Những nghệ sĩ thành công lặng lẽ

(PLVN) - Làng giải trí là một thế giới đầy hào quang nhưng cũng đầy khốc liệt, nơi mà người ta sẩy chân là đánh mất mình, đi chậm lại bị vượt qua, cũ đi là bị đào thải. Nhưng ngạc nhiên thay, đó cũng là nơi dung chứa những nghệ sĩ đầy giản dị, không dặm phấn thêu hoa cho chính mình, nhưng vẫn có chỗ đứng bền bỉ trong lòng khán giả.
MV Ly rượu mừng của Đức Tuấn được đầu tư nghiêm túc và nhận nhiều khen ngợi
MV Ly rượu mừng của Đức Tuấn được đầu tư nghiêm túc và nhận nhiều khen ngợi

“Lấy nghề nuôi nghiệp”

Dịp Tết này, Đức Tuấn vừa ra mắt MV Ly rượu mừng. Với kinh phí đầu tư hơn 2 tỉ đồng, MV của Đức Tuấn không chỉ được đánh giá hay ở phần nghe mà còn đẹp ở phần nhìn. MV đã tái hiện một cách trọn vẹn và đầy nghệ thuật Tết xưa với những giá trị cổ truyền, thậm chí đầu tư tái hiện cả cảnh đốt pháo thật.

Vừa qua Tết, sức nóng của Ly rượu mừng chưa hết, anh tiếp tục làm khán giả bất ngờ khi tung MV Yêu, mở màn cho album nhạc Trần Thiện Thanh được đầu tư kĩ lưỡng. Từ khi bước chân vào sự nghiệp âm nhạc, Đức Tuấn là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng hiếm hoi của showbiz Việt “tránh xa” các chiêu trò, scandal đánh bóng tên tuổi.

Dù đủ đẹp, đủ tài để nổi tiếng và có thể bứt lên hàng số 1, số 2 của thị trường âm nhạc trong nước, anh vẫn không lựa chọn con đường dễ đi, chiều chuộng khán giả, hướng về số đông.

Anh luôn đưa ra những lựa chọn có phần tốn kém và liều lĩnh: là một trong những ca sĩ Việt đầu tiên làm nhạc kịch, hiếm nhận show và hầu như hàng năm đều cho ra mắt những album phát hành offline đầu tư nghiêm túc. Con đường mà Đức Tuấn chọn và khá khó đi với showbiz: hữu xạ tự nhiên hương, dùng sản phẩm nghệ thuật để chứng minh nội lực của mình.

Làng giải trí bên cạnh những chiêu trò, những danh xưng đình đám, hết “nữ hoàng” đến “công chúa”, “ông hoàng”, có những người âm thầm gieo hạt trên mảnh đất nghệ thuật của mình, mà người hâm mộ chỉ đơn giản gọi họ là nghệ sĩ.

Lê Cát Trọng Lý là một trường hợp như thế. Nổi lên cách đây hơn 5 năm từ những ca khúc mang đậm cá tính riêng, nhẹ nhàng nhưng thấm đẫm triết lý nhân sinh, lẽ ra, nếu muốn, nghệ sĩ trẻ ấy đã có thể tận dụng để biến mình thành “người của công chúng”.

Thế nhưng, cô gái trẻ ấy vẫn lặng lẽ đi về với lựa chọn của riêng mình: Mỗi một sáng tác được cất lên đều từ những trải nghiệm, những cảm xúc chân thật của bản thân chứ không phải vì thị hiếu hay chiều lòng bất kì ai.

Thế nên, dù đoạt nhiều giải thưởng danh giá, Lê Cát Trọng Lý vẫn chưa bao giờ là cái tên đình đám của “số đông”. Nữ nghệ sĩ nhỏ bé “bỏ quên” chăm chút nhan sắc vẫn mãi là cô gái nhỏ ôm đàn nghêu ngao, du ca khắp nơi như một kẻ lãng du trong âm nhạc.

Xứng đáng là “nghệ sĩ”

Làng giải trí còn có một Nguyên Hà cũng rất lạ lùng. Được gọi là “nàng thơ” của Quốc Bảo vì được nhạc sĩ danh tiếng dìu dắt. Nhưng Nguyên Hà không tận dụng điều ấy để nổi tiếng, thậm chí cô còn từ chối danh xưng ấy.

Nói Nguyên Hà là “nàng thơ” của âm nhạc thì đúng hơn. Nàng thơ ấy bước nhẹ trong âm nhạc bằng những bước đi trầm lắng, nhẹ nhàng. Không có nhan sắc lộng lẫy, không chú trọng tô điểm vẻ bề ngoài, mái tóc tém, chiếc kính cận và những bộ quần áo giản dị, kín đáo và cá tính, Nguyên Hà cất tên tiếng hát mộc mạc từ tâm hồn, từ chối việc lên sóng, lên hình, tham gia các chương trình hoành tráng.

Người ta thấy nàng thơ chỉ hát ở phòng trà, có những phòng trà rất nhỏ cho sinh viên, ở một home stay nào đó tít tận ngoại ô Đà Lạt, hay một chương trình lớn, nhưng của vị thiền sư dành cho dự án trị liệu... Nguyên Hà ít ra album, mà mỗi album của cô được chắt lọc rất kĩ lưỡng với những tình ca khá kén người nghe, mà ai thích nghe là mê say...

Thị trường âm nhạc Việt còn có Hỵ, giọng lạ, mộc nhưng ít xuất hiện trước công chúng; còn có Vũ, Ngọt, Đen Vâu hay nhiều người trẻ khác có khả năng hát, sáng tác, không chiêu trò, không tai tiếng. Thời gian và tâm sức họ dành cho việc sáng tạo ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Họ không đặt mục tiêu ban đầu tất cả hướng đến sự nổi tiếng.

Sự nổi tiếng chỉ như một “tác dụng phụ” của tài năng và nỗ lực mà thôi. Và rất may mắn, họ sinh ra ở thời mà internet, mạng xã hội ngoài những hệ lụy tiêu cực, cũng góp phần giúp người trẻ thoải mái thể hiện tài năng, tạo dựng “thương hiệu” riêng mà không cần đến bầu show, đến những kẻ vẽ đường...

Cứ âm thầm và thực lực, họ vừa như những nghệ sĩ phiêu du và rong chơi trên con đường nghệ thuật, vừa như những người gieo hạt kiên trì, cứ âm thầm vun bón chờ cây nảy mầm, sinh sôi... Với những người như thế, chữ “nghệ sĩ” mới xứng làm sao.

Đọc thêm