Phú Thọ: Chương trình OCOP thúc đẩy kinh tế nông thôn

(PLVN) - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo ra một làn gió mới cho kinh tế nông thôn của tỉnh Phú Thọ, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế tại địa phương, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

Sau 5 năm triển khai, Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP

Phú Thọ bắt đầu triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào năm 2019 với trọng tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế tại mỗi địa phương, qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Thực hiện chương trình OCOP, những năm qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP được nâng lên rõ rệt.

Sau 5 năm, chương trình đã dần lan toả và có đóng góp rất tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn tại địa phương. Số lượng sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng lên hàng năm.

Các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024. Ảnh: Cổng TTĐTCác đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024. Ảnh: Cổng TTĐT

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn hạng 5 sao; 54 sản phẩm đạt chuẩn hạng 4 sao và 182 sản phẩm đạt chuẩn hạng 3 sao. Có 161 chủ thể tham gia chương trình, trong đó có 24 công ty/doanh nghiệp; 82 HTX/THT, 55 hộ/cơ sở sản xuất của 126/225 xã, phường, thị trấn. Về hình thành chuỗi giá trị, toàn tỉnh đã có 99 sản phẩm đạt chuỗi giá trị, chiếm 42% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh.

Các sản phẩm chủ lực thuộc chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ như: mì gạo Hùng Lô; thịt chua Thanh Sơn; chè Long Cốc; gạo nếp gà gáy Mỹ Lung; bưởi Đoan Hùng… đã xây dựng được thương hiệu trên thị trường. Không chỉ cạnh tranh hiệu quả trên các kệ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các sản phẩm OCOP của tỉnh Phú Thọ hiện cũng rất được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử. Chưa dừng lại ở đó, rất nhiều sản phẩm đã được xuất bán ra thị trường nước ngoài đang góp phần đưa thương hiệu nông sản truyền thống của tỉnh Phú Thọ vươn xa.

Sản phẩm OCOP Phú Thọ đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.Sản phẩm OCOP Phú Thọ đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Nỗ lực mở rộng thị trường

Để đạt được những kết quả này, từ nhiều năm qua, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm triển khai và đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Trong đó, tỉnh chú trọng xây dựng và hình thành các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia thường niên; có kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của địa phương.

Nhằm mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, ngành Công thương tỉnh Phú Thọ cũng đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, hội chợ nông sản gắn với nhiều dịp lễ hội lớn. Trong đó, vào tháng 4/2024, trong khuôn khổ Chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng, sở Công Thương tỉnh Phú Thọ phối hợp với UBND TP.Việt Trì đã tổ chức Hội chợ Thương mại và Sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024. Hội nghị được tổ chức thành công đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương quảng bá hình ảnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm OCOP.

Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn như: WinMart, Co.opMart… Tính riêng tại siêu thị Co.opMart Việt Trì, hiện siêu thị đang bày bán hơn 30 sản phẩm OCOP của địa phương với các mặt hàng như: Mì gạo, rau an toàn, thịt chua, chè xanh...

Xác định thương mại điện tử là công cụ xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP hiệu quả với chi phí thấp, không phụ thuộc vào không gian và thời gian, ngành Công thương tỉnh Phú Thọ cũng đã khai thác lợi thế để quảng bá sản phẩm thông qua việc duy trì đưa sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử như: Giaothương.net.vn; nongsan.phutho.gov.vn; Agritech Expo; Postmart-VNPost và trên hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP Quốc gia (Ocopvietnam.gov.vn), phát triển Sàn giao dịch thương mại điện tử giaothương.net.vn với 309 gian hàng, 956 sản phẩm dịch vụ.

Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương.Toàn tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương.

Cùng với đó, ngành Công thương đã duy trì một điểm trưng bày giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công thương - Sở Công thương, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, doanh nghiệp xây dựng trên 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại thành phố Việt Trì và các huyện, thị.

Nhằm tìm kiếm các cơ hội đưa nông sản vươn xa, tỉnh Phú Thọ còn thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường cho sản phẩm chủ lực của tỉnh tham gia vào thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục quan tâm, kết nối, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP trong khu vực ra thị trường thế giới. Thời gian qua, rất nhiều sản phẩm OCOP của Phú Thọ như chè, mì gạo, bưởi… đã được “xuất ngoại” tới các thị trường như Nhật Bản, Nga, Đài Loan, các nước EU…

Theo kế hoạch của tỉnh Phú Thọ, năm 2024, tỉnh huy động 12 tỷ đồng nhằm phát triển các sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thu hút thêm khoảng 10 doanh nghiệp, 25-30 hợp tác xã, tổ hợp tác và 25-30 cơ sở kinh doanh cá thể, hộ gia đình tham gia tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP; có thêm 35-40 xã có sản phẩm tham gia; phát triển thêm 6-8 chuỗi giá trị sản phẩm OCOP có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; phấn đấu tỷ lệ sản phẩm OCOP được liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đạt trên 50%.

Đọc thêm