Nghĩa tình Bộ đội Cụ Hồ trong tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tại vùng tâm dịch phía Nam, những người lính đang làm tất cả để sớm đưa cuộc sống bình yên trở về với nhân dân. Có tận mắt chứng kiến những công việc thầm lặng của bộ đội mới thấy thêm yêu màu áo xanh của những người chiến sĩ, mới hiểu hết được ý nghĩa của câu nói “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.
“Gian hàng 0 đồng” của Quân đội đến với người dân mùa dịch.
“Gian hàng 0 đồng” của Quân đội đến với người dân mùa dịch.

Cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch

Quân khu 7 vừa tổ chức sơ kết giai đoạn 1 thực hiện chỉ thị số 660 ngày 21/7/2021 của thường vụ Đảng ủy Quân khu về mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Sau 20 ngày thực hiện chỉ thị, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu 7 đã có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo để hỗ trợ, giúp đỡ người dân khó khăn như: Tất cả cho tuyến đầu chống dịch, Gian hàng 0 đồng, Phiên chợ 0 đồng, Cây ATM gạo, Cây ATM khẩu trang, Hũ gạo tình thương, Bữa cơm nghĩa tình, Tủ cơm cháo miễn phí, Tủ đồ dùng thiện nguyện...

Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị đã trích quỹ, huy động sản phẩm tăng gia sản xuất, vận động toàn lực lượng tiết kiệm chi tiêu, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, chia sẻ khó khăn cho nhân dân trong các khu cách ly, phong tỏa với số lượng hàng hóa trị giá gần 270 tỉ đồng.

Nhiều đơn vị đã chủ động nhường doanh trại để thành lập khu cách ly, bệnh viện dã chiến, tổ chức chăm sóc, phục vụ tận tình, chu đáo, an toàn; phân luồng, tham gia điều tiết, hỗ trợ lực lượng, phương tiện đưa người lao động, học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng. Cùng với đó giúp nhân dân thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ nông, thủy, hải sản; phối hợp với địa phương tiếp nhận, đưa tro cốt người mất từ nơi hỏa táng về với gia đình.

Thực hiện Chỉ thị 660, những ngày qua Bộ Tư lệnh (BTL) TP HCM xuất quân thực hiện Chương trình trao tặng 100.000 phần quà (tổng trị giá 30 tỷ đồng) hỗ trợ người dân; bảo đảm mỗi xã, phường, thị trấn tại thành phố được tiếp nhận ít nhất 100 phần quà. Trung tướng Nguyễn Văn Nam, Tư lệnh BTL TP HCM đã gửi lời tri ân đến những tổ chức, mạnh thường quân luôn đồng hành cùng lực lượng vũ trang thành phố trong công tác chăm lo, trợ giúp nhân dân giữa bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Nhờ vậy, BTL TP HCM kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn hơn 800 tấn hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm; với kinh phí hơn 158 tỉ đồng.

Đại tá, TS Lương Đình Lành, Tư lệnh Quân đoàn 4 cho biết, đến nay, hơn 100 cán bộ, chiến sĩ ở các cơ quan, đơn vị trong quân đoàn có cha, mẹ, vợ, con, thân nhân nhiễm COVID-19, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều trường hợp cha, mẹ qua đời không thể về chịu tang, vợ yếu, con đau không thể về chăm sóc. Các đơn vị đã lập bàn thờ bái vọng và để anh em đồng chí, đồng đội thắp hương chia buồn đối với những đồng chí có cha, mẹ từ trần. Đó là những hy sinh thầm lặng của bộ đội Quân đoàn 4 trong tâm dịch.

Mỗi phần quà của BTL TP HCM gửi đến người dân gồm có 10 kg gạo, 1 thùng mì và một số nhu yếu phẩm.

Mỗi phần quà của BTL TP HCM gửi đến người dân gồm có 10 kg gạo, 1 thùng mì và một số nhu yếu phẩm.

Một người lính phục vụ hai người dân

Những ngày qua, các đơn vị quân đội triển khai hàng loạt hoạt động góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch (PCD) như: Tham gia trực chốt PCD; bảo đảm hậu cần, canh gác tại các khu cách ly, cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; giúp dân thu hoạch hoa màu; vận động hỗ trợ nhân dân trong khu vực phong tỏa...

