Phát triển sản phẩm OCOP từ tiềm năng và lợi thế của Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Hiện, các ngành, các cấp trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút, khuyến khích chủ thể tham gia xếp hạng 3 sao. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về đạt chuẩn 4 sao, 5 sao.

Nâng hạng thịt cua và tôm khô sinh thái OCOP 5 sao

Hơn 5 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đã có sức lan tỏa sâu rộng đến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Qua các tiêu chí đánh giá, sản phẩm được công nhận OCOP càng khẳng định chất lượng, vị thế trên thị trường, củng cố lòng tin về uy tín của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao theo đó được đánh giá bởi hội đồng các cấp.

Mục tiêu trong năm 2024, dự kiến Cà Mau sẽ có 22 sản phẩm của 13 chủ thể đăng ký tham gia nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; 9 sản phẩm của 6 chủ thể nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.

Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm đã chuẩn bị cơ bản các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao (thịt cua và tôm khô sinh thái).

Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm đã chuẩn bị cơ bản các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao (thịt cua và tôm khô sinh thái).

Hiện nay, trên địa bàn huyện Năm Căn có 2 sản phẩm được chứng nhận Nhãn hiệu, gồm: Nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” và Nhãn hiệu Chứng nhận “Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau”.

Theo đó, cua Năm Căn - Cà Mau” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận năm 2015, đến nay có 9 thành viên tham gia sử dụng (trong đó, có 3 Công ty, 3 HTX và 3 cơ sở). Hiện, huyện cũng đã xây dựng Website quảng bá đối với nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau” trên cổng thông tin điện tử của huyện.

Nhìn chung, nhờ Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nên sản phẩm cua Năm Căn đạt và duy trì chất lượng sản phẩm OCOP 3 Sao; có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP 4 Sao trong đợt đánh giá phân hạng OCOP sắp tới.

Bà Mai Thị Thùy Trang - Giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn) cho biết: “Đợt này, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm đăng ký nâng hạng 2 sản phẩm là thịt cua và tôm khô sinh thái. Đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã đã chuẩn bị cơ bản các tiêu chí để hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao như sản phẩm phải đủ điều kiện liên kết xuất khẩu, mở rộng cơ sở hạ tầng, đảm bảo vùng nuôi, các tiêu chí đều đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm duyệt và cấp chứng nhận”.

Bánh phồng tôm Vĩnh Hòa Phát nâng hạng OCOP 4 sao lên 5 sao

Bánh phồng tôm phơi sau khi tráng.

Bánh phồng tôm phơi sau khi tráng.

Bánh phồng tôm phơi đến khi khô ráo, đạt độ dẻo nhất định sẽ được cắt thủ công thành những miếng nhỏ rồi lại đem phơi thêm 1 ngày nắng.

Bánh phồng tôm phơi đến khi khô ráo, đạt độ dẻo nhất định sẽ được cắt thủ công thành những miếng nhỏ rồi lại đem phơi thêm 1 ngày nắng.

Đối với Chứng nhận Nhãn hiệu Bánh phồng tôm Hàng Vịnh - Cà Mau được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu theo Quyết định QĐ-SHTT ngày 6/3/2023 giao UBND huyện Năm Căn làm chủ sở hữu, hiện nay, huyện đã cấp quyền sử dụng cho 3 Chủ thể sử dụng là Công ty TNHH sản xuất Kiên Cường, Công ty Xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát, và Cơ sở sản xuất Phúc Nhân (trên địa bàn xã Hàng Vịnh).

Thời gian tới, nâng hạng sản phẩm đạt OCOP 5 sao theo Kế hoạch của UBND tỉnh (Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh) đang được các Sở, ngành tỉnh hỗ trợ nâng hạng sản phẩm bánh phồng tôm đạt OCOP 5 sao trong năm 2024).

Ông Mai Sáu - Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) cho biết: “Tham gia nâng hạng sản phẩm từ 4 sao lên 5 sao là cơ hội để sản phẩm của Công ty hoàn thiện các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm.

Ngoài những yêu cầu chứng nhận về chất lượng đạt tiêu chuẩn của sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận ISO, HACCP, đủ điều kiện từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến quá trình xuất sản phẩm.

Các quy trình đều được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định. Đến thời điểm này, Công ty đã cơ bản đáp ứng yêu cầu để đánh giá 5 sao, hoàn thiện các điều kiện cần thiết để tham gia nâng hạng”.

Quy trình cắt, sấy bánh phồng tôm của cơ sở Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).

Quy trình cắt, sấy bánh phồng tôm của cơ sở Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn).

Hiện, huyện Năm Căn có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 5 sản phẩm đạt 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Ngoài ra, huyện đang xem xét, công nhận thêm 6 sản phẩm OCOP 3 sao của 4 chủ thể (sẽ công nhận trong tháng 8/2024). Trong đó, có 2 sản phẩm cua và bánh phồng tôm đã xuất khẩu qua các nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Malaysia…

Tuy nhiên, sản phẩm cua chủ yếu là đường tiểu ngạch. Với lợi thế Nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý nên sản phẩm cua Năm Căn đạt và duy trì chất lượng sản phẩm OCOP 3 Sao, có tiềm năng hạng 4 Sao trong thời gian tới và hướng đến xuất khẩu chính ngạch.

Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Phúc Nhân (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Cơ sở sản xuất bánh phồng tôm Phúc Nhân (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn) được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Ông Trần Đoàn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Năm Căn cho biết: “Để phát huy có hiệu quả việc sử dụng và quản lý tốt thương hiệu, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các ngành có liên quan tổ chức tuyên truyền cho các thành viên tham gia sử dụng Nhãn hiệu bằng các hình thức phù hợp; Trong đó, tập trung vào các nội dung có liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cua Năm Căn - Cà Mau”.

Đồng thời, Huyện cũng đã chỉ đạo các phòng chuyên môn có liên quan rà soát, vận động hộ gia đình sản xuất thực hiện tốt các yếu tố về môi trường sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện sản xuất bánh phồng theo quy trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm bánh phồng tôm. Cùng với đó, Huyện cũng rà soát, đối chiếu các quy định để đề nghị công nhận làng nghề Bánh phồng tôm tại xã Hàng Vịnh khi đảm bảo điều kiện.

Qua đó, huyện tiếp tục quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại đến với du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, UBND huyện tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm”.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường nước ngoài.

Nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau đã từng bước khẳng định được thương hiệu và vươn ra thị trường nước ngoài.

Tính đến nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Hiện, các ngành, các cấp trong tỉnh đang khẩn trương triển khai kế hoạch thu hút, khuyến khích chủ thể tham gia xếp hạng 3 sao. Đồng thời, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu về đạt chuẩn 4 sao, 5 sao. Cùng với đó, là sự nỗ lực, quyết tâm của chủ thể, đáp ứng các điều kiện để sản phẩm OCOP trong tỉnh sẵn sàng vươn xa.

Theo kế hoạch, hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP của Cà Mau từ 4 sao lên 5 sao được hoàn tất và chuyển cho Hội đồng thẩm định, phân hạng trong tháng 7/2024. Sau khi xem xét và đánh giá từ Hội đồng, nếu các sản phẩm OCOP của tỉnh đủ điều kiện và đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của chương trình sẽ là những sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh, là sản phẩm quốc gia tiêu biểu. Đồng thời, tiếp cận các thị trường xuất khẩu tiềm năng theo đường chính ngạch, tạo nhiều bước tiến mới cho sản vật Cà Mau.

Đọc thêm