Nước mắt ngày mất chồng...
“Em yêu! Anh đến nơi vẫn khỏe. Đi đường có vất vả, tuy vẫn còn đi xe. Đến đây là ăn khỏe như năm ngoái, chỉ mấy hôm rét hơi khó ngủ, hơi khó thôi. Nói chung mọi sự đều ổn cả, không có gì lo, em cứ yên tâm…”
Những dòng thư tình cảm đó là của Trung tá Trần Lê Nam (tên thật là Trần Ngọc Quế) viết vội gửi vợ khi vừa vào chiến trường miền Trung. Tháng 12/1967, cả miền Bắc gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân. Ông Lê Nam khi đó giữ vị trí Trưởng phòng Tuyên huấn Mặt trận, chia tay gia đình vào chiến trường B5 chiến đấu.
Và đó cũng là những dòng cuối cùng ông viết cho vợ. Một tháng sau, ngày 29/01/1968, Mỹ điều máy bay B-52 không kích khu chỉ huy quân sự của ta. Ông Lê Nam và nhiều đồng đội khác ngã xuống tại mảnh đất miền Trung.
Ngày nhận được giấy báo tử, người vợ choáng váng đến ngã khuỵu, dù bà đã chuẩn bị tinh thần này từ ngày đầu nhận lời yêu ông. Ngay khi ấy, bà lại nhận lệnh đi công tác tận Lạng Sơn. Con còn nhỏ dại, chồng vừa hy sinh. Gia đình ly tán. Nhưng bà vẫn nuốt nước mắt để lên đường, bởi bà tin rằng ngày giải phóng đang gần tới, đất nước cần những người như gia đình bà tiếp tục kiên trung.
Lá thư cuối cùng ông Lê Nam gửi vợ - Nguồn: Gia đình cung cấp |
... và hành trình 13 năm tìm mộ trong nước mắt
Chiến tranh qua đi. Đất nước thống nhất. Bà lại được điều động vào miền Nam để ổn định sản xuất với vị trí Phó Giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông. Khi ấy, tình hình miền Nam nhiều nơi hỗn loạn sau chiến tranh. Một mình vào Nam, không quen biết ai, con cái gửi lại Bắc cho xóm làng, bà vẫn quyết định lên đường vì Tổ Quốc, hệt như chồng mình khi xưa. Có những hôm, bà ở lại nhà máy đến tận khuya để tổ chức sản xuất. Ước mơ tìm chồng đành gác lại.
Vài năm sau, các con vào Nam với bà. Rồi một ngày, cậu hai Văn thủ thỉ với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ còn khỏe, còn làm việc, còn người quen. Giờ mẹ không đi tìm bố thì mai mốt sao tụi con tìm?”. “Phải rồi, tụi nhỏ giờ không còn nhỏ nữa, đã có thể tự lo cho mình, đến lúc rồi”, bà Hiệp thầm nghĩ và quyết định đi tìm chồng.
Bà ra Hà Nội, lò dò lên Tổng Cục Chính trị hỏi thăm. Cán bộ tra sổ sách rồi báo rằng chồng bà đã được an táng tại Nghĩa trang Trường Sơn từ tháng 7/1976. Bà mừng quá, xin nghỉ phép ra Nghĩa trang Trường Sơn ngay. Nhưng cán bộ coi sóc nghĩa trang tra cứu hồi lâu trả lời: “Bộ đội chưa được bàn giao và Nghĩa trang Trường Sơn thuộc Binh Đoàn 559- Bộ đội Trường Sơn, do đó các liệt sỹ thuộc binh đoàn khác không được đưa về đây”.
Bà không tin ở tai mình, linh cảm mách bà rằng chồng đang ở đây, hồ sơ sổ sách cũng bảo vậy. Bà muốn tìm thử khắp nghĩa trang, nhưng đứng trước 11.000 ngôi mộ chiến sỹ, biết tìm rao sao?
Trở về, bà tiếp tục tìm kiếm thông tin. Có người gợi ý là ông có thể vẫn nằm lại ở nơi hy sinh. Thế là bà bắt xe ra nghĩa trang Khe Sanh. Nhưng tìm hoài vẫn không thấy. Không chịu dừng lại, bà tiếp tục xin nghỉ phép để đi khắp các nghĩa trang liệt sỹ ở Thanh Hóa, Hà Nội (nơi ông từng công tác) và Hà Tĩnh (quê ông), nhưng cũng chẳng ai biết ông ở đâu.
Gần như tuyệt vọng, bà quyết định quay trở lại Hà Nội để đến Tổng Cục Chính trị hỏi thăm lần nữa. Cán bộ phụ trách đưa giấy tờ bàn giao liệt sỹ cho bà xem và vẫn khẳng định ông đang ở Nghĩa trang Trường Sơn. Bà lại lọ mọ vào Trường Sơn, nhưng câu trả lời vẫn như cũ. Suốt hơn chục năm ròng, nhiều người giúp bà chuyển nguyện vọng, chuyển thông tin đi khắp nơi nhưng mộ phần của ông vẫn bặt vô âm tín.
Cứ thế, bà di chuyển Thành phố Hồ Chí Minh – Hà Nội – Trường Sơn thêm 2 lần nữa. Giữa thập kỷ 1980, cả đất nước khó khăn gian khổ và bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Gia cảnh chẳng có gì, nhưng bà cứ đi, cứ khóc và cứ trở về tay trắng.
