Nghị lực phi thường của người thợ cơ khí liệt nửa người, mất 96% sức khỏe

(PLO) -Tai nạn lao động khiến anh Nguyễn Văn Thông (43 tuổi, ngụ TX.Thuận An, Tỉnh Bình Dương) mất đến 96% sức khỏe, liệt nửa người. Giữa lúc suy sụp nhất thì người vợ đầu gối tay ấp lại ôm con theo người đàn ông khác. Quá đau khổ, tuyệt vọng, người đàn ông ấy đã hai lần tìm đến cái chết...
Nghị lực phi thường của người thợ cơ khí liệt nửa người, mất 96% sức khỏe

Không chết được thì phải ráng sống

Tìm đến nhà người đàn ông nghị lực Nguyễn Văn Thông vào một ngày giữa tháng 5. Đó là một căn nhà nhỏ nhưng sạch sẽ, nằm ẩn dưới những nhành cây trứng cá, bên trong căn chòi lá dựng tạm ngoài chiếc giường nhỏ còn lại toàn máy móc, phụ tùng và đồ nghề sửa xe.

Cả nhà và căn chòi nhỏ đều không đóng cửa nhưng đi từ trước ra sau tịch không một bóng người. Đang định cất tiếng gọi thì được hàng xóm ở cạnh nhà nói với qua: “Cửa không đóng nhưng không có ai ở nhà đâu cô ơi. Phải 12h chú Thông mới đi làm về” và không quên mời khách vào nhà mình ngồi chờ.

Gần 12h, chiếc xe cải tiến chở anh Thông chỉ lướt qua nhà. Chị hàng xóm thở dài xót xa: “Chắc hôm nay nhiều việc nên chú ấy làm ráng thêm giờ. Chú Thông vất vả lắm, thân mạng tật nhưng vẫn phải cố làm việc để có tiền trang trải cuộc sống gia đình”.

Sợ phóng viên chờ lâu, chị đưa số điện thoại nhân vật để liên lạc song chúng tôi quyết định chờ anh hoàn tất công việc của mình. Khoảng 12h30, nhân vật cũng về đến nhà. Anh được người đi cùng bế vào căn chòi vừa nằm vừa kể về quá khứ bất hạnh của mình.

Anh sinh ra trong một gia đình nghèo ở Long An. Dù rất được học lên cao song gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp cấp 3 phải học theo nghề cơ khí. Cũng nhờ sáng dạ, chỉ 2 năm sau theo nghề một mình lên Sài Gòn kiếm việc làm.

Cơ hội mỉm cười khi anh Thông được nhận vào làm thợ cơ khí, hàn xì cho một công ty xây dựng lớn. Nhờ siêng năng, nỗ lực không ngừng, anh được cất nhắc lên vị trí tổ trưởng với mức khá cao.

“Năm 1998, vừa lên TP.HCM tôi đã may mắn xin được việc làm. Làm thêm nhiều nên thu nhập của tôi lúc ấy cao lắm. Tôi không nhớ rõ bao nhiêu nhưng trừ chi tiêu cá nhân, gửi về cho gia đình vẫn tiết kiệm được mỗi tháng 1 chỉ vàng. Có thu nhập ổn định, hơn 1 năm sau tôi lập gia đình và sinh con. So với cuộc sống công nhân, điều kiện của chúng tôi là khá tốt”, anh Thông kể.

Thế nhưng hạnh phúc chưa được bao lâu thì bất hạnh liên tiếp ập xuống đầu Thông. Năm 2002, khi đang thi công công trình xây dựng nhiều tầng, anh bị một thanh sắt rơi trúng lưng rơi xuống đất bất tỉnh.

