Từ cậu bé mê cải lương thành vị trưởng đoàn tài danh
Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, Dũng Thanh – tên thật là Lê Văn Tạo, từ bé đã mê thích cải lương. Môn nghệ thuật này đi vào đời anh bằng những chương trình trên đài phát thanh và băng đĩa. Thần tượng của cậu bé Tạo ngày ấy là những danh ca Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Vương, Thanh Tuấn… , cũng chính là niềm thôi thúc để anh chọn theo nghề hát khi còn tấm bé.
Năm 1969, khi mới chỉ 12 tuổi, Dũng Thanh lần đầu tiên mở ra bước ngoặt cuộc đời, theo học nghề ở đoàn Rạng Đông – Mỹ Lệ, ấp ủ những giấc mơ về một ngày được đứng trên sân khấu. Học ca được 2 năm thì Dũng Thanh phải gác lại đam mê để tham gia bộ đội, làm lính trinh sát thực nhiệm vụ do thám các đồn địch ở miền Tây, phục vụ kế hoạch tấn công tiêu diệt các đơn vị địch.
Trong 4 năm làm lính trinh sát, 1971 – 1975, Dũng Thanh có nhiều đóng góp cho bộ đội địa phương và quân chủ lực tiêu diệt nhiều cứ điểm địch ở Khu 9, tạo tiền đề cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, Dũng Thanh trở về với đam mê thuở bé. Trời phú cho giọng hát tốt, nét mặt điển trai, vóc dáng lịch lãm nên đường ca hát của Dũng Thanh nhiều thuận lợi. Phát hiện tài năng của anh, các bầu gánh hát cho anh thử sức hát kép nhì rồi kép chánh, vai trò nào anh cũng thể hiện tốt. Từ cậu bé mê cải lương ngày nào, Dũng Thanh trở thành giọng ca tên tuổi và được mời diễn ở nhiều đoàn Sông Bé Mới, Hậu Giang 1, Hậu Giang 2, An Giang – Khánh Hồng, Tiếng trống Hậu Giang, Kim Chưởng, Tiếng ca Đất Mũi, Phù Sa, Bông Hồng Vàng, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 3…
Ngót nghét 50 năm từ những ngày “chập chững” đến với cải lương, quãng thời gian ấy cho Dũng Thanh cháy hết mình với niềm đam mê ca hát, để lại những hình ảnh đẹp trong lòng khán giả mộ điệu. Những hóa thân xuất sắc bây giờ vẫn còn được nhắc nhớ như: Bác sĩ Hiếu (vở 17 năm trường hận), Lê Nhu (Gánh cỏ Sông Hàn), Tù trưởng Mường Sơn (Khi rừng thu thay lá), Lý Dũng Minh (Ngược dòng Lạc Thủy), Trần Nguyên Hãn (Rừng thần)…
Trong đó, vai diễn để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng khán giả có lẽ là vai Lê Nhu (Gánh cỏ Sông Hàn, đoàn Hương Mùa Thu) và Sơn (vở Con thuyền không bến, đoàn Sài Gòn 3 luôn giữ vững phong độ và gặt hái được nhiều thành công liên tiếp.
Những ngày đầu tiếp quản, Dũng Thanh chiêu mộ các đào kép có tên tuổi mà trước đó từng hát chung với anh trong những tháng năm lưu diễn, như Lệ Thu, Kim Thoa, Ngân Huệ, Thanh Dũng, Châu Tâm, Hiếu Liêm, Ngọc Minh… Có nhân sự, anh lại loay hoay tìm nguồn kinh phí để dựng vở mới Khi người điên trở lại, phục hồi 3 vở cũ: Con thuyền không bến, Kỷ niệm thời con gái, Chắp cánh chim bằng, để đoàn đi lưu diễn miền Trung.
Chuyến đi của đoàn Sài Gòn 3 lần đó thành công ngoài sự mong đợi, những vở diễn chất lượng đã mang đến cho đoàn doanh thu lớn. Mỗi đêm Dũng Thanh trích 2% doanh thu để trả nợ, trong 2 năm anh đã trả hết nợ cũ tổng cộng hơn 60 lượng vàng và 300 triệu đồng và số nợ mới tiền kinh phí hoạt động để vực dậy đoàn. Vậy là chỉ trong 2 năm làm trưởng đoàn, Dũng Thanh chẳng những giúp đoàn trả hết số nợ mà còn xây dựng được đoàn Sài Gòn 3 lớn mạnh sánh tầm với các đoàn đại ban ở Sài Gòn lúc bấy giờ.
Chất lượng và lực lượng của đoàn ngày một phát triển, Dũng Thanh đăng ký cho đoàn tham gia Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Kết quả bất ngờ, vở diễn Khu vườn của ngoại của đoàn Sài Gòn 3 giành 1 huy chương vàng và 5 huy chương cá nhân.
