Nghị lực “thép” của người đàn ông mù hai mắt

(PLVN) - “Với tôi, dù có khuyết tật, có mù lòa nhưng trước hết tâm phải sáng. Tự mình không chỉ nỗ lực không ngừng, mà còn phải biết giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ vượt lên số phận và sống có ích”, anh Phùng Văn Vinh (45 tuổi, ngụ thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) trải lòng.
Nghị lực “thép” của người đàn ông mù hai mắt

Biến cố cuộc đời

Mảnh đất bên hiên nhà, vợ chồng anh Vinh sánh đôi nhau, mỗi người mỗi cuốc đánh rãnh để chuẩn bị xuống vụ mới. Dù bị mù 2 mắt nhưng những cuốc đất của anh Vinh không trật nhịp nào, tất cả đều ngay hàng thẳng lối.

Nhìn vóc dáng khỏe mạnh, nụ cười vui trên môi của người đàn ông này, ít ai biết được rằng anh đã phải đấu tranh không ngừng nghỉ với những ngày tháng tăm tối để tìm đến ánh sáng tương lai. Sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tuổi thơ của anh Vinh gắn liền với những tháng ngày mưu sinh cùng cha mẹ và anh chị. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên học hết cấp 2, anh phải nghỉ học theo các anh chị đến tỉnh Đắk Nông làm kinh tế, phụ giúp gia đình.

Tuổi trẻ, có sức khỏe lại chăn chỉ nên anh Vinh vừa làm nương rẫy cho anh chị vừa khai hoang mở đất, tự phát triển kinh tế cho mình. Sau những năm tháng làm lụng, anh cũng có được 1ha đất trồng cho cà phê cho riêng mình. Nhờ vậy, đến năm 1999, khi 25 tuổi, anh tích lũy được chút vốn liếng và nên duyên vợ chồng với chị Phạm Thị Yến (40 tuổi).

Nửa năm sau khi kết hôn, anh Vinh đón nhận tin vui khi vợ anh mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng chỉ được vài tháng sau, mắt trái của anh bắt đầu mờ dần, nhìn hình ảnh không còn rõ nét nữa, rồi những cơn đau đầu xuất hiện liên tục. Sau khi bàn với vợ, anh vào TP.HCM khám bệnh và được các bác sĩ kết luận bị viêm màng bồ đào, diễn biến bệnh tiến triển rất nhanh. Dù vậy, sợ vợ lo lắng ảnh hưởng đến đứa con trong bụng nên anh giấu, không nói cho vợ biết mà âm thầm chịu được một mình.

Cận kề ngày chị Yến sinh, anh dẫn chị về quê sinh nở. Thời điểm này, diễn biến bệnh của anh rất nặng không chỉ mắt trái mà cả mắt phải. Thị lực của anh giảm xuống rõ rệt, nhìn mọi vật đều rất mờ. Lúc này, anh dự cảm cuộc đời mình những ngày về sau sẽ là những ngày giông bão, đối mặt với muôn vàn khó khăn.

“Lúc đưa vợ về quê sinh, xe khách dừng lại một quán cơm ven đường, vợ chồng tôi đang ăn thì có bé gái khoảng chừng 7 tuổi dẫn người cha bị khiếm thị đi hát rong để mong xin được chút tiền mưu sinh. Dù quán rất đông khách nhưng hầu hết đều lờ đi, chỉ một vài người cho 2 cha con vài đồng bạc lẻ. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi thầm nghĩ về bản thân mình, nghĩ về những điều tồi tệ và bắt đầu sợ hãi. Lúc ấy, tôi đã chảy nước mắt”, anh Vinh tâm sự.

Sau khi chị Yến sinh đứa con gái đầu lòng, anh Vinh mới nói rõ bệnh tình của mình cho vợ nghe. Được sự động viên của vợ và người thân, anh khăn gói vào TP.HCM nhập viện và phẫu thuật lần đầu. Thời điểm phẫu thuật, mắt anh đã bị bong võng mạc nên bác sĩ phải mổ áp lại. Thế nhưng, mổ được vài tháng, võng mạc lại bị bong ra, mắt anh lại không nhìn thấy gì.

Chỉ trong vòng một năm, anh Vinh 2 lần phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn, 2 lần phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội). Thế nhưng, sau những lần phẫu thuật, mắt anh vẫn không nhìn thấy chút ánh sáng nào, tất cả đều tối đen như mực. Và rồi, anh suy sụp, chán chường đến mức tuyệt vọng.