“Một ngày sau tôi mới tỉnh dậy. Mọi người bảo, trong lúc rơi xuống tôi nắm được sợi dây cáp cần cẩu nhờ vậy mới giữ được tính mạng. Nhưng liền sau đó tôi phát hiện ra nửa thân dưới không cử động được, cũng không có cảm giác đau đớn. Theo như lời của bác sĩ thì do thanh sắt đập vào lưng làm gãy cột sống khả năng tôi sẽ bị liệt nửa người, bị thương tật vĩnh viễn 96%. Tuy nhiên, bác sĩ cũng cho biết, trên thế giới luôn có những kỳ tích vì nghị lực không ngừng của người bệnh. Tôi tin vào điều đó nên không ngừng hi vọng, luôn nghĩ tới những chuyện vui vẻ trong lúc điều trị để có kết quả tốt nhất”, anh nhớ lại.

Hàng ngày, mẹ vẫn giúp anh vệ sinh, bế lên chiếc giường đa năng để anh làm việc

 Hàng ngày, mẹ vẫn giúp anh vệ sinh, bế lên chiếc giường đa năng để anh làm việc

Nhưng mọi niềm tin cuộc sống hoàn toàn sụp đổ khi người vợ anh hết mực yêu thương, tin tưởng lại phụ mình. Chỉ 10 ngày sau khi chồng bị tai nạn, cô ôm con bỏ đi theo người đàn ông khác. Quá đau đớn, tuyệt vọng anh liên tiếp tìm đến cái chết.

“Bệnh viện thường phát thuốc cho bệnh nhân uống nguyên cả tuần, nhưng vì không thiết sống nên có bao nhiêu tôi uống hết một lần. Lúc tôi mê man thì người nhà vào thăm phát hiện ra liền đưa đi súc ruột kịp thời. Biết uống thuốc khó chết ngay, tôi liền tự tử theo cách khác. Lấy cớ nằm một chỗ buồn, tôi bảo gia đình mua một chiếc cát sét để nghe nhạc, nhưng khi mọi người không chú ý thì bứt dây điện găm vào tay tự tử. Tôi bị điện giật sém tay ngất đi nhưng vẫn không chết”, anh kể.

Nghị lực phi thường

Sau hai lần tự tử bất thành Thông nghĩ, số mình chưa thể chết chi bằng cố gắng sống cho tốt. “Đây là lần đầu sau 3 năm điều trị tôi không nghĩ đến cái chết nhưng vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với cuộc sống. Bởi vậy, những ngày đầu về nhà điều trị tôi suy sụp tinh thần nghiêm trọng đến mức không thể chợp mắt nhưng cũng không dám thức vì sợ đối mặt với làng xóm, bạn bè. Để chạy trốn thực tại, ban ngày tôi vờ ngủ nhưng khi màn đêm buông xuống lại thức trắng để quan sát xung quanh. Thương con, cha mẹ bán đất, bán nhà ở quê đưa cả nhà lên Bình Dương thuê nhà ở để lấy tiền cho tôi chữa trị. Tình cảm của gia đình khiến tôi trăn trở, có thêm động lực để đối diện với sự thật, làm lại cuộc đời”, anh chia sẻ.

Có nghề cơ khí, sửa chữa máy móc trong tay cùng với sự động viên giúp đỡ từ anh em, bạn bè và công ty cũ, Thông mua một lô đất nhỏ mở một tiệm sửa chữa nhỏ ở gần mé kênh Ba Bò phường Thuận An. Thương hoàn cảnh Thông, dù ở xa nhưng hễ có vật dụng gì hư hỏng nhiều người trong ấp vẫn đưa tới nhờ anh sửa chữa. Nhờ làm việc cẩn thận, giá thành rẻ, uy tín tiệm của anh ngày một đông khách.

Năm 2007, thấy nhu cầu mua xe cải tiến trong dân cao nhưng nhiều người không đủ tiền mua vì giá thành đắt anh liền mua máy cũ về tự chế tạo. Sau hơn 1 tháng mày mò, anh đã chế tạo thành công chiếc xe cải tiến đáp ứng mọi tiêu chí kỹ thuật, tiện dụng với giá 30 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với giá thị trường.

