹp huyền ảo, thơ mộng, hữu tình, chảy ôm quanh qua Cù lao Cỏ, Cù lao Phố, không chỉ là vùng đất non xanh nước biếc mà còn mang tới thứ sản vật trời ban đó là tôm càng xanh.
Con sông Đồng Nai thơ mộng chảy bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên, đến địa phận TP Biên Hoà thì tách làm đôi, ôm lấy Cù lao Phố. Phía nhánh ngoài nước lớn (gọi là sông Cái) tàu thuyền qua lại tấp nập, phía nhánh trong nước êm (gọi làsông Ngách) được người dân đóng bè, nuôi cá, làm giàu từ những sản vật thiên nhiên mang đến.

Từ dòng sông này, tôm càng xanh được ví như thứ lộc trời ban, chính vì vậy, lặn bắt tôm càng xanh trở thành nghề mưu sinh của biết bao thế hệ người dân sống bám vào sông.

Không biết nghề này xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết những người làm nghề này đều là đàn ông. Đồ nghề đơn giản chỉ là chiếc xỉa 3 dài bằng cánh tay, kính lặn, ống thở, túi lưới đựng tôm.

Trời trưa đứng bóng, nắng đổ xuống sông vàng, bị sóng kéo dài thành những vệt như trải bạc trắng cũng là lúc anh Vũ Thanh Nguyên (35 tuổi) cho chiếc xuống máy chạy từ từ rồi dừng lại. Chỉ sau vài thao tác chuẩn bị nhanh chóng, động cơ xuồng máy được biến thành máy nén, anh Nguyên đội đèn pin chống nước, mắt đeo kính lặn, tay cầm chĩa, từ từ chìm xuống dòng nước.

Vài phút sau, những con tôm càng xanh lớn gần bằng 3 ngón tay người lớn, tươi rói, nằm gọn trong bàn tay anh Nguyên. Người đàn ông nhanh chóng bỏ tôm vào khoang xuồng rồi lại tiếp tục lặn xuống. Chỉ vài lượt, số tôm đã nhiều lên, lớn có, nhỏ có đua nhau búng tach tách, bắn nước tung toé, báo hiệu cho một buổi “săn tôm” bội thu.

Những con tôm sau mỗi chuyến đánh bắt được đưa đến các nhà hàng, cơ sở ăn uống tiêu thụ, vì độ tươi và ngon nên món tôm càng xanh được nhiều thực khách lựa chọn thưởng thức.

Gắn bó với nghề lặn tôm gần 50 năm, ông Nguyễn Văn Hưng (61 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hoà) kể: ngày trước tôm ở đây nhiều vô kể, mỗi chuyến đi lặn chừng một giờ cả 5-7 kg là chuyện bình thường, nhưng nay do bị chích điện, thả thuốc nên không còn như xưa.

"Tôm cá ít, nước ô nhiễm, phần khác lên bờ chọn nghề dễ dàng hơn, tiền nhiều hơn nên vì vậy nghề lặn tôm cũng thưa dần” Nguyễn Văn Viễn nói (85 tuổi, ngụ phường Tân Mai, TP Biên Hoà).

Đọc thêm