“Đồng đua, đồng đú”
Theo dân gian, nghi thức hầu đồng gồm một chuỗi lễ tiết và do những người được “nhà Thánh chọn” để làm các công việc lễ bái, kính thỉnh các đấng thần linh thờ trong điện Mẫu.
Đây là một hình thức sinh hoạt tâm linh thuộc về văn hóa dân gian có từ lâu đời, có ý nghĩa tôn vinh các nhân vật lịch sử cùng với công trạng của họ dưới hình thức nhập hồn và hát văn. Đồng thời, thông qua hình thức này, người trần mắt thịt còn có thể “giao lưu” với “thần thánh”.
Ở góc độ văn hóa dân gian, lên đồng khiến những nhân vật dân gian truyền miệng như hoàng Ba, hoàng Bảy, hoàng Mười, ông tuần Tranh… từng có công với đất nước với dân được người đời nhớ tới. Những cô Bơ Bông, cô Bé Tân An, cô Bé Bắc Lệ (cộng đồng Bắc Lệ - Hữu Lũng, Lạng Sơn), cô Bé thượng ngàn gần gũi như người thường quanh ta.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nghi thức hầu đồng đang ngày càng bị biến tướng bởi những người cuồng tín và của những người nhân danh “Thánh” để trục lợi. Hiện nay có những “đồng bóng” không phải do “căn số” và phát triển khá đông được gọi là “đồng đua, đồng đú” do những người nhiều tiền lắm của đua đòi thực hiện.
Nhưng có thể giải thích đó là một hình thức giải tỏa những dồn nén tâm lý trong một xã hội nhiều căng thẳng và bon chen như hiện nay, theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Dân gian, Phó Chủ tịch Hội đồng Folklore châu Á.
Trên các trang mạng xã hội hiện đăng tải rất nhiều đoạn video ghi lại tệ nạn biến phủ đồng thành nơi thực hiện trò bịp. Thậm chí, một cô gái hầu đồng, tự xưng Cửu Thiên Huyền Nữ, đã nhảy lên ngồi trên bàn thờ Cô Chín tại đền Sòng, Thanh Hóa hoặc sự ngông cuồng của một thanh niên trông như bị “ngáo đá”, nhập đồng với tư thế gợi dục...
Không ít người đến hầu đồng đã phải vay nợ từ các băng nhóm cho vay nặng lãi, phải cầm nhà, bán xe để cúng lễ đúng yêu cầu, rải thật nhiều tiền để được nhận lộc may. Có người tán gia bại sản khi dính vào các “kịch bản” của nhiều “đồng bóng”.
Không những thế, người ta dựng lên những cảnh “biểu diễn” hầu đồng, các thánh nhập hồn về giải đáp mọi thắc mắc, yêu cầu của thân chủ. Có những giá đồng được “tuyên truyền” trị khỏi bệnh câm, điếc ngay tức thời. Nhiều người cuồng tín vẫn tìm đến vái lạy các “thánh mẫu” và mang tiền đến dâng!
Thế nhưng, theo quan điểm Phật giáo, đã là thần thánh, đã là Mẫu thì không bao giờ hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian. Và, hoạt động lên đồng chính thống không bao giờ mang màu sắc mê tín, dị đoan. Sẽ không có thánh thần nào nhập vào “người trần mắt thịt” để phán phải làm cái này, cái kia mới thôi “đày”.
GS TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, nếu như ngày xưa, chỉ cần một cái khăn là có thể lên đồng, quà phát lộc chỉ vài quả táo tượng trưng... thì ngày nay, mỗi giá đồng một bộ quần áo, mỗi ông đồng bà cốt mỗi lần lên đồng có hàng chục bộ trang phục cầu kì đẹp mắt và đắt đỏ.
Cũng theo GS Thịnh, hiện nay đang tồn tại quan niệm cho rằng đồ lễ cái gì cũng phải to, phải lớn, ngay như ngựa, voi làm bằng mã cũng phải đúng kích cỡ như thật, tiền phát lộc không còn là “bạc lẻ” gọi là tượng trưng nữa mà mệnh giá tiền phải lớn. Lễ vật phải nhiều…
Tất cả chỉ vì những người cuồng tín nghĩ rằng “tốt lễ dễ kêu”. Đặc biệt là tầng lớp thương mại, còn làm biến tướng nghi lễ này khi không quan tâm tới Mẫu Địa mà chỉ quan tâm tới Mẫu Thượng ngàn và Mẫu Thoải vì quan niệm đây là những vị thần tài mang đến “tiền rừng bạc bể”...
Nghi lễ hầu đồng. Ảnh minh họa |
Lợi dụng tín ngưỡng trục lợi
Đành rằng, quan niệm phát lộc đã tồn tại từ lâu trong nghi lễ hầu đồng. Đồng tiền trong lên đồng có “căn cỗi” của nó vì đi theo Mẫu là để nhận lộc.
