Bước sang làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam đang trở thành ‘tâm dịch’ với hàng nghìn ca mắc mới được phát hiện mỗi ngày. Trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, các tỉnh thành khắp cả nước đang không ngừng sẻ chia, chung tay dồn lực hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đẩy lùi dịch bệnh.
Thời điểm TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam ‘đổ bệnh’ trước cơn đại dịch COVID-19, đời sống của người dân mà đặc biệt là những người lao động tại các tỉnh thành mưu sinh ở đây cũng dần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, hàng vạn người đã lựa chọn cách hồi hương, đa phần là xe máy thô sơ, thậm chí có người còn đi bộ để về quê...
Đó cũng là câu chuyện của ông Trịnh Duy Nam (SN 1976, trú huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Nam đã quyết định đi bộ hồi hương từ Đồng Nai về Thanh Hóa với quãng đường hơn 1.000km mà đến nay vẫn được nhiều người nhắc đến.
Ông Trịnh Duy Nam được các tình nguyện viên của 'chuyến xe 0 đồng' hỗ trợ đưa về tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện đảm bảo 5K. |
Theo chia sẻ của ông Nam, ông vào làm bốc vác tại tỉnh Đồng Nai nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên ông bị thất nghiệp. Hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm trong suốt thời gian dài, tiền không có nên ông Nam quyết định đi bộ về Thanh Hóa. Sau khi đi bộ ra đến tỉnh Quảng Ngãi, ông Nam được người dân giúp đỡ, tặng cho một chiếc xe đạp để tiếp tục hành trình, dọc đường đi ông cũng đã được rất nhiều người dân các tỉnh hỗ trợ đồ ăn, nước uống. Đến khoảng 1h sáng 8/8, người đàn ông này ra đến địa phận tỉnh Quảng Bình.
Khi biết về hoàn cảnh của ông Nam, các cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Bình đã bố trí giường xếp để người này nghỉ tạm. Đồng thời liên hệ với nhóm tình nguyện “chuyến xe 0 đồng” tại địa phương để giúp đỡ ông.
Các tình nguyện viên của “chuyến xe 0 đồng” sau đó đã quyết định chở ông Nam cùng chiếc xe đạp của người đàn ông này về Thanh Hóa trong sáng cùng ngày. Việc vận chuyển đều tuân thủ các quy tắc về phòng chống dịch, riêng ông Nam cũng được các cán bộ y tế tỉnh Quảng Bình hướng dẫn kịp thời khai báo y tế ngay khi trở về quê.
Lực lượng CSGT Quảng Bình dẫn đoàn xe máy trở về từ các tỉnh phía Nam qua địa bàn. |
Không chỉ ông Nam, suốt nửa tháng qua, hàng vạn người lao động khắp các tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... chủ yếu bằng phương tiện xe máy cũng chạy từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và một số tỉnh phía Nam trở về quê hương tránh dịch.
Trong suốt quãng đường hồi hương dài trung bình gần 1000km, những câu chuyện về tình nghĩa đồng bào, những việc làm nhân ái, sự sẻ chia giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn có lẽ cũng nhờ đó mà được nhắc đến nhiều hơn cả.
Đơn cử như quyết định của chị Đinh Thị Thu Hiền (47 tuổi, trú phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An) sử dụng số tiền 50 triệu đồng của gia đình để chia sẻ cho người dân đi xe máy về quê tránh dịch.
Lực lượng Công an huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ đổ xăng miễn phí cho bà con đi từ vùng có dịch về quê. |
Chị Đinh Thị Thu Hiền bỏ những phong bì 500.000 đồng vào thùng carton bìa để hỗ trợ những người đi xe máy về quê tránh dịch. |
Theo đó, sau dòng thông báo trên Facebook cá nhân chiều 30/7, chị Hiền đã dùng một thùng carton đựng nhiều phong bì (trong mỗi phong bì là 500.000 đồng) để phía trước đầu chiếc xe ô tô 4 chỗ để phát cho những người lao động đi xe máy trở về hồi hương. Điều này thực sự khiến không người cảm thấy xúc động, cảm phục.
