Theo ông Nam, một trong những nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo hành trẻ em là chất lượng đội ngũ giáo viên, người làm việc trong các cơ sở giáo dục, người dạy dỗ các cháu. Những đối tượng làm việc với trẻ em phải được đào tạo kiến thức, kĩ năng khi làm việc với trẻ nhỏ, đó là sự tôn trọng trẻ, sự kiên trì, tránh những áp lực, bức xúc dẫn đến việc bạo hành trẻ.
“Tôi cũng khuyến cáo rằng,các cơ sở mầm non cần phải rút ra bài học là có rất nhiều cô giáo, chủ cơ sở mầm non đã phải vướng vào vòng lao lý, chịu trách nhiệm hình sự vì những hành vi gây tổn thương cho trẻ nên hơn hết cần phải chấp hành pháp luật, phải có kiến thức kỹ năng và phải học cách kiềm chế các cơn nóng giận. Về phía các bậc cha mẹ cần phải thường xuyên theo dõi con em mình, đặc biệt khi đón trẻ ở trường cần phải hỏi han trẻ, kiểm tra cơ thể trẻ xem có dấu hiệu bất thường trên cơ thể hay không kể cả về mặt tâm lý và ngôn ngữ. Đồng thời, khi thấy có dấu hiệu, nghi ngờ việc bạo hành, cha mẹ cần phải báo cho các cơ quan chức năng, gọi điện cho Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để nhân viên Tổng đài kết nối với địa phương, giải quyết vấn đề nhanh nhất hiệu quả nhất cũng như các biện pháp bảo vệ các em một cách tốt nhất” – ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh.
Thời gian vừa qua, nhằm hạn chế nạn bạo hành trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non, ngành Giáo dục đã có khuyến nghị nên triển khai camera giám sát ở các cơ sở giáo dục mầm non. Tuy nhiên, cũng có nhiều quan điểm phản đối cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế và không phải địa phương nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Về vấn đề này, từ góc độ người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, ông Đặng Hoa Nam cho rằng tuy chỉ là biện pháp tình thế nhưng việc triển khai camera giám sát ở các cơ sở giáo dục mầm non là cần thiết.
“Thời gian vừa qua cho thấy bạo hành trẻ em chủ yếu xảy ra ở các cơ sở mầm non, tôi chia sẻ với ngành GD-ĐT vì nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ nhiều, nhưng chưa đáp ứng được, trong khi đó nhiều trẻ chưa biết nói, chưa biết biểu hiện trạng thái, vì vậy tôi cho rằng cần phải tăng cường giám sát kiểm tra tại các cơ sở mầm non. Tôi đồng tình với chủ trương của Bộ GĐ-ĐT khuyến nghị đối với những địa phương có điều kiện như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… nên triển khai camera giám sát ở các cơ sở giáo dục mầm non. Coi đây là điều kiện bắt buộc để thành lập cơ sở giáo dục mầm non. Thực tế công nghệ cho phép, chi phí không quá đắt đỏ, dù chỉ là biện pháp tình thế nhưng lại có thể mang lại hiệu quả tốt như các nhà hàng, siêu thị, bệnh viện… đã làm được” – theo ông Nam.
Ở góc độ pháp luật, Luật Trẻ em và Nghị định 56 của Chính phủ quy định rất rõ UBND cấp xã, phường,cơ quan công an, phòng LĐ,TB&XH các cấp phải tiếp nhận tất cả các thông tin từ phía người dân. Do đó, thiết nghĩ các bậc cha mẹ hãy tự tin, mạnh dạn lên tiếng tố cáo các hành vi bạo hành trẻ em đến các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận theo luật định, các cơ quan này sẽ phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề. Đừng băn khoăn về việc họ có làm hay không, làm tốt hay không tốt, kịp thời hay không kịp thời,họ có phối hợp với nhau hay không vì đã có pháp luật xử lý./.