Hậu Giang bảo tồn nghệ thuật hát Aday

(PLVN) - Từ khi thực hiện đề án đến nay, Hậu Giang đã tổ chức được hai lớp “Truyền dạy phương pháp trình diễn cơ bản về Nghệ thuật hát Aday của người Khmer”, thu hút sự quan tâm trong đồng bào dân tộc, tạo hiệu ứng tích cực trong việc gìn giữ và bảo tồn loại hình nghệ thuật này. 
Hậu Giang bảo tồn nghệ thuật hát Aday

Trong quá trình khai hoang, lập ấp, phân bố dân cư, đồng bào dân tộc Khmer tập trung sinh sống theo các xóm, ấp và được phân bố trên địa bàn 31 ấp thuộc 23 xã của tỉnh Hậu Giang. Đồng bào Khmer trong tỉnh luôn chú trọng bảo tồn phát huy văn hóa, bản sắc dân tộc cũng như tình đoàn kết cộng đồng các dân tộc anh em.  

Theo thời gian và ảnh hưởng của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều loại hình văn hóa dân gian của người Khmer cũng bị thay đổi, không còn nguyên gốc, người hiểu biết về các loại hình này ngày càng ít đi. Qua điều tra thực tế, nhận thấy loại hình nghệ thuật hát Aday đang mai một và dần xa lạ với tầng lớp thanh thiếu niên người Khmer ở Hậu Giang.

Trong các buổi lễ của người dân tộc, ít ai còn biết hát Aday. Thực tế tại địa phương cũng chưa có lớp nào truyền dạy về loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, từ năm 2016, tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt và tiến hành thực hiện đề án “Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020”.

Hát Aday là loại hình nghệ thuật hát đối đáp giữa bên nam và bên nữ mang nhiều nội dung, màu sắc phong phú. Có khi là một lời ví von quen thuộc, khi là một lời ướm hỏi, trao nhau tình cảm thân thương, nồng nàn. Đôi khi lối hát đối đáp Aday còn kèm các điệu múa, vừa múa vừa hát đối nhau giữa các đôi nam nữ, hoặc có thể hóa trang bằng mặt nạ… Họ đối nhau, bẻ nhau bằng nhiều câu hát đố, ai không đáp được coi như thua cuộc và người bạn phải cất tiếng hát đáp thay.

Theo đề án, sẽ có nhiều hoạt động nâng cao tinh thần trách nhiệm của ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, góp phần bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật hát Aday, lan tỏa loại hình nghệ thuật này đến các tầng lớp nhân dân, tạo được sân chơi bổ ích, giúp nâng cao đời sống tinh thần và tạo sự gắn bó keo sơn tình làng nghĩa xóm, góp phần xây dựng quê hương.

Theo lộ trình thực hiện, tỉnh sẽ mở các lớp truyền dạy phương pháp trình diễn cơ bản và nâng cao về Nghệ thuật hát Aday. Vào tháng 6/2018, tỉnh đã mở lớp tập huấn đầu tiên tại Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh với hơn 40 học sinh tham gia, chủ yếu là các em học sinh lớp 10 và 11. Mới đây, Trường Nghiệp vụ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh lại tiếp tục mở lớp thứ hai, tại chùa BHODHIVANAVANSA, ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ với gần 50 học viên tham gia. Trong đợt này, đối tượng mở rộng hơn, là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Bà Trần Xuân Diễm, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VH,TT&DL tỉnh Hậu Giang cho biết, khi các lớp học về Nghệ thuật Aday được mở ra, đồng bào dân tộc người Khmer rất hào hứng và phấn khởi. “Lớp học vừa rồi dự kiến chỉ 40 học viên nhưng đã có đến 50 học viên đăng ký tham gia. Sau đó, có 47 học viên được cấp chứng nhận”, bà Diễm nói.

“Lớp học đã truyền dạy nhiều kiến thức độc đáo về cả lý thuyết lẫn thực hành của loại hình nghệ thuật này. Qua đó, giúp người học biết đúng, biết sâu và có ý thức giữ gìn, phát huy một cách hiệu quả. Đồng thời, sau khi hoàn thành lớp học, các học viên đều có thể hát và trình diễn Nghệ thuật Aday một cách thành thạo”, bà Diễm khẳng định. 

Bà Diễm cho biết, theo đề án, hết năm nay sẽ có 8 lớp truyền nghề từ cơ bản đến nâng cao, nhưng do đề án được duyệt không đi kèm kinh phí nên dù rất cố gắng ngành cũng chỉ tận dụng tổ chức được 2 lớp truyền nghề. 

Đọc thêm