Vượt cả một quãng đường hơn 1.000km với vợ và con nhỏ, cầm chiếc phong bì trên tay, anh Vừ Bá Mọ (trú tại xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Chạy một quãng đường dài rất mệt nhưng về đến đây thấy mọi người quan tâm, giúp sức, cho đồ ăn, tiền,… chúng tôi rất cảm kích. Cảm ơn mọi người, cảm ơn chị Hiền rất nhiều”.
Không chỉ phát tiền cho lao động Nghệ An, những người lao động hồi hương bằng xe máy sau khi kiểm tra tại chốt kiểm soát đều được nhận phong bì 500.000 đồng, có người quê Thanh Hóa, có người ở Yên Bái hay Tuyên Quang...
Đêm muộn, chị cùng người thân vẫn chờ những người về quê. Khi thùng giấy carton đựng phong bì để phía trước đầu xe dần vơi đi thì bên cạnh đó lại thêm một thùng giấy chứa các hộp xôi giò nóng hổi...
Đến đêm muộn, chị Hiền còn chuẩn bị những hộp xôi giò nóng hổi để hỗ trợ thêm cho những người lao động. |
Cùng với cả nước, trong làn sóng dịch COVID-19 lần này, chính quyền các tỉnh miền Trung cũng đang ngày đêm gồng mình chống dịch, nỗ lực dành những hỗ trợ kịp thời cho những đoàn người hồi hương đi qua địa bàn. Tại các chốt kiểm soát y tế, người dân được tiếp tế thức ăn, nước uống, hỗ trợ khai báo y tế, xét nghiệm COVID-19 trong một số trường hợp cần thiết.
Sau khi tiến hành khai báo y tế, những chiếc xe cảnh sát giao thông dù nắng hay mưa cũng vẫn luôn thầm lặng dẫn từng đoàn người đi xe máy hồi hương qua hết các tỉnh thành, thật không khỏi xúc động và tự hào. Bởi không chỉ phải một hay hai đoàn mà số đoàn trở về bằng xe máy từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là rất đông, như vậy mới hiểu được sự vất vả của các cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và các cán bộ nhân viên y tế đang ngày đêm căng mình phòng chống dịch bệnh.
Lực lượng chức năng Quảng Bình tiến hành bàn giao đoàn xe máy trở về từ các tỉnh phía Nam cho CSGT Hà Tĩnh trong điều kiện thời tiết mưa nặng hạt. |
Theo thống kê của Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình, từ ngày 25/7 đến ngày 13/8, các cán bộ chiến sĩ thuộc đơn vị đã tổ chức dẫn đường, hỗ trợ di chuyển từ đầu địa phận phía Nam tỉnh này ra bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh bảo đảm an toàn cho 41 đoàn xe máy với khoảng 4.444 xe trong tổng số gần 8.600 người.
“Nắm bắt thông tin các đoàn xe máy tự phát chạy về quê ở một số tỉnh thành miền Trung để tránh dịch, Phòng CSGT Quảng Bình cũng đã khẩn trương liên hệ với lực lượng CSGT các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra Hà Tĩnh để thường xuyên trao đổi, cập nhật nắm thông tin các đoàn xe để chủ động bố trí phương án, lực lượng, phương tiện tổ chức dẫn đường thế nào đó vừa để đảm bảo an toàn, vừa tuân thủ quy định về phòng chống dịch.” Thượng tá Trần Đức Dương - Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình chia sẻ.
Nói vậy để cảm nhận rằng, trên hành trình hồi hương, không một ai bị bỏ lại. Dù vẫn còn đó những khó khăn, vất vả vì dịch bệnh nhưng với tình nghĩa đồng bào, tất cả luôn được yêu thương, giúp đỡ. Trở về có thể với hai bàn tay trắng nhưng quê hương luôn dang tay chào đón và vỗ về những đứa con xa hương trở về. Với sự đồng lòng quyết tâm của cả hệ thống chính trị kết hợp với nhiều phương án, giải pháp đồng bộ, mỗi chúng ta ai ai cũng có thể tự tin kỳ vọng dịch bệnh COVID-19 chắc chắn sẽ sớm bị đẩy lùi.