Nghệ thuật phòng thủ biển đảo triều Nguyễn (Kỳ 2): Trang bị súng trường cho thuyền buôn

(PLO) - Vấn đề đe dọa lớn nhất đối với công tác phòng thủ biển đảo dưới triều Nguyễn là cướp biển. Nạn cướp biển vừa đe dọa trực tiếp đến việc khai thác nguồn lợi kinh tế trên biển, vừa gián tiếp làm phương hại đến chủ quyền quốc gia. Thế nên, triều Nguyễn trong các phương thức phòng thủ biển đảo luôn coi trọng việc chống cướp biển.
Thuyền bè trên sông tại Hội An. Hình vẽ khoảng năm 1792
Thuyền bè trên sông tại Hội An. Hình vẽ khoảng năm 1792

Thưởng phạt công minh

Năm 1803, Gia Long đã ban chỉ quy định về việc đảm bảo thông tin liên lạc trong việc phòng chống giặc biển nhằm đảm bảo cho công tác phòng bị, ngăn chặn được hiệu quả: “Từ nay về sau, hễ đích thực thấy có giặc biển qua lại ở ngoài biển, thì một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho quan công đường chuyển, tâu, một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển vào miền trong, phía Nam đến thành Bình Định. Lại một mặt chạy tin hỏa tốc báo cho các đồn phân thủ ở ven biển miền ngoài, phía Bắc ra đến xứ Bắc Thành, để tiện sức tàu thuyền công, tư phòng bị”. 

Mặt khác, để đối phó với cướp biển, năm 1806, vua Gia Long còn chủ trương trang bị các loại thuyền nhanh, nhẹ và các vũ khí cho các hoạt động chống phá cướp biển của các tỉnh thành ven biển. Đồng thời, các hoạt động của tàu thuyền trên bể còn được sự bảo vệ, hỗ trợ của lực lượng tuần thủ bờ biển các tỉnh.

Nếu trường hợp có cướp biển thì cùng nhau phối hợp, chống giữ cho đến khi thuyền của triều đình an toàn: “Từ nay, đoàn vận tải vượt biển, cần phải đề phòng ngăn chặn. Hiện đã truyền chỉ cho Bắc Thành chọn lấy thuyền ô sai và binh đinh khí giới đầy đủ và phái các đội tiểu sai ngồi vào thuyền, để bảo vệ đoàn thuyền đến Biện Sơn. Lại truyền cho trấn Nghệ An chọn ra 10 chiếc thuyền ô sai và 10 chiếc thuyền sai ở kinh, cùng đến Biện Sơn, tuần tra mặt biển, để đợi bảo vệ tiếp nhận”.

Tàu trên sông Sài Gòn khoảng năm 1860
Tàu trên sông Sài Gòn khoảng năm 1860

Triều Nguyễn trong phạm vi và mức độ nhất định chưa thể triển khai hệ thống phòng thủ của triều đình ra làm chủ những vùng biển đảo ở ngoài vùng biên viễn. Trong trường hợp đó, triều đình hỗ trợ một phần cho dân chúng về vũ khí, huấn luyện, lương thực, đồng thời huy động sự tình nguyện đóng góp của cư dân địa phương về khí giới, nhân lực và công tác phòng thủ.

Chính vì thế đã có rất nhiều đảo, vùng biển, cư dân tự nguyện thành lập các pháo đài, các đội dân binh để đảm bảo cho công tác phòng thủ tại chỗ mỗi khi có cướp biển. Bài học về huy động sức mạnh toàn dân đã góp phần vào củng cố chủ quyền của triều Nguyễn ở những vùng đất vốn thuộc chủ quyền của quốc gia, cấu kết tạo nên một hệ thống phòng thủ, một khối thống nhất trước sự xâm nhập từ bên ngoài.

Đây là bài học về huy động sức mạnh, nguồn lực từ trong dân, bồi dưỡng và phối hợp với nhân dân, nhất là nhân dân tại vùng ven biển, hải đảo để đảm bảo tốt cho công tác phòng thủ, bảo vệ độc lập chủ quyền.

Đối với các địa phương khi có giặc biển xuất hiện, phải lập tức cử các đội dân binh tuần bắt để tránh trường hợp giặc bể được đà thế mà mở rộng hoạt động cướp phá. Đồng thời các địa phương lân cận phải có trách nhiệm phối hợp với dân binh trong tuần bắt để công tác chống giặc biển được hiệu quả. Kể từ  năm 1835, triều đình còn chủ trương trang bị súng trường cho thuyền buôn căn cứ trên chứng thực của quan địa phương để tăng cường khả năng phòng chống cướp biển.

Để tiễu trừ giặc biển những vùng giáp biên, triều Nguyễn còn phối hợp với chính quyền các tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu của triều Thanh trong công tác điều tra, xử lý giặc bể: “Lại có thuyền đánh cá nước ngoài lẻn vào vụng Đồ Sơn thuộc Hải Dương. Trấn thủ Trương Văn Nho bắt được, đem việc tâu lên. Vua sai tra xét. Bọn bị bắt ở thuyền đánh cá đều đóng gông đưa sang Khâm Châu”.