Thành tích rực rỡ này giúp đoàn quy tụ được hàng chục nghệ sĩ tên tuổi lúc bấy giờ. Nhiều năm sau đó, đoàn Sài Gòn 3 luôn giữ vững phong độ và gặt hái được nhiều thành công liên tiếp.
Hàng chục lần giải cứu đồng nghiệp
Ngoài là một nghệ sĩ tài năng, một trưởng đoàn giàu năng lực lãnh đạo, Dũng Thanh còn được biết đến là một con người đầy bản lĩnh, từng khiến dân anh chị giang hồ kính nể với những phen giải cứu đồng nghiệp đẫm chất võ hiệp.
Chuyện nghệ sĩ người vì cuộc sống túng thiếu, kẻ vì chơi trò đỏ đen mà nợ nần xưa nay vốn nhiều. Trong đó, nhiều trường hợp vì bí đường phải vay tiền xã hội đen, dân anh chị thế giới ngầm với lãi suất cắt cổ, cuối cùng rơi vào cảnh bị đe dọa, thậm chí bắt cóc, truy sát…
Giới nghệ sĩ cải lương vẫn còn nhớ câu chuyện nghệ sĩ Bảo Linh – diễn viên của đoàn Sài Gòn 3, vì nợ tiền mà bị băng nhóm giang hồ bắt cóc. Lúc bấy giờ, Dũng Thanh biết chuyện, một mình tìm đến sào huyệt băng giang hồ, trên người chẳng có gì ngoài máu liều, mặt đối mặt trùm giang hồ và mấy chục đàn em vây quanh.
Đơn thân độc mã trước băng đảng xã hội đen hung tợn ngay tại cứ điểm của đối phương, Dũng Thanh bình thản đòi người, rằng chuyện nợ nần tiền bạc để giải quyết sau, yêu cầu nhóm giang hồ thả ngay Bảo Linh để anh về còn kịp… đi hát.
Tên trùm tất nhiên không đồng ý dễ dàng như vậy, ra điều kiện Dũng Thanh phải đóng 300 triệu đồng mới thả người. Quyết đưa bằng được người về, vị trưởng đoàn chốt luôn: “Tôi đến đây để đưa Bảo Linh về, chuyện khác để tính sau”. Kèm lời mời băng giang hồ sáng hôm sau đến trụ sở đoàn Sài Gòn 3 để giải quyết nợ nần. Thấy Dũng Thanh đứng giữa hang ổ của mình mà chẳng chút nao núng, ngược lại còn dõng dạc ra điều kiện, nhóm giang hồ cũng nể mấy phần, chấp nhận đề nghị của tay trưởng đoàn.
Hôm sau tại trụ sở đoàn Sài Gòn 3, Dũng Thanh tiếp 4 gã giang hồ chủ nợ của nghệ sĩ Bảo Linh. Anh đi thẳng vào vấn đề với đề nghị, Bảo Linh trước giờ trả tiền lãi đã nhiều, nay sẽ chỉ trả tiền gốc bằng cách mỗi tháng trả một ít. Chẳng biết cái uy của của Dũng Thanh lúc đó lớn thế nào, băng giang hồ chấp nhận “chịu thiệt”, đồng ý với cách dàn xếp trên. Với sự bảo lãnh của Dũng Thanh, Bảo Linh đã trả hết nợ chỉ trong 3 tháng.
Sau đó không lâu, Vương Cảnh, Hoàng Tuấn bị giang hồ cầm dao rượt chém phải chạy về trụ sở đoàn Sài Gòn 3 cầu cứu. Dũng Thanh biết chuyện bước ra gặp nhóm giang hồ nói chuyện, yêu cầu các đao thủ bỏ hung khí xuống nói chuyện phải trái. Vốn đã biết tiếng Dũng Thanh sau vụ một mình giải cứu đồng nghiệp, nhóm xã hội đen đồng ý buông đao và ngồi lại để giải quyết chuyện nợ nần trong hòa bình. Lần đó nhờ vậy mà 2 nghệ sĩ thoát nạn.
Sau hai lần cưu mang đồng nghiệp nghệ sĩ, Dũng Thanh chẳng những được anh em trong giới kính nể mà các bậc đàn anh đàn chị xã hội đen Sài Gòn cũng phải dè chừng. Có lẽ vậy nên nghệ sĩ Tấn Hoàng trong một lần đen đủi bị nhóm xã hội đen đuổi chém, lột sạch tư trang trên người và tìm đến nhờ vả, Dũng Thanh đã ra mặt bênh vực, buộc mấy tên du côn phải bồi thường thiệt hại cho đồng nghiệp.
