Nghị lực của người phụ nữ bất hạnh ở Hà Nội

(PLO) - Đó là chị Ngiêm Thị Huế (nhà 76, ngõ 26, đội 3, thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai huyện Thanh Trì, Hà Nội) có con đều mang căn bệnh tan máu bẩm sinh, phải điều trị cả đời với mức độ tốn kém có thể lên đến tiền tỉ; chồng lại mới phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn 4…
Gia đình chị Bắc xuất hiện trong đêm nhạc kêu gọi giúp đỡ cho hoàn cảnh khó khăn của mình

Chị Huế giãi bày, năm 1998 vợ chồng chị sinh con gái đầu lòng là cháu Thùy Dương bụ bẫm và khỏe mạnh. Đến khi cháu bước qua tuổi thứ 5, đột nhiên thấy con yếu đi, da xanh và nhợt nhạt, vợ chồng chị tất tả cho con vào bệnh viện khám thì phát hiện ra con bị bệnh tan máu bẩm sinh. Vợ chồng chị “chết đứng” khi nghe nói bệnh này phải chữa cả đời, tiền thuốc thang có khi lên đến hàng tỉ đồng… 

Từ đó gia đình chị bắt đầu sống chung với bệnh tật, cứ đều đặn 2 tháng thì có 10 ngày 2 mẹ con chị vào viện truyền thuốc thải sắt. Dẫu cuộc sống rất ngặt nghèo nhưng khi các bác sĩ cho biết, nếu anh chị có con trai, có thể cháu sẽ không mang gen bệnh thì vợ chồng lại tin tưởng và hy vọng. Năm 2006, đứa con trai nhỏ (được đặt tên Nguyễn Văn Hải) chào đời với niềm mừng vui khôn xiết. Ai ngờ, năm cháu Hải 3 tuổi cũng bị phát hiện mang bệnh tan máu bẩm sinh.

“Đất trời như sụp dưới chân tôi, tôi nghe tin mà cứ tưởng mình đang hoang tưởng” - chị Bắc kể lại cái ngày chị hiểu được như thế nào là “sét đánh ngang tai”. Kể từ ngày ấy, một mình chị xoay vần với 2 đứa con với bệnh viện, với thuốc thang. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Bắc ngoài làm ruộng thì phải tranh thủ phu hồ để kiếm tiền. Còn chị, do phải trông con thường xuyên nên bỏ nghề đi làm thuê, quanh quẩn ở nhà tranh thủ bán bánh cuốn vào phiên chợ sáng. 

“Nhà khó, bệnh trọng”, cứ thế 10 ngày (trong 60 ngày) chị lại đưa 2 con đến bệnh viện, để 2 chị em tự chăm nhau trong lúc điều trị, truyền thải sắt, còn chị về nhà tranh thủ làm mướn bất cứ việc gì miễn là nó có thể biến thành thuốc, thành tiền cho gia đình chị. 

Tuy nhiên, năm 2013, khi đứa con gái vừa tròn 15 tuổi thì cũng là lúc đứa con trai không được chuyển lên tuyến trên nữa. Hải buộc phải điều trị ở Bệnh viện Sanh pôn. Vẫn một mình chị quay cuồng với lịch điều trị của 2 con. Nhưng sức người có hạn, tiền cũng không có nhiều khi cứ phải đi liên tục từ Viện huyết học truyền máu đến Sanh pôn. Chị quyết định để Thùy Dương tự đến bệnh viện một mình. “Lần đầu tiên cháu nghe mẹ nói mà nước mắt cứ trào ra, cảm giác tủi thân vô cùng” - Thùy Dương kể lại. Lâu dần Dương cũng quen với việc tự bắt 2 chuyến xe buýt lên viện điều trị. Giờ Dương đã là cô bé sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng y tế Hà Nội. 

Ngoài giờ học, những lúc khỏe mạnh, cô bé cũng tranh thủ đi làm thêm để giúp mẹ. Cuộc sống của gia đình chị Huế tưởng như đã dễ thở hơn nhưng đầu năm 2017 chị đột ngột phát hiện chồng chị mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn 3. Người phụ nữ luôn gồng mình lên để làm ấy tưởng như đã gục hẳn! Chị bảo nhiều lúc chị chán nản cũng muốn buông xuôi nhưng nhìn chồng con chị lại gắng gượng…

Nghĩ thế nên giờ chị cố gắng làm tăng lên gấp đôi, để bù cho cả người chồng hiện đã ở giai đoạn 4 của bệnh chỉ sau vài tháng phát hiện ra bị ung thư phổi. Không biết chị sẽ gắng gượng được đến đâu nhưng sức vóc người đàn bà tưởng như khỏe mạnh ấy cũng có thể gục ngã bất cứ lúc nào… 

Hội từ thiện Phát tâm lành do Hội trưởng Lê Hoàng Dương thành lập đã cùng với các thành viên tổ chức đêm nhạc vào ngày 17/9/2017 để kêu gọi giúp đỡ cho gia đình chị Bắc. Tại đêm nhạc này, đại đức Thích Thiên Ân đã tặng Ban tổ chức 2 bức thư pháp để đấu giá. Hai bức thư pháp này được trả với giá 5 triệu đồng/bức; góp phần đưa tổng số đóng góp được tại chương trình lên đến hơn 60 triệu đồng. 

Đọc thêm