Nghị lực thép của thai phụ 8 tháng bị xe tải chèn qua bụng

Vì bệnh nhân, vì con trong bụng sắp thành hình; chị đã từ chối sử dụng thuốc giảm đau, gồng người trải qua những cuộc đại phẫu thuật liên tiếp.
Mỗi lần nhắc với con là một lần người mẹ trẻ xúc động
Mỗi lần nhắc với con là một lần người mẹ trẻ xúc động

Tai nạn bất ngờ khiến con gái phải sinh non

8h tối ngày 19/1/2017, chị Nguyễn Thị Kim Hồng (31 tuổi, mang thai 8 tháng), điều dưỡng tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM được chồng chở đi công việc bằng xe máy. Khi sắp về đến nhà, một chiếc xe tải bất ngờ va chạm với xe máy của vợ chồng chị từ phía sau. Chị Chi ngã xuống đường, chiếc xe tải đó chèn qua phần bụng dưới của chị. Ngay lập tức, chị Chi được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu.

Vì bị xe tải chèn lên người nên chấn thương của chị khá nặng, gãy hai xương cẳng chân phải, rách phần đùi phải, chân trái gãy phức tạp xương đùi, xương chậu, phần bụng cũng ảnh hưởng khá nặng. Tuy chị Chi bị sốc mất máu, sốc chấn thương, huyết áp giảm nhanh nhưng không bị hôn mê. Chị liên tục hỏi: “Con em còn sống không, cháu còn sống không.”. 

Rồi lại luôn miệng nói với bác sĩ hãy giữ thai kéo dài, khoan mổ bắt con, chị xin bác sĩ cố gắng để bé trong bụng mẹ 1 ngày, 2 ngày nữa cũng được. Thêm được ngày nào chị mừng ngày đó vì thai nhi chỉ mới 30 tuần tuổi, chị sợ con mình gặp nhiều di chứng. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định phải mổ bắt con ngay nếu không bé sẽ nguy kịch. 

Một lần nữa chị cầu xin các đồng nghiệp của mình hãy cứu con, nếu như ekip mổ rơi vào trường hợp  bắt buộc phải chọn lựa giữa mẹ và con, “Hãy để mặc em, hãy cứu con em”, lời cầu xin của chị khiến ai cũng rơi nước mắt. May mắn, qua suốt một thời gian dài căng thẳng, các bác sĩ của BV Chợ Rẫy và BV Hùng Vương vỡ òa khi cứu được cả mẹ lẫn con. 

Sau khi mổ, các bác sĩ phải chuyển ngay bé gái nặng 1,9 ký đến BV Hùng Vương để cấp cứu tiếp. Sau hai tuần phải nằm lồng hấp, thở máy,… cuối cùng bé gái cũng vượt qua nguy hiểm, trở về vòng tay của cha. Phần chị Chi, chị phải nằm lại Khoa Hồi sức cấp cứu để tiếp tục điều trị.

Chị Chi luôn mỉm cười khi nói về nỗi đau của mình, nhưng không ít lần nước mắt rơi.
Chị Chi luôn mỉm cười khi nói về nỗi đau của mình, nhưng không ít lần nước mắt rơi.

Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã trải qua hơn ba cuộc đại phẫu thuật để giành lại mạng sống. Với sự hiểu biết của một điều dưỡng 8 năm kinh nghiệm, ngoài cuộc phẫu thuật đầu tiên, những cuộc đại phẫu còn lại: mổ xếp xương, phẫu thuật tạm thời đưa ruột ra phía ngoài…, chị Chi đều từ chối sử dụng thuốc giảm đau.

Chị Chi nói: “Tôi biết tai nạn của mình sẽ phải phẫu thuật nhiều lần, chữa trị lâu dài, sử dụng thuốc giảm đau mạnh thì mới giúp tôi đỡ đau hơn. Thế nhưng, việc sử dụng thuốc giảm đau quá nhiều sẽ gây ra biến chứng sau này. Tôi sẽ giảm trí nhớ, bị nghiện thuốc, ảnh hưởng đến thần kinh,… Điều này có nghĩa là sau khi lành bệnh, tôi sẽ không thể làm tốt thiên chức của một người mẹ với con mình, trách nhiệm của một điều dưỡng đối với những bệnh nhân đang chờ tôi phục vụ.”

Con nhiều lần vào thăm nhưng nhất quyết không gặp

Từ chối thuốc giảm đau, có nghĩa là trước những cuộc phẫu thuật để xếp xương gãy, cắt phần da thịt hoại tử,… chị Chi phải chuẩn bị một tinh thần thép để đối mặt. Không dừng lại ở đó, mỗi lần thay băng vết thương là một cực hình với bà mẹ trẻ. Thậm chí, chị chỉ nằm yên những cơn đau âm ĩ  vẫn cứ liên tục khiến chị phải gồng người, bám chặt tay vào thanh chắn băng ca mà chịu đựng. 

Có nhiều đêm, khi cơn đau cuồn cuộn kéo đến, lần sau đau hơn lần trước, khiến chị gần như kiệt sức. Những lần như thế chị thức đến gần sáng dùng ý chí, nghị lực, cùng với tình thương yêu to lớn của một người mẹ mà vượt qua.

