Vỡ òa cảm xúc khi lịch sử 'bước ra' từ sân khấu

(PLVN) - Mùng 5 Tết vừa qua, chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Tiếng vọng ngàn xuân” nhân kỷ niệm 230 năm Ngày chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử (1789 – 2019) được tổ chức tại sân khấu Hội hoa xuân, Công viên Tao Đàn được đánh giá là rất đặc sắc và hoành tráng. 
Các vị lãnh đạo TP HCM tặng hoa cho các nghệ sĩ trong chương trình  sân khấu hóa chủ đề "Tiếng vọng ngàn xuân". Ảnh Tạp chí du lịch
Các vị lãnh đạo TP HCM tặng hoa cho các nghệ sĩ trong chương trình sân khấu hóa chủ đề "Tiếng vọng ngàn xuân". Ảnh Tạp chí du lịch

Với sự phối hợp của nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu như ca múa nhạc, cải lương, võ thuật cùng hơn 200 diễn viên, chương trình đã tái hiện chiến thắng Ngọc Hồi- Đống Đa đầy vẻ vang và làm một cuộc ôn lại lịch sử với hàng loạt những chiến thắng mùa xuân trong lịch sử chống xâm lăng như mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi quân Nam Hán; mùa xuân năm 1077, Lý Thường Kiệt dẫn quân tiêu diệt quân Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Cầu; mùa xuân năm 1285 Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên - Mông trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ II...

Hàng ngàn người dân có mặt để xem buổi biểu diễn đã lặng đi và vỡ òa trong cảm xúc tự hào trước những chiến thắng hào hùng, trước những hy sinh máu xương trong lịch sử chống xâm lược vẻ vang của dân tộc, trước những gì cha ông ta xưa đã dũng mãnh làm được để có nước Việt hòa bình, no ấm hôm nay.

Thực ra, những vở kịch, những chương trình sân khấu hóa với đề tài lịch sử trước nay vốn rất hiếm hoi trong đời sống tinh thần của người dân thành phố. Người ta vẫn nhắc nhiều, vẫn trăn trở về chuyện chưa thể khiến dân ta biết sử ta, đặc biệt là giới trẻ.

Tuy nhiên, sức hút của một chương trình sân khấu hóa dịp Tết vừa qua có thể cho thấy, không phải dân ta thờ ơ với sử ta, mà là do ta chưa có cách làm hợp lý để đưa những câu chuyện lịch sử vào hơi thở đời sống.

Một lý do khiến chương trình sân khấu hóa nói trên được đón nhận, yêu thích là nó đúng thời điểm. Xuân về, sân khấu hóa lịch sử chiến thắng mùa xuân với sự đầu tư nghiêm túc, lay động được cảm xúc của quần chúng là điều dễ hiểu. 

Thời gian gần đây, TP HCM bắt đầu có nhiều chương trình âm nhạc đường phố hơn nhằm phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của người dân và du khách, như điểm diễn cuối tuần tại trước Nhà hát thành phố, các chương trình du ca đường sách, các chương trình nghệ thuật biểu diễn tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ...

Nếu thay vì đơn thuần những chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc hoặc nhạc trẻ, có sự đầu tư lồng ghép loại hình sân khấu với những chủ đề lịch sử được thực hiện chất lượng, gần gũi, chắc chắn người dân và du khách sẽ rất thích thú, quan tâm.

Đặc biệt, dàn dựng các chương trình sân khấu vào những mốc kỉ niệm lịch sử, các ngày lễ lớn như chiến thắng mùa xuân 30/4, chiến thắng Điện Biên, Quốc khánh 2/9... sẽ vừa giải quyết được câu hỏi “chơi đâu, xem gì” của người dân, vừa góp phần đem đến những hiểu biết về lịch sử cũng như khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong người dân, trong thế hệ trẻ hiện nay vốn rất mù mờ kiến thức lịch sử.

Đọc thêm