Khỏi phải nói về sự vất vả của những người lính bộ đội cụ Hồ. Hiện tại các bệnh viện, khu cách ly ở TP HCM đang theo dõi, chăm sóc, điều trị hàng chục ngàn ca bệnh. Có bệnh viện, khu cách ly phải tận dụng các chung cư đang xây dựng chưa có dân ở nên điều kiện sinh hoạt của người dân khó khăn. Bộ đội phục vụ mười mấy tầng với hàng nghìn người, có hôm thang máy hư, anh em phải xách đồ đi bộ lên xuống trong thời tiết nóng nực rất vất vả.

BTL TP HCM có khoảng 30.000 quân tham gia chống dịch. Ngoài sở chỉ huy chính đặt tại trụ sở BTL thành phố, còn có 3 sở chỉ huy khác ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Một sở chỉ huy đặt ở Đại học Quốc gia TP HCM, một đặt ở khu tái định cư An Khánh (TP Thủ Đức) và một ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 4 (Bình Chánh).

Tại các bệnh viện, khu cách ly phân bổ theo nguyên tắc 1 người lính phục vụ 2 người dân. Tại từng điểm có ban chỉ huy để tuyên truyền, giáo dục chiến sĩ tuân thủ biện pháp chống dịch. Bộ đội ở đây làm việc, sinh hoạt, ngủ nghỉ, giao ban, hội ý theo nhóm nếu có người chẳng may nhiễm bệnh thì chỉ một nhóm nhỏ cách ly.

Binh nhất Nguyễn Hoàng Thái là một trong những “anh nuôi” kỳ cựu ở Trung tâm cách ly K71 do Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh phụ trách. Suốt từ tháng 11/2020 đến nay, Thái liên tục “trực chiến” tại bếp ăn của trung tâm. Thái cho biết, những hôm thực đơn ăn sáng là các món nấu, như: Bánh canh, hủ tiếu... các “anh nuôi” phải dậy từ 4 giờ 30 phút. Phục vụ xong bữa sáng, 7 giờ, cả tổ bếp lại tất bật lo bữa cơm trưa và chuẩn bị cho buổi chiều. Những đợt trung tâm nhận nhiều người cách ly, trong ngày, tổ bếp gần như không lúc nào nghỉ ngơi...

Trước sự quan tâm chăm lo của cán bộ, chiến sĩ Trung tâm cách ly K71, hầu hết công dân cách ly tại đây đều có tâm lý ổn định, tự giác thực hiện các quy định. Mỗi lần chia tay, cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là tổ “anh nuôi”, nhận được rất nhiều lời cảm ơn của bà con.

Lần lượt những công dân cách ly được trở về nhà. Nhưng đằng sau niềm vui đoàn tụ của họ vẫn còn rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trụ, bảo đảm công tác hậu cần, tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn cho các khu cách ly.

Bộ đội làm thủ tục nhận các hộp tro cốt người tử vong vì COVID-19.

Bộ đội làm thủ tục nhận các hộp tro cốt người tử vong vì COVID-19.

Ra đi giữa yêu thương, trở về trong tưởng nhớ

Ban CHQS quận Bình Tân, BTL TP HCM hiện là đầu mối chính lo việc tập trung tro cốt người đã mất vì COVID-19 của TP HCM. Thiếu tá Trần Đình Lộc, phụ trách việc tro cốt người đã mất vì COVID-19 cho biết, Mỗi ngày, tổ công tác chia làm 2 đợt (vào 9h và 15h) đến Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) nhận các hũ tro cốt về. Chúng tôi luôn ý thức được rằng, bây giờ ở nhà, thân nhân người đã mất đang chờ từng ngày, từng giờ để được nhận tro cốt của họ về. Vì vậy, các chiến sĩ ở đây luôn cố gắng bằng mọi giá phải đưa tro cốt người đã khuất về với gia đình một cách nhanh nhất.