Nghị lực “thép”

Đã có lúc anh Vinh tuyệt vọng, tự ti, chán nản. Nhưng rồi anh suy nghĩ, nỗi đau nào cũng sẽ qua, vết thương nào cũng sẽ lành, phải tập làm quen với những nỗi sợ hãi và tìm cách vượt qua nó. Không vươn lên là tự hại bản thân mình, người đàn ông mù lòa bắt đầu cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai.

“Ngày cưới vợ, tôi đã tự hứa rằng, dù đường đời có khó khăn, gian khổ như thế nào cũng luôn nắm tay, che chở cho vợ con. Nhất định không được bỏ cuộc dù cuộc đời có giông tố đến đâu. Thế nên, không thể vì đôi mắt mù lòa mà lại phản bội lời hứa đó”, anh Vinh chia sẻ.

Dù bị mù 2 mắt nhưng anh Vinh đánh rãnh luôn ngay hàng thẳng lối.
 Dù bị mù 2 mắt nhưng anh Vinh đánh rãnh luôn ngay hàng thẳng lối.

Sau khi tự vấn bản thân, anh Vinh tập làm những công việc bình thường như lúc còn sáng mắt. Những ngày đầu, không thể kể hết những lần bị lưỡi liềm cứa tay, cuốc trúng chân... nhưng tất cả vẫn không làm anh sợ hãi. Và rồi, nhìn cách anh làm việc còn hơn người lành lặn, ai cũng khâm phục, ngưỡng mộ.

“Ngày mới tập ra đồng thăm lúa, cắt cỏ, cuốc đất, dọn bờ, tôi té lên té xuống. Hàng xóm nhìn cảnh ấy cũng thương lắm. Nhưng một thời gian ngắn sau thì tôi quen dần và rất thành thạo. Hồi ấy, cả xóm đều đến xem, chẳng ai tin tôi làm được”, anh Vinh cho biết.

Nhờ nghị lực vượt khó, cùng với sự chịu thương, chịu khó, vợ chồng anh Vinh từng bước ổn định kinh tế gia đình. Hiện tại, vợ chồng anh nuôi 2 con bò sinh sản, đàn lợn gần 20 con, đàn gà gần 100 con. Ngoài ra, 4 sào đất thổ được anh luân phiên trồng sả, đậu, bắp và 5 sào đất trồng lúa quanh.

Những nguồn thu nhập này giúp vợ chồng anh lo được cho 2 đứa con ăn học. Hiện, đứa con gái lớn đang học năm 2 ngành Công nghệ thực phẩm của Trường Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng, còn cậu con trai nhỏ đang học lớp 5. Các con đều ngoan hiền, học giỏi được thầy cô, bạn bè yêu quý đó là niềm vui vô bờ đối với vợ chồng anh.

“Đừng bao giờ ngừng cố gắng”

Anh Vinh bảo, ai sinh ra trên đời cũng đã gắn với một số phận, phải biết cách học tập để thay đổi, biến phần khuyết tật của mình thành sức mạnh, thành động lực sống. Hãy biết mỉm cười, biết san sẻ.

Gia đình hạnh phúc của anh Vinh.
 Gia đình hạnh phúc của anh Vinh.

Dù số phận không mỉm cười nhưng anh Vinh nhiệt tình tham gia hội người mù, sống và làm việc bằng thái độ tích cực, lạc quan nhất.

Với cương vị là Phó chủ tịch Hội Người mù huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi), anh đảm nhận việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho hội viên và trực tiếp đi bán sản phẩm cùng với kêu gọi tài trợ của các mạnh thường quân để giúp đỡ hội viên nghèo. Bằng sự tâm huyết, tận tụy của mình, trung bình mỗi năm, anh kêu gọi được gần 100 triệu đồng để trao các phần quà cho những hội viên gặp khó khăn.

Lãnh đạo trong một môi trường đặc thù, làm sao để các hội viên thay đổi cách tư duy, hiểu, sẻ chia và đồng hành hướng tới sự lạc quan, kỳ vọng ở tương lai tốt đẹp là cả nghệ thuật. 

“Những người bị khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt người khiếm thị, đa số đều tự ti, khép mình với mọi người nên tôi muốn mang lại niềm tin, sự tự tin cho họ bằng việc kể câu chuyện của cuộc đời mình. Đừng bỏ cuộc, hãy sống vì những người thân yêu quanh ta. Đừng bao giờ ngừng cố gắng, đứng yên là chấp nhận để số phận chôn vùi bản thân”, anh Vinh bộc bạch.  

Đọc thêm