“Do giá thành rẻ mà vẫn an toàn, tiện dụng, nhiều người tìm đến tiệm tôi đặt hàng. Công việc ngày càng nhiều, phức tạp mà tôi thì chẳng đi lại được nên mỗi lần lắp ráp máy móc, kiểm tra các thông số kỹ thuật đều phải nhờ người thân bế lên, bế xuống rất bất tiện. Không chỉ người thân chẳng phải lúc nào cũng ở bên mình mà bản thân cũng muốn tự mình làm mọi việc nên tôi đã mày mò chế tạo ra một chiếc giường di động vừa để nằm nghỉ vừa có thể nâng lên, hạ xuống cao thấp tùy ý để làm việc. Nhờ đó mà tôi đáp ứng được đơn hàng của mọi người, có thu nhập ổn định”, anh chia sẻ.

Khi nhu cầu xe cải tiến bão hòa, anh chuyển sang nghề sửa chữa xe tải, xe cải tiến. Thời gian rảnh rỗi anh chế tạo mặt dây nịt bằng inox bán cho mọi người. Khi công việc đang thuận lợi thì khu đất anh ở bị giải tỏa, phải chuyển nơi mới. Ở đây anh Thông dựng lại tiệm cơ khí nhưng phải mất hơn 1 năm mới tạo được lòng tin của mọi người.

Bất kể nắng nóng, anh Thông vẫn luôn nỗ lực hết mình vì công việc
Bất kể nắng nóng, anh Thông vẫn luôn nỗ lực hết mình vì công việc

“Trong thời gian này, cha tôi không may bị tai biến nằm một chỗ. Nhà cửa đất đai cha mẹ cũng đã bán sạch để chữa bệnh cho tôi, mẹ phải lo chăm sóc hai cha con nên tôi phải kiếm tiền lo cho cả nhà. Để không đói ăn, trong thời gian “thất nghiệp” tôi tự chế tạo cho mình một chiếc xe mà bộ lái, thắng…đều điều khiển bằng tay nhận chở hàng thuê cho người ta. Lúc chở rau củ quả, khi chở đất, gạch, có hàng đều mỗi ngày cũng chạy được 4-5 cuốc. Ngoài ra tôi còn nhận gia công lư đồng, nhẫn theo mẫu mã khách hàng yêu cầu, nhờ vậy có thu nhập ổn định lo cho cả gia đình”, anh Thông cho biết.

Sau nhiều năm tận tụy với nghề, tiệm cơ khí đã đông khách trở lại. Anh bỏ việc chở hàng thuê dành phần lớn thời gian việc sửa chữa máy móc cho khách hàng.

“Thời gian sau thỉnh thoảng tôi vẫn chạy hàng cho các mối quen nhưng từ biết điều kiện sức khỏe của mình không được phép lái xe thì chỉ ngồi bên cạnh để em họ lái. Giống như hôm nay, dù rất bận việc ở tiệm nhưng mối quen họ nhờ không tiện từ chối ”, anh chia sẻ.

Khi hỏi về ước mơ của mình, người đàn ông tật nguyền cho biết, với người khác có lẽ đó sẽ là một mái ấm gia đình. Nhưng vì không thể sinh con, không muốn là gánh nặng của người khác nên anh chỉ mong đừng ốm đau bệnh tật để lao động kiếm tiền lo cho cha mẹ già. Ngoài ra, anh cũng muốn truyền lại nghề chế tác mặt dây nịt thủ công cho những người không may mắn để làm nghề mưu sinh.

“Mặt dây nịt của tôi chế tác được nhiều người ưa thích. Có lần một tiểu thương ở chợ Thủ Đức tìm đến nhà đặt hàng với số lượng lớn nhưng do bận việc sửa chữa máy móc lại không có người làm nên tôi phải từ chối. Hiện nay trên thị trường mặt dây nịt nhiều mẫu mã nhưng so với giá gia công của tôi vẫn rất đắt. Bởi vậy, tôi rất muốn truyền lại nghề này cho những người bất hạnh như mình để mưu sinh”./.

Đọc thêm