Trực chiến tại nhà tang lễ 24/24, tổ công tác của Thiếu tá Lộc thực hiện nhiệm vụ: nhận tro cốt, lên danh sách, số liệu, hỗ trợ bàn giao tro cốt cho phường, huyện, quận. Làm việc không kể ngày đêm, thâm tâm mỗi cán bộ, chiến sĩ đều coi đó như tro cốt của người thân mình, tận tâm chăm nom, bảo quản.

Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh TP HCM chia sẻ: “Đây là mệnh lệnh từ trái tim chúng tôi. Trong hoàn cảnh hiện nay, nhiều gia đình có người cách ly, người điều trị bệnh COVID-19 nên đây là nghĩa cử của người lính, mong muốn người đã mất được yên nghỉ, gia đình họ được ấm lòng, vơi bớt đau thương.

BTL TP HCM quán triệt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ đưa tro cốt người đã khuất về với gia đình phải hết sức trân trọng, kỹ lưỡng, chu đáo, chu toàn. Tro cốt người dân được đưa từ nơi hỏa táng về nhà tang lễ thành phố làm lễ truy điệu, sau đó ban CHQS các địa phương tiếp nhận, đưa về tổ chức truy điệu đàng hoàng, rồi đưa từng hũ tro cốt giao lại cho gia đình lo hương khói.

Bộ đội đưa hài cốt về từng nhà dân cũng để thấy rõ được hoàn cảnh người nhà họ thế nào để tiếp tục tìm cách chăm lo cho người sống. Người mất đã mất rồi nhưng người sống còn khó khăn cũng cần được chia sẻ, hỗ trợ.

Thiếu tá Nguyễn Bá Thắng, Ban CHQS quận 3, TP HCM tâm sự: “Công việc này nhìn thì thấy nhẹ nhàng, chỉ là nhận và trao. Nhưng nhận ra sao, trao thế nào cần phải có cả tấm lòng cũng như sự trân trọng với người đã khuất. Phía gia đình người khuất phần lớn là các con, các cháu với nỗi mất mát lớn lao. Trao hũ tro cốt chúng tôi còn gói gửi cả tấm lòng chia sẻ chân thành của người lính”.

Hiện BTL TP HCM đang xây dựng kế hoạch để bộ đội tham gia lo hậu sự cho bệnh nhân từ đầu, bao gồm tẩm liệm, đưa đi hỏa táng, nhận và đưa tro cốt người bệnh về gia đình. Lực lượng, phương tiện sẽ được huy động để làm hết sức nghiêm túc, tận tình, chu đáo. Quan điểm của quân đội không làm vì tiền, chỉ lấy sức, lấy lực của mình mà lo cho dân.

Trước đó, nhiều người dân TP HCM cảm thấy rất phẫn nộ khi nghe chuyện gia đình có người mất do dịch COVID-19 lại còn bị ép giá hòm, ép giá dịch vụ tang lễ. Có trường hợp khi người mất đưa đi hỏa táng, gia đình uỷ quyền cho dịch vụ mai táng lo trọn gói và nhận tro cốt vì cả nhà đang cách ly. Khi gia đình cách ly về, phía làm dịch vụ nói muốn chu đáo nên dùng hàng tốt, nâng giá tới 40-50 triệu đồng/1 cuộc hậu sự.

Đến nay, Bộ Tư lệnh TP HCM có khoảng 300/30.000 chiến sĩ tham gia chống dịch bị nhiễm bệnh. Chiến sĩ đang phục vụ ở các bệnh viện, khu cách ly khi bị bệnh ở lại ngay tại chỗ, còn những chiến sĩ thuộc đội tuần tra, bảo vệ chốt... thì đưa vào một khu tập trung. Nhưng bộ đội không phải bệnh là nghỉ, chỉ có anh em bệnh nặng mới đưa về chăm sóc riêng, còn những anh em đủ sức khỏe vẫn ở cùng để lo chăm sóc cho người dân, để có điều kiện hiểu và gần dân hơn, đến khi hết bệnh lại về tiếp tục chiến đấu, Trung tướng Nguyễn Văn Nam - Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP HCM cho biết.

Đọc thêm