“Nhiều lúc đau, đau lắm, tôi định nhờ đồng nghiệp tiêm cho mình một liều thuốc giảm đau thôi, qua cơn đau đó tôi sẽ chịu những cơn đau nhỏ hơn. Nhưng nghĩ lại nếu mình không cố gắng lần này thì lần sau cũng sẽ xuôi theo cảm giác, lại phải xin giảm đau. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua, chồng con tôi, bệnh nhân của tôi đang đợi tôi phía trước, tôi không thể bỏ cuộc lúc này được.”, nói xong chị lại gồng người nén đau. 

Thế nhưng, một lần nữa, chị biết phía ngoài chồng đã mang con đến, con cách mình một cánh cửa phòng khoa thôi, nhưng người mẹ liên tục van nài bác sĩ cứu con, bỏ mẹ này vẫn không chịu gặp. Chị sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con, sợ thấy mặt con rồi nỗi nhớ con sẽ da diết hơn.Lần đầu tiên làm mẹ, chị Chi luôn nhắc về con mình, nhìn dòng sữa chảy ra ướt áo mà con phải khóc đói ở nhà, nỗi đau đó còn đau hơn những cơn đau da thịt mà chị đang hứng chịu. Biết chị Chi nhớ con, các bác sĩ trong khoa tạo điều kiện để con bé vào thăm chị. Ai cũng nghĩ khi thấy mặt con, chị sẽ vui hơn, sẽ có thêm nhiều động lực chiến đấu.

Chị cười gượng: “Vì tôi sợ, sợ khi con vào đây sẽ nhiễm bệnh của những người xung quanh, sợ khi mình gặp con, đã thỏa khát khao thấy con thì lại mềm lòng, sợ nhớ con rồi cứ khóc mà không gắng gượng được. Biết con ngoan ngoãn, bú khỏe là tôi đã yên tâm rồi. Đợi đến khi được về nhà, tôi tha hồ mà bồng bế, mà ôm con.”

Ngày 8/3, chị Chi tiếp tục vào phòng phẫu thuật để các bác sĩ thực hiện ca mổ tiếp theo. Lại một lần đau xé thịt để lọc da hoại tử và xếp xương gãy.

Tha thứ cho người tài xế đã tông mình

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện tại tình hình sức khỏe của chị Chi đã ổn định, nhưng thời gian tới chị Chi phải tiếp tục vào phòng phẫu thuật ít nhất 2 lần nữa để xếp xương. Khoảng 6 tháng nữa chị sẽ được phẫu thuật đưa phần ruột trở lại khoang bụng. 

Sau khi những vết thương về xương, về da thịt lành lặn, chị Chi sẽ tiếp tục “cuộc chiến” với những bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động của chân.

Bác sĩ Linh cho biết: “Điều lo ngại nhất là dù cho tất cả các cuộc phẫu thuật thành công, bệnh nhân bình phục về tất cả, thì vết thương cũng để lại nhiều di chứng như sức khỏe giảm sút. Xương gãy quá phức tạp vì vậy bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn về đi, đứng. Bên cạnh đó, xương chậu và những cơ quan khác ở phần bụng bị tổn thương nặng nên khả năng chị ấy sinh thêm con cũng rất thấp.”

Chị Chi rất hạnh phúc vì hơn 2 tháng qua đồng nghiệp luôn bên cạnh chị
Chị Chi rất hạnh phúc vì hơn 2 tháng qua đồng nghiệp luôn bên cạnh chị

Theo bác sĩ Linh đánh giá, chị Chi là một điều dưỡng luôn có trách nhiệm và có tâm với người bệnh. Chị luôn đi xung phong trong các hoạt động của khoa, như khám chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo ở vùng sâu vùng xa, thăm khám và động viên các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, tham gia vào chiến dịch mùa hè xanh,… Ngoài ra, chị Chi còn là một bí thư Chi đoàn năng nổ và nhiệt huyết trong suốt nhiều năm liền.

“Trên phương diện là một người anh, một đồng nghiệp của Chi, tôi nhận thấy là người sống tình cảm, không ngại khó. Tôi sợ phải thông báo với em ấy rằng có thể vì di chứng, Chi không thể tiếp tục làm một điều dưỡng như suốt 8 năm qua em đã làm. Tuy nhiên, nếu sức khỏe Chi không cho phép em ấy tiếp tục, thì khoa sẽ sắp xếp cho Chi làm ở một vị trí phù hợp. Lúc này đây, điều tôi muốn nói với Chi, hãy cố gắng lên, đồng nghiệp luôn bên cạnh em!”, bác sĩ Linh xúc động.

Hỏi chị Chi có hận người lái xe đã gây ra tai nạn cho mình không, chị Chi lắc đầu: “Anh ấy biết mình sai nhưng không chạy trốn trách nhiệm và cũng đã vào bệnh viện thăm và xin lỗi tôi, tôi không nghĩ đến nữa. Nếu có một điều ước, tôi ước cho tất cả bệnh nhân ở đây và cả tôi nữa mau lành bệnh để về với gia đình. Nằm ở đây rất là nhớ nhà, người nhà mình lo lắng cho mình cũng sẽ không được yên.

Mấy lần vào thăm tôi, chồng tôi không nói được gì, anh ấy chỉ có khóc vì luôn ray rứt nghĩ mình gây ra nỗi đau cho vợ con. Nhưng đâu phải tại anh ấy, đó là do số phận. Tôi, cùng chồng và con của mình nhất định thật mạnh mẽ và không đầu hàng. Đây chỉ là khó khăn trước mắt của chúng tôi, rồi chúng tôi sẽ hạnh phúc bên nhau.”

Đọc thêm