Thầy mo vứt áo thầy cúng nhờ BĐBP Việt Nam chữa bệnh
Năm 2007, Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ do BĐBP Hà Tĩnh xây dựng tại bản Thoọng Pẹ, được khánh thành trong niềm vui chung của quân dân hai bên biên giới, trở thành trạm xá đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên đất bạn Lào. Hết vượt qua núi cao, suối sâu lại đến những cánh rừng già hun hút, chúng tôi về bản Thoọng Pẹ với 320 gia đình dân tộc Mông. Từ đỉnh Keo Nưa nhìn xuống, Thoọng Pẹ như chiếc lá rừng nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Nậm Pao.
Gần trưa, lúc bệnh nhân đã vãn, Đại úy Nguyễn Việt Đức - Trạm trưởng Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. “Hiện tại, trạm chỉ được biên chế 1 bác sĩ và 1 y sĩ. Trạm có 10 giường bệnh, bình quân mỗi ngày khám chữa bệnh cho 15-20 lượt bệnh nhân. Tuy nhiên 3 ngày nay, trên địa bàn bản Na Pê xảy ra dịch tiêu chảy, có hơn 50 bệnh nhân đến khám và điều trị, chúng tôi phải cấp cứu kịp thời cả ngày lẫn đêm. Rất may là hiện tại tình hình đã xử lý tạm ổn, không có trường hợp nào vượt quá tầm kiểm soát” - anh Đức chia sẻ.
Trước đây, cả bản Thoọng Pẹ chìm đắm trong khói thuốc phiện, luôn bị đe dọa bởi nạn đói và dịch bệnh. Nhưng dù ốm nặng cỡ nào, người Mông ở đây cũng chỉ tìm đến thầy cúng, thầy mo. Các anh quân y trong trạm đã đến từng nhà, thuyết phục từng người bệnh để họ cho thăm khám, nhưng phải đến khi quân y BĐBP chữa khỏi bệnh bại liệt cho con dâu thầy mo Choóng - một thầy mo kỳ cựu nhất bản thì dân bản mới tin tưởng các bác sĩ ở Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ. Trưởng bản Soong Giở bảo: “Ngày trước, không có trạm y tế, dân bản thường nhờ cậy thầy mo đuổi ma, trừ tà nhưng bệnh nhân vẫn chết dần, chết mòn. Hiện, thầy mo Sùng Bá Dùng cũng vứt áo thầy cúng từ lâu rồi. Năm 2016, thầy mo Dùng bị đau dạ dày đến trạm xá điều trị, bác sĩ khuyên uống thuốc đúng liều và chịu khó kiêng bia, rượu, giờ da dẻ ông ấy hồng hào lắm”.
Dân nơi xa cũng đến khám chữa bệnh miễn phí
Từ ngày thành lập tới nay, Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ chẳng bao giờ vơi bệnh nhân, các y, bác sĩ phải thay nhau trực 24/24 giờ. Nhờ trang thiết bị y tế được trang cấp đầy đủ nên càng tạo điều kiện thuận lợi cho các anh phát huy tay nghề, chẩn đoán nhanh và chính xác những căn bệnh hiểm nghèo để kịp giới thiệu lên tuyến trên. Người dân tộc thiểu số do thiếu i-ốt nên thường mắc căn bệnh bướu cổ. Đã có hàng chục trường hợp được các anh đưa đi phẫu thuật thành công ở tuyến trên. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, trạm đã tổ chức khám, chữa bệnh cho 2.700 lượt người tương đương 81 triệu đồng, cấp cứu 35 ca, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho 550 lượt người với tổng giá trị hơn 27 triệu đồng.
Bằng chính tình cảm, trách nhiệm của người lính Biên phòng, các thế hệ y, bác sỹ Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ đã dành được niềm tin tuyệt đối của người dân nơi đây. Không chỉ có dân trong bản mà cả cư dân ở các bản lân cận như Na Pê, Na Hạt, Na Hương, thị trấn Lạc Xao cũng đến trạm để được chữa bệnh. Trong quá trình hoạt động, Trạm xá quân dân y Thoọng Pẹ còn phối hợp chặt chẽ với Trạm xá Noọng Ó, thường xuyên làm việc, trao đổi chuyên môn với Phòng Y tế huyện Căm Cợt về công tác vệ sinh phòng dịch, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và kinh nghiệm chữa bệnh cho nhân dân.
Ông Xầu Bá Chay (ở bản Viêng Thoong, cách trạm xá hơn 200km) kể: “Mình đang ăn ngon, ngủ khỏe, bỗng dưng chán ăn, chán ngủ, mắt vàng. Gần nhà mình có bệnh viện nhưng vì không có tiền chữa trị, nên dù đường xa, mình vẫn đến đây để được bộ đội Việt Nam khám bệnh. Bộ đội nói mình bị viêm gan cấp. Sau hơn 1 tuần điều trị, mình đã ăn ngon, ngủ ngon rồi, chắc vài bữa nữa là được xuất trạm. Ở đây, thuốc bộ đội cấp, cơm bộ đội nấu cho ăn nhưng họ chẳng lấy một kíp nào. Họ bảo, nhà đang quá vất vả, để tiền bồi dưỡng cho lại sức”.
Bản Thoọng Pẹ sau 10 năm BĐBP Hà Tĩnh giúp xóa đói, giảm nghèo
Sau 10 năm, được sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, bản Thoọng Pẹ đã có sự thay đổi vượt bậc. Cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc, đau ốm có quân y BĐBP chăm sóc, trẻ em được học hành, bà con chăm lo làm ăn và luôn sống hòa thuận, đoàn kết. Chúng tôi được ông Soong Giở - Trưởng bản Thoọng Pe dẫn đi tham quan khu trang trại của bà con được xây dựng trên các sườn núi, với những cánh rừng xanh mướt, những nương ngô, sắn xanh tươi.
Anh Và Lúa Chả, người được BĐBP Hà Tĩnh hỗ trợ xây dựng mô hình trang trại kể: “10 năm trước, tôi chưa đầy 30 tuổi, nhưng đã có 4 mặt con. Khi đó, một mình tôi phải lao động quần quật suốt ngày nhưng vẫn không đủ ăn. Nhưng rồi, cuộc sống của gia đình tôi đã thay đổi, khi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh. Gia đình tôi và nhiều hộ dân trong bản được hỗ trợ cây giống và vật nuôi. BĐBP Hà Tĩnh còn tặng bò giống và hướng dẫn gia đình tôi xới đất, phát quang bụi rậm để trồng 1ha cỏ voi nuôi bò”.
Sau ngày anh Chả được BĐBP tặng 1 con bò giống chỉ sau 1 năm đã sinh 1 chú bê con. Hiện nay, đàn bò của Chả có gần 20 con, trong đó, 8 con bò cái năm nào cũng đẻ đều đặn. Trang trại của Và Lúa Chả mỗi năm thu hoạch tới 4 tấn thóc, 2 tấn ngô, 1 tấn gừng. Số tiền từ chăn nuôi và trồng trọt ở trang trại đã giúp gia đình Chả xây được nhà cửa khang trang, sắm được ô tô bán tải để chở hàng. Từ thành công của mô hình trang trại của Và Lúa Chả, chẳng cần tuyên truyền, vận động, nhiều gia đình tự nguyện xin nhận đất rừng, học theo cách làm của Chả. Cả bản hiện có 9 trang trại, trong đó có 5 chủ trang trại nuôi từ 8-12 con trâu, bò, một số trang trại thu hoạch hàng năm từ 5-7 tấn rau cải, ngô bắp, cà pháo, gừng...