Youtube xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, đến nay được xem là một kênh truyền hình phủ sóng rộng rãi và là công cụ kiếm tiền của không ít người, nhất là các bạn trẻ. Ban đầu chỉ là những thước phim do các nhà đài thực hiện, về sau có thêm những video xuất phát từ những cá nhân với mọi chủ đề, mọi lĩnh vực để người xem có sự lựa chọn. Từ đó nghề làm youtuber được hình thành.
Nhen nhóm ý định theo nghề, bạn Huỳnh A Thái, sinh viên Trường Đại học Tây Đô chia sẻ: “Nghề này kiếm được nhiều tiền, phân loại thành nhiều kênh văn hóa dễ tiếp cận người xem, quảng bá địa điểm du lịch, ẩm thực cho khách du lịch. Tuy nhiên, có một số người cũng lợi dụng để trục lợi bản thân thông qua các chương trình từ thiện hay nghiêm trọng hơn gây nguy hiểm cho xã hội”.
Tuy nhiên, nghề làm youtube cũng là một trong những nghề rất áp lực, để theo được nghề người làm cần phải có cái tâm và một cái đầu đầy chất xám. Sự sàng lọc của nghề vô cùng khắc nghiệt, rất dễ chạm tay vào nhưng rất khó để giữ chân.
Người xem có thể tò mò về những tin sốc nổi, giật gân trong một thời gian ngắn rồi sẽ quên ngay vì nội dung kênh tẻ nhạt và đơn điệu. Mỗi sản phẩm phải mang lại nhiều điều cho khán giả, ngoài tính thời sự thì phải có chất lượng nội dung lẫn hình thức thì mới trụ nổi giữa thị trường có quá nhiều người chọn youtuber làm hướng đi.
Nhận thấy tiềm năng của nghề nhiều bạn trẻ thậm chí là người lớn tuổi sử dụng điện thoại thông minh, máy ảnh kỹ thuật số,… tự quay các video thể hiện quan niệm sống, tin tức, đánh giá để chia sẻ lên trang youtube. Với số lượng “bùng nổ”, hiệu ứng lan rộng khắp các “hang cùng, ngõ hẻm” thì chất lượng của nghề đang ngày càng giảm sút, xuất hiện nhiều kênh youtube nhàm chán, vô bổ, thậm chí nội dung độc, xấu.
Bên cạnh những mặt tích cực thì không ít bạn trẻ giở nhiều trò mánh khóe để làm “bàn đạp” cho sự nổi tiếng và kiếm tiền. Mới đây xuất hiện nhiều clip phản ánh tình trạng nhận gạo từ thiện tại các “ATM gạo”, có những bạn tuổi đời còn khá trẻ, ăn mặc phong cách nhưng vì hoàn cảnh mà đến nhận từ thiện đã bị các youtuber phát hiện và quay hình đăng tải với mục đích bôi nhọ nhân phẩm, cười cợt khiếm nhã. “Của cho không bằng cách cho” đã gây tâm lý hoang mang trong người dân.
Hay là hình ảnh “giang hồ mạng” xuất hiện đầy rẫy và trở thành “thần tượng” của giới trẻ, từ đó hình thành nên nhiều trào lưu mới không phù hợp với thuần phong mỹ tục như: Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền…
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần có giải pháp hiệu quả để phòng ngừa những tiêu cực từ youtube.