Đạo Mẫu bắt đầu từ thế kỷ XVII - XVIII. Khi buôn bán phát triển, nó trở thành tín ngưỡng nặng tính thị dân và thương dân. Việc phát lộc là điều không thể thiếu. Vào dịp lễ tiết của mỗi bản hội, người đứng hầu đồng đứng ra tổ chức, các con nhang cũng góp lễ khoảng chừng 500.000 hoặc 1 triệu đồng. Người hầu đồng chỉ lấy một ít để phát lộc, phần còn trả lại cho các con nhang.
Hoặc như trong việc mở phủ, một lần mở chỉ mất vài chục triệu đồng, thậm chí có người được giúp không mất đồng nào, tuỳ theo từng hoàn cảnh. Nhưng hiện nay, để mở phủ, mỗi người phải chi ít nhất hàng trăm triệu đồng.
Nói thêm về thực trạng này, GS Thịnh nhấn mạnh việc cướp lộc, xin lộc Thánh là khó tránh khỏi, đây là quan niệm của khá nhiều người về thứ lộc được lấy tại chùa, đền, phủ hay ở các lễ hội dân gian truyền thống ở mỗi địa phương.
Đây là việc hiện đang là tâm điểm lớn nhất ở các hoạt động tín ngưỡng, nhất là hầu đồng, lễ hội,… Có những người đi dự lễ hầu đồng đã ngất xỉu, ngạt thở chỉ vì tranh lộc Thánh, có người vì lộc Thánh mà đánh nhau đến chảy máu, mất mạng… ở lễ hội. Có người mê tín thì cúng tràn lan lễ vật, lấy tiền của đánh đồng với lòng thành, có kẻ lại lợi dụng vào tín ngưỡng để gây chia rẽ,…
Bên cạnh đó, suy nghĩ “trần sao âm vậy” ám ảnh nhiều người thích “khoa trương, màu mè”, trong thời buổi hiện đại, thần thánh còn được cúng ô tô máy bay, được đút lót, thì giá trị nhân văn, cái gọi là nhất “tâm nhất nguyện nhất ứng” ít nhiều bị lãng quên.
GS-TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, qua sự biến tướng gần đây cho thấy sự thực hành đã đi lệch hướng, không còn là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng. Nếu cứ vòi tiền, vòi của người tham gia hầu đồng, di sản sẽ bị mất đi nét đẹp sáng tạo.
Hầu đồng phải góp phần làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng. Ở đó, không thể là sự “diêm dúa, khoe của”.
GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ: Hầu đồng khác các di sản khác, không cần phải phổ biến, bản thân nó đã có sức nóng rất lớn trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Sức nóng cũng như giá trị của di sản thờ Mẫu cũng được giới khoa học bàn lên bàn xuống trong hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm kể cả trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, vừa qua tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO vinh danh ghi ở các giá trị tính kế thừa, giá trị nhân sinh, ý nghĩa lịch sử thông qua việc tôn vinh các vị thánh hiện thân của các anh hùng dân tộc, cùng với giá trị văn hóa nghệ thuật đa dạng, như diễn xướng tâm linh với nhạc, ca hát, vũ đạo, trang trí.
GS Ngô Đức Thịnh hy vọng sau khi UNEESCO vinh danh, cơ quan chức năng sẽ có hướng quản lý hợp lý để hầu đồng không bị thương mại hóa, có những người lợi dụng di sản để trục lợi cá nhân. Thời gian qua khi hầu đồng phát triển mạnh, các chuyên gia, trong đó có GS Ngô Đức Thịnh từng cảnh báo nguy cơ thương mại, xói mòn giá trị tốt đẹp của hầu đồng.
Một trong những nguyên nhân là người dân cuồng tín, thậm chí các thanh đồng khá mù mờ về đạo Mẫu, nhiều người còn lợi dụng đạo Mẫu, hầu đồng để làm giàu. Việc vinh danh di sản này cũng có thể xem là biện pháp để uốn nắn, đưa vào quy chuẩn, ông bày tỏ.
Và như GS Thịnh nói, không có thần linh nào đòi hỏi lễ lạt, buôn thần, bán thánh, mà chỉ có con người làm xấu đi các giá trị nghi lễ đầy tốt đẹp và nhân văn…
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, một trong những người tham gia trong diễn xướng chầu văn của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng dân gian chia sẻ:
“Hiện nay, những người theo đạo mẫu như chúng tôi đau đáu một nỗi, làm sao để đạo mẫu không còn bị hiểu lầm là mê tín dị đoan. Đó là điều mà những người theo đạo chân chính như chúng tôi luôn trăn trở. Mười năm trở lại đây, đạo mẫu ở ta phát triển rất rộng nhưng với số lượng ồ ạt và như chúng tôi gọi là “kém chất lượng”.
Bà Loan nói: “Tôi là một người hoàn toàn tỉnh táo để bước vào hầu đồng, đó là cái nghiệp và cũng là vinh dự cho một người như tôi. Bản hội của tôi luôn truyền tải lại cho các thanh đồng về những nghị quyết, những điều mà họ không được vi phạm và ngược lại, các thanh đồng trong bản hội đều có thể góp ý, phản ứng lại thầy để cùng nhau xây dựng một mạng lưới những người theo đạo mẫu trong sạch cũng như phát triển cho đến ngày hôm nay”.