Nghị quyết số 68-NQ/TW”: Động lực mạnh để doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn tiến lên

(PLVN) - Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68) đề cập đến một giải pháp về mặt pháp lý rất mạnh là yêu cầu rà soát lại các văn bản pháp luật để thực hiện phương châm không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư, kinh doanh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: Quochoi.vn

Khẩn trương thể chế hóa các chủ trương, tư tưởng thành quy định pháp luật cụ thể

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) là khu vực có vị thế rất quan trọng trong nền kinh tế.

Hiện nay, khu vực này chiếm trên 8% lực lượng lao động và chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp tại Việt Nam, cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn cần khai thác và huy động hiệu quả hơn nữa.

“Đặc biệt, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo, của khoa học công nghệ - KTTN có ưu thế vượt trội nhờ sự linh hoạt, khả năng chấp nhận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới. Đây sẽ là lực lượng tiên phong trong ứng dụng các thành tựu mới vào sản xuất và kinh doanh”, Đại biểu nói.

Đại biểu phân tích, từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng đã xác định KTTN là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, với Nghị quyết số 68 lần này, vai trò đó được nâng lên một tầm mới, không chỉ là động lực, mà là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Nghị quyết này cũng khẳng định đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, KTTN giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng.

Để hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết số 68, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phải hành động quyết liệt và bắt đầu ngay từ việc thể chế hóa các chủ trương, tư tưởng thành quy định pháp luật cụ thể.

“Trước mắt, trong các dự án luật đang được sửa đổi tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội lần này, cần phải lồng ghép tinh thần Nghị quyết số 68 vào. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nên ban hành một nghị quyết riêng về phát triển KTTN để làm cơ sở xây dựng khung pháp lý, từ đó các cơ quan quản lý có căn cứ ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn và triển khai thực thi”, Đại biểu đề xuất.

Đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, Nghị quyết số 68 đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là xóa bỏ tư duy xin - cho, không quản được thì cấm. Do đó, cần cải cách mạnh mẽ, phải chuyển từ mô hình mà trong đó người dân, doanh nghiệp “phải xin” để được làm gì đó sang mô hình Nhà nước kiến tạo, tạo điều kiện và khuôn khổ để doanh nghiệp tự do hoạt động, miễn là tuân thủ pháp luật.

“Không thể để các cơ quan quản lý ngồi chờ doanh nghiệp đến xin phép, mà phải chủ động nắm bắt, lắng nghe xem doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh cần gì, từ đó đáp ứng và tháo gỡ. Đây là một thay đổi tư duy quản lý rất căn bản”, Đại biểu Cường nêu rõ.

Động lực rất mạnh để các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh

Đánh giá về thực trạng hiện nay, Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn.

“Họ thường ở vị thế yếu hơn so với các doanh nghiệp lớn trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn, và chính sách hỗ trợ”, Đại biểu nói.

Nhận thức rõ thực trạng này, Nghị quyết số 68 đã xác định rõ cần có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này phát triển. Chẳng hạn, Nghị quyết yêu cầu các khu công nghiệp tại các địa phương phải dành ít nhất 30% quỹ đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngoài ra, tùy vào điều kiện từng địa phương, còn có thể có các hình thức hỗ trợ cụ thể hơn như quỹ bảo lãnh tín dụng, vốn vay ưu đãi, hay chính sách thuế phù hợp để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt vấn đề về cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế.

Theo Đại biểu, hiện nay, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp do lo ngại các thủ tục phức tạp và chi phí tăng cao như kê khai thuế, thuê kế toán, và báo cáo định kỳ - ngay cả khi không phát sinh doanh thu.

Điều này trở thành rào cản lớn. Vì vậy, Nghị quyết yêu cầu loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, Nghị quyết số 68 cũng đề cập đến một giải pháp về mặt pháp lý rất mạnh là yêu cầu rà soát lại các văn bản pháp luật để thực hiện phương châm không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tư nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư, kinh doanh mà ở đó có thể có những mạo hiểm, thất bại… Ngay cả khi thất bại, họ vẫn được tạo điều kiện để làm lại, tiếp tục đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

“Đây sẽ là động lực rất mạnh để các doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái, mạnh dạn tiến lên”, Đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, ngoài sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng cần chuyển mình mạnh mẽ, phát triển theo hướng chiến lược dài hạn, bền vững, ổn định, tránh tình trạng đầu tư chụp giật, dựa vào kẽ hở pháp luật. Đồng thời, cần khắc phục điểm yếu cố hữu là thiếu liên kết. Nếu biết liên kết, bắt tay, các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo nên sức mạnh rất lớn.

Kỳ vọng về một bước tiến mới, Đại biểu nhấn mạnh: “Với Nghị quyết số 68, chúng ta kỳ vọng sẽ hình thành nên các “chim đầu đàn”, từ đó lôi kéo các doanh nghiệp khác đi theo, tạo ra một liên kết của doanh nghiệp tư nhân, tạo sức mạnh tổng thể phát triển”.

Đọc thêm