Lần khác, Hồng Tơ và Bảo Trí bị giang hồ rượt chém trước Trường Nghệ thuật Sân Khấu 2 (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh), phải chạy thục mạng về trụ sở đoàn cầu cứu. Dũng Thanh sau khi tìm hiểu biết được băng nhóm giang hồ đứng sau liền tìm gặp để nói chuyện phải trái, yêu cầu tôn trọng anh em nghệ sĩ và phải có lời xin lỗi 2 nạn nhân.
Biết đụng phải nhân vật không thể giỡn mặt, 2 nghệ sĩ bị chém lại còn là em kết nghĩa của người này, nhóm giang hồ không dám làm càn. Mấy hôm sau, ngay tại quán cà phê trước trường sân khấu nơi bị chém, mấy tay giang hồ đã xin lỗi Hồng Tơ và Bảo Trí.
Vợ chồng nghệ sĩ Chinh Nhân – Bảo Ngọc cũng vì khốn khó, nợ nần liên quan đến xã hội đen mà suýt phải bỏ nghề. Khi đó, một trưởng đoàn cải lương nhờ Dũng Thanh giúp đỡ bởi chỉ có anh mới giúp vợ chồng nghệ sĩ trở lại với nghề.
Dũng Thanh đồng ý giúp đỡ, đưa Chinh Nhân – Bảo Ngọc về diễn ở đoàn Sài Gòn 3. Biết chuyện, nhóm giang hồ chủ nợ phục sẵn ở trụ sở đoàn cải lương, lúc nửa đêm hai vợ chồng Chinh Nhân cùng đoàn vừa đi diễn ở tỉnh về liền ập tới bắt cóc. Dũng Thanh đứng ra giải quyết thì biết được hóa ra đại ca băng nhóm là người trước kia từng mang ơn anh. Mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng.
|
Dũng Thanh và khoảnh khắc bên các đồng nghiệp nghệ sĩ |
Nhóm giang hồ đồng ý để Dũng Thanh sắp xếp chuyện nợ nần. Vị trưởng đoàn đề nghị, số nợ thì vẫn phải trả nhưng để vợ chồng nghệ sĩ phải có thời gian và để có trả hết được thì chỉ trả nợ gốc. Biết con nợ là lính của ân nhân, nhóm giang hồ thuận tình nghe theo, vợ chồng nghệ sĩ Chinh Nhân từ đó an tâm theo nghề. Gần đây nhất là trường hợp NSƯT Chiêu Hùng - người em kết nghĩa của Dũng Thanh từ hơn 20 năm trước. Vì nợ nần và bị xã hội đen truy bức phải lẩn trốn, cùng đường phải tìm đến Dũng Thanh nhờ giúp đỡ.
Để có thể chuyện dữ hóa lành, Dũng Thanh ngoài dùng cái uy của mình để bảo vệ đàn em còn hỗ trợ tiền cho Chiêu Hùng trả nợ nhóm giang hồ. Sau còn tạo điều kiện để Chiêu Hùng chuộc xe hầu có phương tiện đi làm nghề, sắm sửa quần áo vật dụng để xứng tầm một kép chánh. Nhờ những giúp đỡ đó mà Chiêu Hùng thoát khỏi khủng hoảng, ngày một phát triển trong công việc.
Dũng Thanh tâm sự, chuyện nghệ sĩ nợ nần xã hội đen phải nói khá nhiều, kết cục đa phần là không thể trả hết nợ vì lãi suất quá cao, lúc cùng đường mới phải nhờ anh giúp đỡ. Những lúc như vậy Dũng Thanh vừa hết lòng vì đồng nghiệp, vừa chân thành khuyên nhủ để họ cố gắng, tránh xa những trò đỏ đen và sống tử tế với đời.
Chẳng những bất chấp hiểm nguy bao lần giải cứu đồng nghiệp, Dũng Thanh còn âm thầm làm thiện nguyện suốt thời gian dài. Anh nhiều lần giúp đỡ các cô chú, anh chị nghệ sĩ, công nhân sân khấu ở viện dưỡng lão nghệ sĩ, tặng học bỗng cho con em nghệ sĩ nghèo trong những dịp cúng Tổ. Nhiều trường hợp nghệ sĩ chẳng những được giúp đỡ tiền trả nợ, mà còn được anh tạo điều kiện có công ăn việc làm cải thiện cuộc sống. Nhiều nghệ sĩ cùng thời với anh chẳng may bệnh tật, tai nạn ốm đau cũng được anh dìu đỡ qua cảnh ngặt nghèo.
