Thực trạng đã chỉ ra những thiếu khuyết trong công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh mà nhiều năm qua các cơ quan chức năng thiếu giải pháp tháo gỡ.
Trong gian khó ló… học nghề
Từng theo chúng bạn quyết tâm thi vào các trường đại học có khoa ngân hàng, Đỗ Việt Hà (Đống Đa, Hà Nội) đã được như ý nguyện, nhưng em lại phải nếm “trái đắng” vì ra trường không xin được việc. Năm 2009, Hà và một số người bạn chỉ đủ điểm vào trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đúng thời điểm nhu cầu tuyển lao động ngành ngân hàng lớn. “Vào thời điểm đó, nhiều ngân hàng mở ra, dễ xin việc. Nhiều bạn đổ xô đi học. Sau cùng em ra trường, kinh tế suy thoái. Các ngân hàng cũng đầy, chẳng nhận nữa”, Hà tâm sự.
Hà đã cầm bằng đôn đáo xin việc khác để kiếm tiền trang trải cuộc sống, khỏi phải phụ thuộc gia đình. Mấy năm không được như ý nguyện, bởi nhiều doanh nghiệp đòi hỏi ở em kỹ năng, chứ không chỉ là tấm bằng cử nhân. Đành lòng, Hà phải xin gia đình cho học lại nghề cơ khí tại Trường Cao đẳng (CĐ) nghề Công nghiệp Hà Nội.
Cũng chọn “liên thông ngược” vì chẳng còn “cửa vào nghề”, ba chàng trai quê ở Yên Bái có bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ chấp nhận xuống Hà Nội thuê trọ học lại nghề tại Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội. Trong ba người, Đỗ Xuân Điệp còn có thêm bằng thạc sĩ Anh ngữ. Điệp tâm sự, để có sinh kế anh cùng các bạn phải chọn cách học nghề. Rất may, ở Yên Bái phong trào học nghề hiện khá lớn, cả ba đã được tuyển vào dạy nghề cho học sinh Trường CĐ nghề Yên Bái. Trong các buổi lên lớp, Điệp đã nhắn gửi tới học sinh rằng, học nghề có cơ hội việc làm cao hơn, không có gì phải mặc cảm, tự ti.
Chung tâm sự ấy, bạn Lê Xuân Thức, quê Thái Bình hiện đi làm cho hãng SAMSUNG ở KCN Thái Nguyên vui mừng mình đã thoát khỏi bi kịch học theo phong trào. Từng sai lầm chạy đua vào ngành “hot” và nghĩ rằng phải có tấm bằng cử nhân mới an tâm, Thức đã từ cao đẳng liên thông lên đại học. Rồi thấy nơi đó không cho cơ hội thật sự, cậu quay về học một trường CĐ nghề để có cơ hội rộng mở hơn. “Và chính ở đó, công ty về đón tôi vào làm, với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Học theo nhu cầu thật của cuộc sống, chứ học theo phong trào là sai lầm”, Thức thổ lộ.
Cần lựa chọn sáng suốt
Mấy năm trở lại đây nhiều gia đình và học viên sau khi nếm “trái đắng” từ sự hấp dẫn của tấm bằng đại học, đã có một lựa chọn đúng và trúng hơn, là lựa chọn học nghề để đi làm ngay. Nhiều cơ sở đào tạo hút học viên như Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trung cấp Nhà trẻ mẫu giáo, Trung cấp Y dược, Trung cấp cơ khí Hà Nội, CĐ nghề Cơ điện Hà Nội… đã trở thành điểm đến của nhiều cử nhân.
Một trong những tấm gương về sự đổi thay cách nghĩ trong lựa chọn nghề nghiệp là chàng trai Trần Anh Tài. Tài vốn sinh ra ở vùng quê nghèo Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Bố mẹ cậu quần quật làm ruộng nhưng cậu luôn hướng tới ước mơ đại học, gia đình ủng hộ tâm nguyện của con trai. Năm 2010 Tài đỗ vào trường Đại học Quy Nhơn, thế rồi đang học giữa chừng, cậu xin bảo lưu và đi làm thuê do gia cảnh quá khó khăn.
“Em nghĩ dừng một thời gian, đi làm kiếm tiền rồi học tiếp. Song rồi em tự hỏi, học xong thì xin việc vào đâu? Hay sẽ vẫn đi sang tận Lào làm thuê? Nghe đài em thấy nhắc đến Trường CĐ nghề Công nghệ Cao Hà Nội, mức học phí thấp mà dễ xin việc. Em từ bỏ đại học, năm 2013, em vào trường xin học ngành Cơ điện tử”, Tài tâm sự.
Có khát vọng và luôn muốn bố mẹ vui lòng, nên Tài rất chịu khó học, được nhà trường quý trọng. Tháng 10-2014, cậu được cử đi thi tay nghề trong cuộc thi Tay nghề ASEAN và đạt Huy chương vàng. Tiếp đó, giữa năm 2015, cậu được cử đi thi tay nghề thế giới tại Bra-xin và đạt chứng chỉ xuất sắc. Hiện Tài được nhà trường giữ lại làm giảng viên, đó là một niềm vui vô cùng lớn đối với cậu và gia đình.