Đến khi mắt đã cạn nước, bà quyết định ra Tổng Cục Chính trị lần cuối để gửi lá tâm thư: “Tôi đã nhiều lần liên hệ Tổng Cục Chính trị và nhận giấy giới thiệu vào Nghĩa trang Trường Sơn tìm mộ chồng nhưng đề không thấy. Nhân lực, vật lực của gia đình cũng có hạn. Tuổi lại ngày càng cao. Xin Tổng Cục Chính trị chứng nhận chồng tôi mất tích. Sau này gia đình sẽ không đi tìm nữa.”
Rồi một ngày, bà đến thăm người bạn cũ của gia đình là Thiếu tướng Lê Phi Long. Ông Long từng là Chủ nhiệm hướng Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên và sau đó là chiến dịch duyên hải miền Trung, mở đường tiến công vào Sài Gòn năm 1975. Sau khi nghỉ hưu, Thiếu tướng Phi Long dành phần lớn thời gian của mình để giúp đỡ các gia đình liệt sỹ tìm mộ người thân. Vốn công tác lâu năm ở Cục Tác chiến, thuộc hết số hiệu các quân đoàn, sư đoàn, đồng thời có mối quan hệ thân thiết với các cựu tướng lĩnh, ông đã giúp được rất nhiều gia đình đoàn tụ với nhau.
Trong buổi gặp lại người bạn với nỗi đau đáu khôn nguôi, bà Hiệp kể cho ông Long nghe hành trình đi tìm chồng của mình. Kể đến đâu, bà trào nước mắt đến đó. Cũng là một người lính, cũng từng thấy hàng ngàn đồng đội của mình ngã xuống và hàng ngàn người mẹ, người con mải miết tìm chồng, tìm cha chỉ với chút hy vọng le lói mà họ vẫn kiên trì tìm, ông Phi Long vô cùng thương cảm và khâm phục.
Ngay sau đó, ông đến Tổng Cục Chính trị và kể lại câu chuyện của vợ chồng bà cho những người bạn cũ hiện đang công tác ở đây. Xúc động trước câu chuyện của bà và nghĩa tình người đồng đội, lần nay Tổng Cục Chính trị cử cán bộ cùng bà về Nghĩa trang Trường Sơn, rà soát tìm hiểu đến từng chi tiết.
Ngày ấy, việc quản lý hồ sơ giấy tờ còn rất thủ công, thông tin chồng lấn quá nhiều và cũng lắm bề bộn, có lúc tưởng đã tìm ra mà lại không phải. Ông cùng gia đình và những cán bộ quản lý ở Tổng Cục Chính trị và Nghĩa trang Trường Sơn cặm cụi tìm từng hồ sơ, đến từng khu mộ để tìm kiếm.
Cuối cùng, một ngày đẹp trời tháng 5/1989, sau 13 năm tìm kiếm mọi nơi, bà Huỳnh Thị Hiệp đã tìm lại được người chồng tại Khu 4, Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn. Một năm sau, gia đình đã chuyển mộ Liệt sỹ Trần Lê Nam về an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh để gia đình thuận đường chăm sóc.
Gia đình quây quần tảo mộ ông Lê Nam tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh - Nguồn: Gia đình cung cấp |
Nghĩa tình của những người đồng đội thời bình
Câu chuyện của gia đình bà Huỳnh Thị Hiệp - ông Lê Nam là một trong hàng trăm trường hợp đi tìm đồng đội mà Thiếu Tướng Lê Phi Long đã giúp đỡ trong suốt mấy chục năm qua. Nhiều năm sau ngày tìm được mộ chồng, mỗi khi kể lại chuyện cũ, bà Hiệp vẫn rưng rưng: “May mà có anh Long, các con tôi mới gặp lại cha, các cháu mới được thăm ông, gia đình sum họp một nhà.”
Nhưng ông Long không bao giờ kể chi tiết những việc này, kể cả khi phóng viên gặng hỏi. “Đây là trách nhiệm của một người lính với đồng đội, đồng chí của mình, cũng là chuyện chẳng đáng nói gì” – ông nhất định từ chối.
Thiếu Tướng Lê Phi Long những ngày an hưởng tuổi già |
Từ khi giải phóng cho đến nay, cứ đều đặn hàng năm vào Tết Nguyên Đán và ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7, Thiếu tướng Phi Long, đều đến các nghĩa trang liệt sỹ khắp cả nước để thắp cho những người bạn cũ nén hương, khi thì cùng những đồng chí lão thành khác, khi chỉ đi một mình. Thời sức khỏe còn cho phép, ông lên cả Điện Biên - nơi khởi đầu binh nghiệp của ông. Lớp chiến sỹ Điện Biên năm xưa giờ chẳng còn lại mấy người, hương khói nơi đây cũng ít đi nhiều. Thiếu Tướng Long cứ lặng đi thật lâu, thật lâu.
Có một người lính già, lòng không yên khi tháng Tư về/ Ông đi tìm bạn bè ông, đi tìm sơn khê/ Nghe vọng về âm vang trận đánh.../ Đồng đội ơi, bạn bè ơi/ Người lính già bao năm trăng treo đầu ngọn súng/ Tháng 4 về, núi rừng một thời trai" (Trích ca khúc “Tráng ca Tháng Tư”. Thơ: Sỹ Đại. Nhạc: Hồ Hoài Anh)./.