Công an kết luận “không có sự việc phạm tội”
Thiếu nữ tên là Thủy (tên đã được thay đổi), SN 2004, quê Thanh Sơn, Phú Thọ, đến Nhà Bình yên ngày 14/7/2020 với mã số 962H. Bà Nguyễn Thùy An, nhân viên xã hội Nhà Bình yên, người trực tiếp hỗ trợ, cho biết Thủy mới học hết lớp 6, bị khuyết tật trí tuệ mức độ nhẹ (có giấy xác nhận của UBND TT Thanh Sơn).
Trong gia đình, ông nội là cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam, các anh chị em cũng như bố đẻ Thủy đều có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Hiện bố Thủy đã mất năm 2017 do bị ngã khi đi làm ruộng, mẹ làm công nhân môi trường.
Theo bà An, ngày 4/5/2020, Thủy bị ông hàng xóm có hành vi xâm hại tình dục. Vụ việc được mẹ nạn nhân trình báo công an (CA) vào ngày 6/5/2020 và Thủy được CA huyện đưa đi giám định. Cô ruột nạn nhân đã gọi tới Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 nhờ trợ giúp và nhận được phản hồi là em không thuộc nhóm đối tượng được hỗ trợ do đã trên 16 tuổi. Tổng đài đã kết nối Phòng LĐTB&XH địa phương phối hợp và vụ việc được chuyển tiếp cho Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, CA địa phương tiếp tục giải quyết.
Ngày 14/5/2020, Cơ quan CSĐT CA huyện Thanh Sơn đưa thông báo kết luận giám định tới gia đình là: Bộ phận sinh dục của người được giám định không có dấu vết tổn thương, không tìm thấy tinh trùng và xác tinh trùng trong dịch âm đạo, trên cơ thể không có thương tích. Ngày 24/6/2020, CA huyện Thanh Sơn ra quyết định không khởi tố vụ án theo Khoản 1 Điều 157 BLTTHS vì “không có sự việc phạm tội”, gửi tới VKSND huyện và những người liên quan.
Gia đình Thủy không đồng ý với quyết định trên, làm đơn khiếu nại gửi tới VKSND huyện hai lần vào các ngày 3 và 14/7/2020. Lần đầu VKSND huyện chuyển đơn tới Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA huyện giải quyết theo thẩm quyền; lần hai VKSND mời mẹ nạn nhân ngày 20/7/2020 có mặt tại trụ sở đối thoại về nội dung đơn. Tuy nhiên, trước đó, ngày 14/7/2020, mẹ và gia đình đã đưa Thủy tới Nhà Bình yên xin tạm trú để được hỗ trợ và không biết thông tin về giấy mời này.
Theo bà An, theo lời kể của Thủy và gia đình thì trong thời gian ở nhà, Thủy và gia đình thường xuyên bị vợ chồng ông hàng xóm sang nhà đe dọa, chửi bới, bị đe dọa giết nếu kể chuyện với mẹ. “Tại Nhà Bình yên, Thủy khi ngủ thường ôm chặt mẹ, nói mơ sảng “Ông đừng có đánh tôi”, khi mới xuống vẫn bị đau ở hai cánh tay, đau ở gần đùi…”, bà An nói.
Cán bộ đã đưa Thủy đến Khoa sức khỏe vị thành niên, BV Nhi TW để đánh giá tâm lý. Có mặt tại hội thảo sáng 21/8, Thạc sĩ tâm lý Dương Thị Xuân cho biết, kết quả đánh giá chỉ số IQ<70; có rối loạn âu lo (test Zung 45 điểm), đề nghị cần phải có tư vấn tâm lý và can thiệp cá nhân.
Mẹ, cô và người phụ nữ hàng xóm của Thủy đều không đồng ý với kết luận của Công an huyện Thanh Sơn |
Gia đình nạn nhân phản đối
Có mặt tại hội thảo tư vấn, cả ba người là mẹ, cô và một phụ nữ hàng xóm đều không đồng ý với kết luận của cơ quan CA. Mẹ Thủy cho biết, ngày 4/5/2020 thấy con có máu chảy dọc đùi, nghĩ con “đến tháng” nên bảo con đi thay rửa. Nhưng sau đó nghi án xâm hại bị một hàng xóm báo lại và khuyên nên đi báo CA.
Theo cô Thủy, ngay sau khi biết sự việc, gia đình đã đưa em tới một phòng khám phụ sản tư nhân và bác sĩ ở phòng khám cho biết có những dấu hiệu của việc quan hệ tình dục. “Gia đình không được tiếp cận với bản kết luận giám định mà chỉ nhận được thông báo từ CA. Chúng tôi cũng không đồng tình với cách lấy lời khai của CQĐT vì cháu tôi bị khuyết tật trí tuệ ai cũng biết, mà khi lấy lời khai không hề có mặt của người giám hộ. Chúng tôi tha thiết đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xem xét vụ việc lại từ đầu để đảm bảo sự minh bạch, công bằng”, cô Thủy đề nghị.
“Mẹ con Thủy phải làm việc nhiều lần (7 lần) với cơ quan chức năng về cùng một nội dung (thuật lại sự việc, mô tả lại các hành vi xâm hại, trả lời là được ai hướng dẫn làm đơn gửi các nơi…). Thủy bị khuyết tật trí tuệ nhưng một số câu hỏi của CQĐT mang tính chất khái quát và dùng từ ngữ chuyên môn khiến em không hiểu, lúng túng, dẫn đến hoảng sợ trong khi trả lời”, theo bà An.
Chính vì những vấn đề như trên mà Nhà Bình yên phải mở hẳn một buổi hội thảo bàn giải pháp hỗ trợ cho trường hợp cụ thể này với sự có mặt của Ban Chính sách pháp luật Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đại diện Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 thuộc Bộ LĐTB&XH; đại diện Trung tâm Hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) chuyên hoạt động vì người khuyết tật Việt Nam; bác sĩ tâm lý của BV Nhi TW; đại diện Hội Phụ nữ Đoàn Luật sư HN và cơ quan truyền thông…
“Chúng tôi rất lo ngại cho sự an toàn của Thùy khi hồi gia”
Theo bà Lê Thị Phương Thúy – Trưởng Phòng Tư vấn và hỗ trợ phát triển (Hội LHPN Việt Nam), mẹ con Thủy đã nhiều lần bị gia đình ông hàng xóm dọa đánh, tra hỏi về việc dám viết đơn khiếu nại, gặp ngoài đường Thủy cũng bị con trai ông hàng xóm đe dọa đến nỗi em sợ, bỏ cơm tối. Những hàng xóm làm chứng, ủng hộ gia đình nạn nhân đều bị gia đình ông này chửi bới, xúc phạm, đe dọa.
“Chúng tôi rất lo ngại cho sự an toàn của Thủy khi hồi gia. Nếu vụ việc không được giải quyết triệt để, nghiêm minh sẽ để lại nhiều rủi ro mà trước hết là nạn nhân có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi những người khác; gia đình nạn nhân và những người làm chứng có nguy cơ bị trả thù. Từ tiền lệ xấu này, nguy cơ những vụ việc tương tự tới đây sẽ không được trình báo và mãi mãi chìm trong im lặng”, bà Thúy nhấn mạnh.