Với những người có công tố giác, truy bắt giặc bể, những người được cử làm nhiệm vụ tuần tra, truy bắt giặc bể hoàn thành trách nhiệm, những người có công thì được triều đình thưởng trọng hậu. Ngược lại nếu vì bất cứ lý do gì đi tuần không công hiệu hoặc không hoàn thành chức trách đươc giao thì theo mức độ để xử lý. Thông thường, với những trường hợp này, triều Nguyễn chủ trương hạ phẩm trật, lương bổng và bắt buộc tiếp tục thực thi cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ chống cướp biển.

Nói chung, triều Nguyễn đã có những nỗ lực chống cướp biển với các biện pháp lâu dài, trực tiếp và cụ thể. Tuy công tác chống cướp biển không phải lúc nào cũng tỏ ra hữu hiệu, song những sự nỗ lực của triều Nguyễn đã góp phần quan trọng vào giữ vững an ninh và chủ quyền biển đảo. 

Huy động sức dân bảo vệ chủ quyền  

Bên cạnh các biện pháp chính quy như tổ chức, trang bị quân đội, vũ khí, phương tiện, thiết lập hệ thống phòng thủ… triều Nguyễn còn phối hợp với cư dân biển trong công tác tuần tiễu, khảo xét, bảo vệ biển đảo. Đây là một biện pháp quan trọng và mới mẻ so với các triều đại phong kiến trước đó.

Để thực hiện có hiệu quả phương thức này, triều đình đã hỗ trợ nhân dân vùng biển đảo về tàu thuyền, vũ khí để họ có tiềm lực chống giặc biển. Việc cấp phát vũ khí để phối hợp trong việc chống cướp biển căn cứ vào số dân, tình hình cụ thể ở địa phương để có thể đảm bảo đáp ứng được tình hình thực tế của công tác này:

“Vua dụ bảo Bộ Binh rằng: “Giặc bể ở đảo Đồ Bà vào khoảng giao thời mùa hè và mùa thu lừa khẽ lẻn ra để quấy rối dân chúng ở gần bể. Vậy sai tỉnh Bình Định, tỉnh Phú Yên, tỉnh Khánh Hòa ước lượng mà cấp súng ô sang và giáo mác cho các xã thôn để chống với giặc cướp”.

Thực hiện chế độ đãi ngộ đối với những người làm nhiệm vụ ở biển đảo và có công trong bảo vệ biển đảo được triều Nguyễn chú trọng. Theo định chế độ bổng lộc, triều Nguyễn quy định ở cùng một phẩm trật, nhưng những quan chức đảm trách ở các cửa bể, tuần tra ngoài bể có chế độ trọng hậu hơn đất liền nhằm khuyến khích họ tận tâm đối với công việc. 

Với những trường hợp có công lao thành tích trong phòng thủ biển đảo, được triều đình khen thưởng để động viên khích lệ, nhất là trong công tác phòng cướp biển, kể cả các lực lượng dân binh, biển binh. Vật phẩm khen thưởng thông thường là vàng bạc, theo cấp bậc phẩm hàm.

Đối với trường hợp thực thi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo mà mắc phải sai lầm, triều Nguyễn cũng xem xét tùy theo mức độ nặng nhẹ để xử lý. Theo đó, hình thức xử phạt nhẹ thì đánh trượng, nhắc nhở, nặng thì cắt chức, tù đày:

“Cửa biển Thuận An có thuyền công trở về, thủ ngự Ngô Văn Quyền nhận lầm là thuyền Tây dương, liền đem báo bộ. Vua bảo rằng: Các cửa biển nhà nước đã cấp cho kính thiên lý để trông rõ ngoài xa, sao lại lầm lẫn như thế! Liền sai thị vệ để ngay đánh trượng để phạt”.

Như vậy, nhận thức trọng trách của bộ phận phụ trách biển đảo nặng nề hơn so với các chức vụ khác, việc thiết đặt chế độ đãi ngộ của các vua triều Nguyễn ở mức độ nhất định đã tạo ra được sự khuyến khích và răn đe để từ đó giúp bộ phận này hoàn thành chức trách hiệu quả hơn trong công tác phòng thủ.

Ngay từ năm 1809, vua Gia Long đã xác định chủ quyền của triều Nguyễn đối với quần đảo Hoàng Sa vốn được khẳng định chủ quyền dưới thời chúa Nguyễn. Kế tục sự nghiệp của Gia Long, vua Minh Mạng tiếp tục khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa,Trường Sa và các vùng biển đảo khác.

Phương thức xác lập cơ sở pháp lý biển đảo được tiến hành thông qua thiết lập hệ thống hải đồ ở các vùng biển ven bờ phục vụ khẳng định chủ quyền, triều Nguyễn áp dụng phương thức thực thi chủ quyền định kỳ bằng cách cử các đội thủy binh hàng năm gia trực tiếp cắm mốc, đo đạc, vẽ hải đồ để thực thi, bảo vệ chủ quyền của mình.

Mặc dù dưới triều Nguyễn vấn đề tranh chấp biển đảo chưa từng xảy ra, thế nhưng những cứ liệu pháp lý với đầy đủ cơ sở, bằng chứng đó là lý lẽ thuyết phục để triều Nguyễn đấu tranh nếu có tranh chấp về vấn đề biển đảo.

Do đó, xây dựng hệ thống pháp lý nhằm mục tiêu đấu tranh, thực thi và bảo vệ chủ quyền trở thành một phương thức, bài học kinh nghiệm quan trọng từ triều Nguyễn trong công tác phòng thủ và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đọc thêm