Nói về cơ hội tiếp cận việc làm, ông Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội cho hay: Thực tế hiện nay tỷ lệ sinh viên học nghề ra trường có việc rất cao. Tại trường chúng tôi có đến gần 85% học viên đi làm trước khi ra trường, nhiều nghề 100% sinh viên có việc làm với mức lương cao. Thậm chí có lúc không đủ sinh viên để cung cấp cho các doanh nghiệp. “Cái lợi dễ nhìn thấy là các doanh nghiệp thích tuyển dụng sinh viên học nghề vì tâm lý ổn định, có kiến thức, kỹ năng, có thể tham gia trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp ngay mà ít khi phải đào tạo lại. Nhiều bạn trẻ có bằng cử nhân không có việc làm quay trở lại học nghề là một giải pháp tình thế rất hợp lý”, ông Khánh nhấn mạnh.
Để không chỉ là một hiện tượng
Tại Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội, mỗi năm tuyển sinh trên 2.000 sinh viên, trong đó có hơn 100 sinh viên là các em đã học đại học, bỏ học đại học đi học nghề. Hay trường Trung cấp y dược sĩ Hà Nội hiện có khoảng 1.000 học viên thì hơn 40% là người đã có bằng đại học, thạc sĩ. Tâm sự với bạn Lê Xuân Thức, cũng như nhiều học viên, chúng tôi nhận thấy bản thân các em đã ngộ ra rất nhiều trong quá trình học nghề. Với những người có bằng cử nhân mà phải chuyển hướng học nghề, thì đó không chỉ là áp lực, mà còn là sự hụt hẫng. Ngược lại không ít bạn trẻ có hoàn cảnh ân hận vì đã dấn thân cho con đường đại học. Có bạn thốt lên: “Vì sao phải đâm đầu vào ước mơ xa vời ấy để rồi đi học ngược với nỗi cay đắng?”.
Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Dạy nghề cho biết, đó là một hiện tượng đáng mừng của xã hội. Nhưng dù vậy, thì sau bốn năm học, với không ít gia đình nghèo thì đó là một sự lãng phí rất lớn. Nếu nhận thức sớm, hoặc xã hội có định hướng tốt thì sẽ giảm được rất nhiều người bị lãng phí bốn năm học. Đồng quan điểm ấy, ông Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Công nghiệp Hà Nội, một người đi lên từ học viên học nghề cho biết hiện nay cơ chế chính sách đã tạo ra ít chỗ đứng cho người học nghề. Người học nghề chưa được tôn trọng và trong tuyển dụng, mức lương của người học đại học bao giờ cũng cao hơn dù không biết năng lực thế nào.
Bởi thế, theo nhiều chuyên gia cũng như hiệu trưởng các trường đào tạo nghề, việc tìm ra giải pháp để phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh, giảm bớt sự lãng phí là vô cùng cần thiết. Song để có tâm thế, điều kiện “đón” học viên thì hệ thống trường nghề phải được đầu tư cải tiến, thay đổi, phù hợp với nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Là người có nhiều trăn trở cho công tác dạy nghề, ông Phạm Đức Vinh, nêu giải pháp: “Người học nghề phải được tôn trọng. Ở thời chúng tôi người đi học nghề được tôn trọng, nhà nước hỗ trợ gạo cho người học nghề 17kg/tháng, còn người học đại học được hưởng 15kg/tháng. Vậy nên hiện nay cần khuyến khích, hỗ trợ người học nghề. Không phân biệt, đối xử thiếu công bằng với người học nghề.
Ở tỉnh Vĩnh Phúc, người học nghề đã được hỗ trợ học phí 450 nghìn đồng/tháng, chưa kể nhiều ưu tiên khác. Chúng tôi kiến nghị, nên dẹp loạn đại học, nhiều trường mở mà tuyển đầu vào thì yếu. Tiếp đó miễn phí 100% cho các em học hết lớp 9 rồi đi học nghề”.
Một kiến nghị khác, như bà Thái Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Đà Nẵng nói nên cấp học bổng đầu vào cho các em đã thi đỗ đại học, đã và đang học đại học đăng ký học nghề, các em nữ đăng ký học các nghề kỹ thuật. Ngay như việc trả lương cũng nên thay đổi, cần trả lương theo năng lực, kỹ năng, vị trí làm việc nhằm làm xóa bỏ ranh giới đối với người học nghề.
Rất nhiều ý kiến đề xuất, Nhà nước nên quy định đi làm bất cứ nghề gì cũng phải có chứng chỉ. Vừa là để tăng chất lượng nguồn nhân lực, vừa tạo nề nếp cho các lao động dù là phổ thông. Ý kiến này đồng nhất với ý kiến của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí, trong thời gian tới cần ra quy định yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển sinh lao động phải có chứng chỉ nghề. Điều này vừa giải bài toán tuyển sinh cho các trường nghề vừa nâng cao chất lượng nguồn lực.