Chẳng những giúp đỡ giới nghệ sĩ, Dũng Thanh và bạn bè còn có nhiều hoạt động ý nghĩa như ủng hộ cho bếp ăn bệnh nhân nghèo của Trung tâm ung bướu TP HCM. Giúp đỡ bệnh nhân các tỉnh lẻ và vùng sâu vùng xa ở Bệnh viện An Bình vì theo anh, cuộc sống của người bệnh vốn dĩ rất khó khăn khi đau ốm càng cùng kiệt. Nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo không đủ tiền phẫu thuật, Dũng Thanh biết được đã hỗ trợ họ chi trả viện phí.
Nay đã tuổi ngoài 60, Dũng Thanh vẫn như xưa, vẫn hoạt động nghệ thuật thông qua sân khấu truyền hình và phát thanh, nhiệt huyết với những show diễn từ thiện. Điều đáng trân quý nhất ở anh có lẽ là luôn yêu thương, bênh vực kẻ thế cô và dang tay nâng đỡ đồng nghiệp lúc nguy khốn. Hàng chục lần đứng ra che chở, đỡ đần anh em nghệ sĩ, thậm chí không ít lần đối mặt với những băng nhóm giang hồ manh động, Dũng Thanh cho thấy cái tình và tấm lòng hào hiệp của một con người bản lĩnh, dày dạn phong sương.
Sinh ra và lớn lên trong khốn khó, lại từng là lính trinh sát, nhiều lần đương đầu với kẻ địch và thoát chết trong gang tấc, đổi lại cuộc đời đã cho Dũng Thanh thỏa giấc mơ cải lương và gặt hái nhiều thành công. Những điều anh có được ngoài nỗ lực bản thân cũng là nhờ các bậc đàn anh đi trước và may mắn khi Tổ độ cả đường nghề lẫn đường đời. Bởi vậy, Dũng Thanh tâm niệm tình thương cho đi như là một cách để mình tri ân cuộc đời và Tổ nghề.
Cải lương 'thật và đẹp' xuống phố
Trong hai ngày 23 và 24/11, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM) diễn ra một sự kiện thú vị, mang cái đẹp và cái thật của cải lương đến với công chúng TP HCM. Chương trình mang tên "Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp" nằm trong khuôn khổ dự án Di sản kết nối do Hội đồng Anh tại VN thực hiện trong hai năm (khởi đầu từ tháng 4/2018).
Chương trình có ba hoạt động chính: giới thiệu sách Câu chuyện cải lương: Thật và Đẹp; triển lãm nội dung sách và phim tư liệu; chuỗi hoạt động trò chuyện, giao lưu...
Tác phẩm "Câu chuyện cải lương Thật và Đẹp" tập hợp chia sẻ của 24 nhân vật cải lương Nam Bộ, được thực hiện bởi giáo sư, nhà nghiên cứu lịch sử truyền khẩu Hugo Frey và nhà văn, giảng viên môn viết sáng tạo Suzy Joinson (Trường đại học Chichester, Vương quốc Anh); nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc biên tập tiếng Việt. Sách in song ngữ Anh - Việt, do Hội đồng Anh và Nhà xuất bản Tổng Hợp phối hợp ấn hành.
Ngoài được tặng sách, công chúng sẽ có dịp gặp gỡ, trò chuyện với tác giả. Nội dung sách sẽ được phóng to trưng bày tại đường sách để triển lãm từ ngày 23/11 đến 8/12.
Điểm nhấn đặc biệt là chuỗi các hoạt động dành cho công chúng. 18h ngày 23/11 diễn ra buổi khai mạc và chương trình biểu diễn cải lương (đạo diễn: Linh Trung - Leon Lê, biên tập: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Thanh Thủy).
Đạo diễn Linh Trung cho biết chương trình ngày khai mạc gồm bốn phần chính. Phần đầu nói về nguồn gốc của nghệ thuật cải lương, mở màn với trích đoạn Kim Vân Kiều. Tiếp đó, chương trình tôn vinh những soạn giả, bầu gánh xuất sắc.
Phần 3 là những hình ảnh giới thiệu, tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ kỳ cựu, từ NSND Phùng Há cho đến các nghệ sĩ tài danh của cải lương từ thời sơ khai đến hoàng kim như NSƯT Thanh Nga, Tấn Tài, NSND Lệ Thủy, NSND Minh Vương, Minh Phụng... Phần cuối tôn vinh những con người thầm lặng như người nhắc tuồng, hậu đài, phục trang...
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: Mỹ Hằng, Kim Phương, Tô Châu, Võ Thành Phê, Thanh Ngọc, Linh Trung, Minh Hoàng, Tú Quyên... với nhiều trích đoạn cải lương như Sông dài, Tiếng hạc trong trăng, Nhụy Kiều tướng quân, Tướng cướp Bạch Hải Đường, Chuyện cổ Bát Tràng...